(Baonghean) - Bài "Xây dựng nông thôn mới: Chưa chú trọng phát triển kinh tế vùng nông thôn" đã cung cấp nhiều thông tin, đưa ra một số ý kiến xác đáng, khi cho rằng: "Tiêu chí 10" thu nhập (từ sản xuất nông nghiệp) là tiêu chí cơ bản, quan trọng nhất… Nhưng lại "chưa được chú trọng…".
Vì sao tiêu chí 10 là tiêu chí cơ bản… Lại chưa được coi trọng? Trách nhiệm của xã, huyện và tỉnh để thực hiện tiêu chí này như thế nào? Sau đây là một số ý kiến với mong muốn giải đáp những câu hỏi nói trên.
Một: Xây dựng nông thôn mới không phải và không thể là quá trình thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Kết quả tổng quát cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là để có một nông thôn hiện đại với một nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn dựa trên cơ sở hạ tầng hiện đại và công nghệ tiên tiến; Có một xã hội nông thôn hiện đại; Có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và có một giai cấp nông dân hiện đại.
Từ đó, thay đổi căn bản bộ mặt (toàn diện) ở nông thôn, thay đổi căn bản mức sống, nếp sống và lối sống của nông dân, cư dân ở nông thôn. Phải từ nhận thức rất cơ bản này để làm quy hoạch xây dựng nông thôn mới chung toàn tỉnh, từng huyện và từ đó mà làm quy hoạch cụ thể cho từng xã. Cũng phải từ nhận thức cơ bản ấy để quá trình xây dựng nông thôn mới được đặt trong một chương trình, kế hoạch thống nhất trong mối quan hệ chung - riêng, riêng - chung từ phạm vi tỉnh - huyện - xã và ngược lại. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ của từng xã mà thực chất nó còn phải là nhiệm vụ của tất cả các ngành từ Trung ương đến tỉnh. Tiêu chí nào thuộc ngành chức năng nào, ngành đó phải có chương trình, kế hoạch, chỉ đạo để thực hiện. Từ đó, nếu như tiêu chí 10 chưa được chú trọng, thì không chỉ từng xã phải nhận thức lại cho đúng mà ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các huyện, ở tỉnh và tất cả các ngành cấp tỉnh đều phải tự kiểm tra lại nhận thức của mình.
Hai: 19 tiêu chí của nông thôn mới là một thể thống nhất, tương tác lẫn nhau, tác động và hỗ trợ nhau. Để thực hiện một tiêu chí nào đó phải dựa vào kết quả thực hiện các tiêu chí khác. Đồng thời từ kết quả thực hiện tiêu chí đó phục vụ hoặc tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác. Tuy vậy, không phải tiêu chí nào cũng có vai trò như nhau. Có loại tiêu chí đóng vai trò mục tiêu (phải đạt), có loại tiêu chí đóng vai trò là phương tiện (phải có, cần có). Và như các tiêu chí về hạ tầng (cứng và mềm) là loại tiêu chí phải có, cần có để đưa kinh tế nông thôn, kinh tế nông nghiệp đi lên sản xuất hàng hóa lớn. Bản thân các tiêu chí này không phải là tiêu chí tự thân và càng không có đủ nguồn lực để thực hiện nếu như kinh tế nông thôn không phát triển lên sản xuất hàng hóa lớn.
Ba: Để kinh tế nông thôn, trực tiếp là nông nghiệp muốn đi lên sản xuất hàng hóa lớn, nhất thiết phải được cơ cấu lại, được quy hoạch lại không chỉ ở phạm vi riêng lẻ từng xã, mà phải ở phạm vi vùng (nhiều xã có thể khác huyện) có cùng điều kiện. Chỉ có quy mô vùng, phạm vi vùng mới có thể hình thành kiểu tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, mới có thể tiến hành cơ giới hóa, đưa công nghệ mới vào sản xuất - thu hoạch - chế biến và tiêu thụ. Chỉ có quy mô vùng, phạm vi vùng mới có thể giải quyết được những tồn đọng khách quan để công nghiệp hóa và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Còn nếu chỉ dừng ở quy mô xã chắc chắn tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sẽ rất khó mà khắc phục được. Đó là chưa nói, nếu mỗi xã (trong một vùng) lại làm theo cách nghĩ, cách làm biệt lập thì hẳn còn lâu lắm mới có được nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn.
