Để thí sinh tự do ôn tập hiệu quả...

04/05/2015 14:14

(Baonghean) - Tham dự kỳ thi tốt THPT Quốc gia năm 2015, bên cạnh những học sinh đang học lớp 12 năm nay, còn có một lượng thí sinh tự do là những người đã thi hỏng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 hoặc vì một lý do nào đó không thể dự thi tốt nghiệp ở những năm học trước; còn có cách gọi khác về các thí sinh này là học sinh “lớp 13”...

Với nhiều điểm mới trong cách thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, thí sinh tự do muốn làm tốt bài thi, bên cạnh phải ôn tập, củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học còn phải cập nhật những kiến thức thiếu hụt sau một khoảng thời gian khá dài không đến trường học tập.

Nhằm tạo cơ hội cho số thí sinh tự do này có điều kiện củng cố kiến thức, cập nhật những kiến thức trong sách giáo khoa chương trình mới, vững tin, yên tâm bước vào kỳ thi, ngay sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức công bố phương án tổ chức thi, một số trường THPT đã “mở cửa” cho số học sinh này vào trường để ôn tập, phụ đạo. Tuy nhiên, qua thực tế, nảy sinh một số khó khăn, bất cập, cần sớm khắc phục, rút kinh nghiệm.

Trước hết, do đặc điểm những thí sinh tự do phần lớn có học lực yếu kém, khi chưa tốt nghiệp trong khi đã hoàn thành chương trình học, thường có tâm lý “xả hơi” thậm chí buông xuôi, chán nản. Hệ quả là lỗ hổng kiến thức càng thêm trầm trọng. Khi số học sinh này được đưa vào học chung lớp với học sinh lớp 12 dưới hình thức “dự thính” trong khoảng thời gian gần 3 tháng trước khi thi, nhiều học sinh đã không thể tiếp nhận được lượng kiến thức đã bị rơi rụng quá nhiều. Do đó, việc theo học mang nặng tính hình thức. Nhiều học sinh trong số này đến lớp không phải để ôn tập, củng cố kiến thức mà là vì sức ép từ phía gia đình và tránh cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Bởi thực tế, trong thời gian qua, một số học sinh thi trượt tốt nghiệp trong các năm học trước đã sa ngã, bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật.

Bên cạnh, năng lực học tập thì ý thức tổ chức kỷ luật và hạnh kiểm của một số học sinh “lớp 13” còn hạn chế. Khi số học sinh này được xếp học chung lớp với số học sinh khối 12 đã ảnh hưởng ít nhiều đến nền nếp, kỷ cương của lớp, của trường. Do chỉ đăng ký học một số môn nhất định, đã xuất hiện tình trạng học sinh tự do, tùy tiện trong nền nếp đến lớp, tạo nên những xáo trộn về mặt tổ chức trong các lớp học, ảnh hưởng đến phong trào học tập của những học sinh còn lại trong lớp. Công tác quản lý, xử lý đối với số học sinh “dự thính” này cũng gặp phải không ít khó khăn và có phần bị buông lỏng do số học sinh này không còn là học sinh chính thức của nhà trường. Một vấn đề khác là nhiều giáo viên tỏ ra không mấy mặn mà khi dạy những lớp có học sinh “dự thính”. Từ đó, chưa có những sự quan tâm sát sao đến tâm lý và khả năng tiếp nhận kiến thức của số học sinh này. Hệ quả tất yếu là sự bù đắp, cập nhật lượng kiến thức bị hổng của học sinh không đáng kể.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho số thí sinh tự do có nhu cầu ôn tập, củng cố, hoàn thiện kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, đồng thời không gây nên những xáo trộn, ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường khi thu nhận số thí sinh tự do này vào học cần có sự phối hợp, nỗ lực từ phía nhà trường, gia đình và bản thân mỗi thí sinh.

Trước hết, những học sinh có nguyện vọng ôn tập, phụ đạo phải có đơn xin đăng ký kèm chữ ký xác nhận của phụ huynh học sinh. Ban giám hiệu các nhà trường cần tổ chức cuộc họp phụ huynh đối với số học sinh thuộc diện thí sinh tự do làm tốt công tác tư tưởng để từ đó có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đốc thúc, quản lý học sinh. Những học sinh đăng ký ôn tập cần có cam đoan của bản thân và gia đình về việc chấp hành tốt nội quy của nhà trường, có ý thức tổ chức kỷ luật, thái độ học tập tốt. Từ đó, nhà trường cần có các chế tài xử lý đối với những học sinh vi phạm nội quy, gây ảnh hưởng đến nề nếp dạy và học của nhà trường. Đối với những trường có số lượng lớn học sinh đăng ký học nếu điều kiện cho phép, có thể xếp số học sinh này vào học chung một lớp để từ đó có cách thức phụ đạo, hướng dẫn ôn tập cụ thể, sát thực. Cần có chương trình ôn tập riêng đối với số học sinh này. Đồng thời cử những giáo viên có năng lực, tâm huyết để phụ trách.

Việc tạo điều kiện để thí sinh tự do có điều kiện ôn tập, bổ sung kiến thức để tiếp tục dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm nay là chủ trương mềm dẻo, hợp lý, hợp tình của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả, có tác dụng tích cực cần nhiều hơn nữa sự cố gắng nỗ lực của mỗi học sinh, sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Minh Tuấn

Nam Đàn

Để thí sinh tự do ôn tập hiệu quả...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO