Đề thi văn vào lớp 10 của Hà Nội đậm"hơi thở"về chủ quyền dân tộc
Sáng nay, hơn 70.000 học sinh của Hà Nội đã dự thi môn văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với thời gian làm bài 120 phút.
Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 năm 2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Không trực tiếp nêu vấn đề Biển Đông, chủ quyền biển đảo như đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng đề thi văn vào lớp 10 của Thủ đô Hà Nội vẫn mang đậm hơi thở của vấn đề chủ quyền dân tộc.
Đề thi văn gồm có hai phần và ở cả hai phần này đều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vấn đề chủ quyền dân tộc, đến tình yêu đất nước và trách nhiệm công dân khi rơi vào hai tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và "Nói với con" của nhà thơ Y Phương.
Phần 1 của đề thi hỏi về tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng với đoạn trích nói về thái độ của bé Thu không chịu nhận cha khi anh Sáu, người cha của bé, từ chiến trường trở về với vết sẹo trên mặt. Câu hỏi số 3 của phần này yêu cầu: “Kể tên một tác phẩm khác ở chương trình Ngữ văn 9, trong đó có nhân vật người cha, vì chiến tranh xa cách, khi trở về, đứa con trai cũng hoài nghi, xa lánh. Từ cảnh ngộ của người cha trong hai tác phẩm, em có suy ngẫm gì (không quá 5 dòng) về chiến tranh?”
Phần 2, câu 3 yêu cầu thi sinh từ bài thơ "Nói với con" của nhà thơ Y Phương và những hiểu biết xã hội “hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về cội nguồn của mỗi con người, qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay.”
So với mọi năm, có thể thấy đề thi năm nay có tính mở khá cao khi có đến hai câu hỏi yêu cầu phần tự luận của thí sinh. Tuy nhiên, nhiều thí sinh cho biết không bất ngờ với điều này cũng như những nội dung đầy tính thời sự của đề thi.
Giám thị kiểm tra thông tin của thí sinh trước khi vào phòng thi. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Em Bùi Đức Dũng, lớp 9A1, Trung học cơ sở Nguyễn Du chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay không khó lắm, các câu hỏi trong đề hoàn toàn sát với khả năng của học sinh.”
Cũng theo Dũng, trong quá trình học cũng như ôn tập, các giáo viên đã cho học trò làm quen khá nhiều với những đề thi tự luận, nhất là những câu hỏi gắn với vấn đề chủ quyền dân tộc, trách nhiệm công dân, ý thức của tuổi trẻ. “Đặc biệt, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nhiều câu hỏi mang dạng này thì chúng em càng được ôn tập kỹ hơn, chuẩn bị chu đáo hơn,” Dũng chia sẻ.
Dũng cho rằng những câu hỏi này không khó còn vì em được trình bày suy nghĩ bản thân, không nhất thiết phải là những vấn đề trong sách vở, cô dạy trên lớp, nên tâm lý khá thoải mái.
“Không chỉ riêng em mà tất cả các bạn trong lớp cũng luôn theo dõi sát sao mọi diễn biến của tình hình thời sự trên Biển Đông, không bỏ sót tin tức thời sự nào về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên chúng em viết bằng tất cả suy nghĩ, tình cảm thực sự của mình,” Dũng chia sẻ.
Đây cũng là chia sẻ của em Nguyễn Huy Minh, học sinh lớp 9H, trường Trung học cơ sở Trương Nghị. Theo Minh, đề thi không khó. “Chỉ câu cuối hơi khó vì phải liên hệ bản thân, nhưng đây cũng là câu phân loại thí sinh,” Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng không ít thí sinh tỏ ra thất vọng vì làm bài chưa tốt. Em Nguyễn Hoàng Giang, học sinh trường Trung học cơ sở Kim Giang cho rằng đề năm nay khá “lạ” so với mọi năm khi có nhiều câu hỏi nghị luận.
Bên cạnh đó, Giang cho rằng câu 2 của phần 1 cũng khiến em lúng túng, phần yêu cầu trình bày suy nghĩ về chiến tranh nhưng chỉ 5 dòng cũng khiến nhiều bạn bị “phạm quy” vì viết dài hơn.
Ngoài ra, Giang cho biết câu hỏi ở phần 2 về “tác phẩm khác ở chương trình Ngữ văn 9, trong đó có nhân vật người cha, vì chiến tranh xa cách, khi trở về đứa con trai cũng hoài nghi, xa lánh,” cũng làm cho em và nhiều bạn phải đau đầu để tìm ra đáp án là tác phẩm "Người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ khi tác phẩm này học ngay đầu học kỳ 1.
Tuy nhiên, Giang cũng dự đoán mình sẽ được trên 7 điểm môn thi này.
Theo cô giáo Hoàng Thị Hải Yến, giáo viên dạy văn trường trung học cơ sở Phú Diễn, đề thi này vừa sức với học sinh và hoàn toàn nằm trong chương trình. Các nội dung nghị luận cũng đã được giáo viên định hướng được và ôn tập khá kỹ. “Thậm chí, câu hỏi về phần nghị luận của bài thơ 'Nói với con' của nhà thơ Y Phương đã trùng với đề thi thử gần đây nhất của trường tôi,” cô Yến cho biết.
Như vậy, các thí sinh của Hà Nội đã hoàn thành môn thi đầu tiên để giành suất vào lớp 10. Chiều nay, các em sẽ thi tiếp môn thứ hai là môn toán với thời gian làm bài là 120 phút, hình thức thi tự luận./.
Theo Việt Nam +