Từ đó, để tiêu chí 10 được coi trọng đóng vai trò cơ bản của nó trong tổng thể 19 tiêu chí nông thôn mới, cần phải có nhận thức đúng và cách làm đúng, không chỉ ở cấp xã mà cả ở huyện và ở tỉnh (bao gồm các ngành cấp tỉnh chứ không chỉ ở Tỉnh ủy - UBND tỉnh).
Bốn: Nhận thức đúng và cách làm đúng trước hết và quyết định nhất phải được thể hiện ở việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới ở mỗi xã, mà quy hoạch đó nhất thiết phải nằm trong quy hoạch vùng, quy hoạch huyện, quy hoạch hóa huyện trong tổng thể quy hoạch chung của tỉnh. Trong các nội dung thuộc quy hoạch nông thôn mới của mỗi xã thì tính liên thông, liên kết của các tiêu chí kinh tế nhất thiết phải được thể hiện. Nói cách khác, quy hoạch phát triển kinh tế của mỗi xã phải là sự cụ thể hóa và chi tiết hóa quy hoạch hóa phát triển kinh tế nông nghiệp vùng, huyện, liên huyện, chứ không thể mỗi xã là một quy hoạch biệt lập.
Đến đây, xin lưu ý một điều cần tránh là khi lập quy hoạch cho xã chỉ quan tâm đến ranh giới hành chính và chỉ đóng khung trong ranh giới hành chính. Do đó, đề nghị tỉnh và trực tiếp là cấp huyện phải thực sự xem xét lại quy hoạch phát triển kinh tế trong tổng thể quy hoạch nông thôn mới, của tất cả các xã đã đảm bảo yêu cầu tối thiểu như nói ở trên chưa. Qua xem xét lại để chỉnh sửa quy hoạch cho đúng, cho phù hợp. Trên cơ sở ấy mà có những chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo mở ra "lối thoát" cho nông nghiệp ngay từ mỗi xã trong "lối thoát" chung của huyện, của tỉnh.
Năm: Cũng cần nói cho thật đúng rằng: Không hẳn tất cả các xã trong tỉnh đều chưa coi trọng đúng tiêu chí 10. Có nơi coi trọng đúng mức, thậm chí rất coi trọng. Song, tính phổ biến là lúng túng, loay hoay không biết thật rõ phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện tiêu chí này. Hỏi đi hỏi lại cứ hỏi nhau trồng cây gì? Nuôi con gì? Thị trường ở đâu? Khi nào thì mới hết cảnh được mùa, rớt giá? Làm cách nào để thoát được cái xiềng sản xuất tự túc, tự cấp manh mún nhỏ lẻ, làm sao để "hút" được các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương mình?... Lúng túng, loay hoay mãi... không giải được, không tìm được "lối ra" thế là "buông", thế là muốn coi trọng mà không làm sao coi trọng được!
Ở mức độ nào đó, cá biệt một số xã nào đó có thể "tự lực" gỡ được thế bí. Nhưng nhìn vào tổng thể thì nếu tỉnh - trực tiếp là hai ngành: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương mà không có "phép" gỡ thì rất nhiều xã không tài nào gỡ được. Nói một cách hình ảnh thì 2 ngành này không mở ra "đường lớn" để nông nghiệp thoát mà cứ chỉ đạo như lâu nay thì nhiều xã chỉ có giơ hai tay đầu hàng! Nếu nói rằng tỉnh, huyện phải đầu tư xây dựng nông thôn mới thì ngoài đầu tư ngân sách, cơ chế, chính sách, nhất thiết và quyết định hơn hết là phải đầu tư "lối ra" cho nông nghiệp tỉnh nhà. Sự đầu tư này, xem ra còn quá ít ỏi, và rất thiếu căn cơ.
Không coi trọng cả nhận thức và cách làm tiêu chí 10, thì có lẽ xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta khó mà bứt phá lên được. Phải giải quyết điều này không chỉ ở cấp xã mà còn ở cấp huyện và nhất là cấp tỉnh. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các huyện và ở cấp tỉnh nghĩ gì và sẽ làm gì cho điều này?