Để trở thành huyện khá của tỉnh

20/07/2015 11:02

(Baonghean) - Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 và với tư duy đổi mới, đột phá nhằm tạo ra bước phát triển cao hơn, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Anh Sơn đặt ra những mục tiêu cơ bản, đó là tiếp tục đưa kinh tế - xã hội phát triển; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đưa Anh Sơn phát triển toàn diện và trở thành huyện khá của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu chung đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên tập trung đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, bên cạnh khép kín diện tích, phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Từng bước xây dựng và khôi phục một số sản phảm nông nghiệp có thương hiệu như chè Gay, cam Bãi Phủ, cam bù - Khai Sơn... Tập trung chuyển đổi một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây màu như bí, dưa chuột, dưa đỏ và rau màu các loại; chuyển một số vùng bầu thấp, cao cưỡng không có hiệu quả sang trồng mía; tận dụng các loại đất đồi, đất thừa thẹo hoặc chưa được quy hoạch trồng các cây trồng nào khác để đưa vào trồng sắn, một số vùng sẽ trồng cây rễ hương ở cao và trồng gấc, ớt cay xuất khẩu ở dưới thấp. Cùng với trồng trọt, tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại với quy mô hợp lý (trâu, bò trên 50 con/hộ; lợn nái trên 50 con và lợn thịt trên 200 con/hộ), nhằm tạo ra lượng hàng hóa, nâng cao chất lượng đàn. Cũng liên quan đến nông nghiệp, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, bởi đây là chương trình mang tính tổng thể nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nông dân thông qua 19 tiêu chí; từ thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm vùng nguyên liệu chè Anh Sơn. Ảnh: Minh Chi
Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm vùng nguyên liệu chè Anh Sơn. Ảnh: Minh Chi

Song song với nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, trong đó quan tâm tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hiện có trên địa bàn đầu tư nâng công suất, đổi mới thiết bị dây chuyền công nghệ; gắn với thu hút các dự án đầu tư phù hợp với tiềm năng lợi thế như công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm nghiệp, gồm mía đường, chè, cao su, than sạch, tinh bột sắn....

Để đảm bảo cho công tác thu hút đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn, định hướng của huyện là đưa khu vực Tri Lễ - xã Khai Sơn vào chương trình phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh của tỉnh và từng bước trở thành trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nam Nghệ An. Tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp Đỉnh Sơn, Hội Sơn và thị trấn. Trước mắt tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa Nhà máy chế biến tinh bột sắn, Nhà máy chế biến củi và than sạch xuất khẩu thành mắt xích quan trọng trong chế biến nông, lâm sản cho các huyện miền Tây Nghệ An. Duy trì các làng có nghề, chú trọng các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi nông nghiệp và công nghiệp đều có sự phát triển sôi động thì cần phải đặt ra nhiệm vụ phát triển thương mại, dịch vụ tương xứng. Muốn làm được việc này, huyện sẽ tích cực thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở dịch vụ, nhà hàng trên địa bàn; đồng thời xây dựng chợ trung tâm thị trấn và các chợ nông thôn để giao lưu hàng hóa... Một mảng nữa về dịch vụ là cố gắng để hiện thực hóa đề án phát triển du lịch đã được phê duyệt; hình thành các tuyến, tua du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng...

Một trong những vấn đề cốt yếu để đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên được thực thi hiệu quả là phải có kết cấu hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, vùng nguyên liệu, hạ tầng khu công nghiệp, các vùng khó khăn... Trong đó, tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn, vừa phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu đi lại của nhân dân. Đó là đầu tư, nâng cấp các tuyến để đảm bảo ô tô đến trung tâm xã trong 4 mùa; hoàn thành và thông các tuyến đường Tả ngạn sông Lam, đường cứu hộ, cứu nạn ven sông Con, đường nguyên liệu mía Thọ Sơn; đồng thời đầu tư mới một số tuyến đường Tường Sơn đi Thành Sơn, đường Cẩm Sơn đi Môn Sơn, đường Lam Sơn (Đô Lương) - Đập Trại Sanh, khe Gấu (Tào Sơn) - Cây Cam (Lạng Sơn) - đường Hồ Chí Minh... Cùng với đó là xây dựng, nâng cấp các công trình thuỷ lợi nâng công suất tưới theo thiết kế đạt 75 - 80% diện tích, đến năm 2020 diện tích tưới ổn định 4.000 - 4.500 ha.

Song song với các giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, Anh Sơn cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp về văn hóa – xã hội, trong đó điểm nhấn là thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh và các bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với đó là phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa, thể thao quần chúng. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; phấn đấu đến năm 2020 có 73 - 75% đạt đơn vị, làng, bản văn hoá; 80 - 82% gia đình văn hoá. Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng giáo dục bậc phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Phát triển mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nguời lao động, tăng cường xuất khẩu lao động gắn với tổ chức, quản lý chặt chẽ và bảo đảm quyền lợi người lao động. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội vào công tác xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 0,8 - 1,0%.

Để đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp được thực thi một cách hiện quả trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, yêu cầu đặt ra trong chỉ đạo, điều hành, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, chính trị, xã hội. Nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý, điều hành của UBND các cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, ban hành cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, của cấp ủy, HĐND huyện, xã, thị trấn về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức; nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, các phòng, ban, bộ phận... Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện kịp thời, nghiêm túc cơ chế khen thưởng, kỷ luật. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, gắn bó với nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổ chức thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư. Tăng cường công tác dân vận chính quyền, mở rộng dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính; duy trì thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời những bức xúc và các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Anh Sơn quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dấy lên phong trào thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu mà đại hội quyết nghị, phấn đấu đưa Anh Sơn phát triển toàn diện, trở thành huyện khá của tỉnh vào năm 2020.

Võ Thị Hồng Lam

(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn)

Mới nhất
x
Để trở thành huyện khá của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO