Để trọn niềm vui...

18/10/2014 18:49

(Baonghean) - Tháng 10 về với bao cảm xúc. Trong heo may lành lạnh cuối Thu, đi trên phố nồng nàn hoa sữa, bắt gặp hình ảnh những đôi bạn trẻ tay trong tay rộn bước kiếm tìm những địa điểm đẹp nhất để có được những khoảnh khắc lãng mạn... Chợt phân vân nghĩ tới những đám cưới xưa mà liên hệ tới những đám cưới nay,... Làm sao để đám cưới là ngày yêu thương, để mùa cưới có niềm vui trọn vẹn?

TIN LIÊN QUAN

Đám cưới xưa

Thế hệ chúng tôi thuộc “lớp người xưa” – đó là cách nói của ông Lê Quyết Thắng (năm nay 60 tuổi) ở xóm 3 xã Hưng Đạo - Hưng Nguyên. Ông bảo mỗi lần được mời dự cưới, ông lại thấy nhớ đám cưới xưa đến lạ! Thời đó, ở quê ông có tục rước dâu buổi tối, các cụ quan niệm rằng, như thế để nếu cô dâu có khóc trong ngày cưới cũng không phải xấu hổ với hàng xóm, bạn bè. Lễ rước dâu diễn ra từ đầu tối sau đó tổ chức tiệc ngọt gồm kẹo, nước chè xanh, thuốc lá, trầu cau… tại sân nhà chú rể đến khoảng 21h thì kết thúc. Đoàn thanh niên thường đứng ra tổ chức mượn bàn ghế, che rạp cưới, tiếp khách, trang trí giường cưới… Còn gia đình lo việc nấu nướng, chợ búa, phân công rõ ràng: các bà têm trầu, các chị, các mẹ đi chợ, các cụ ông chỉ đạo xem còn những việc gì chưa hoàn thành…

Riêng đám thanh niên trai tráng lo việc mổ lợn từ chiều hôm trước cho kịp để chế biến thành giò, thành mọc… Mỗi người một tay, cả xóm vui như tết. Bác Võ Thị Hồng (65 tuổi) ở Nghi Phong, Nghi Lộc kể: Đám cưới xưa so với bây giờ thì thiếu thốn thật nhưng vui và tình cảm lắm. Bác Hồng lập gia đình năm 1977, hồi đó hòa bình vừa lập lại, bản thân bác Hồng là thanh niên xung phong, sau đó đi học ở Đại học ngoại ngữ Hà Nội, vì thế bác vừa lập gia đình, vừa theo học nên đám cưới được tổ chức vào dịp hè ở quê chồng Nam Nghĩa (Nam Đàn). Cả hai bên gia đình đều nghèo nên mọi việc hầu như hàng xóm, anh em, đoàn thanh niên giúp đỡ. Kể cả bộ quần áo cưới của bác cũng do đoàn thanh niên mua tặng. Rạp cưới là những tấm ri đô đủ màu sắc do bạn bè huy động từ các gia đình, bàn ghế cũng mượn… đến cả tấm ảnh cưới cũng không hề có… Hồi đó đám cưới không mời nhiều như bây giờ, thế nên ai được mời là vinh dự lắm, chỉ mong đến ngày để tới dự, có khi còn tới sớm hơn để còn trò chuyện với gia đình nên rất đầm ấm và thân tình.

Đám cưới nay

Có dịp tham dự đám cưới con một anh bạn là lãnh đạo một ngành. Đọc giấy mời thấy viết rõ: Đúng 5h tại Cung lễ hội, và 4h30 tôi đã có mặt tại địa điểm với mong muốn gặp một số người bạn để ngồi cùng nhau cho thân tình. Những tưởng mình đến như thế là quá sớm, nhưng đến nơi, thấy khách đã đứng chờ vòng trong vòng ngoài, tràn xuống cả hai lối lên. Đúng 5h, khi cô dâu và chú rể vừa bước vào phòng chính lễ, tất cả mọi người được mời tới dự cưới đã chen nhau ào vào chọn chỗ ngồi (nếu chậm chân sẽ hết chỗ), một không khí nhộn nhạo khác hẳn với sự thiêng liêng của ngày cưới. Chú rể, cô dâu đi chúc rượu từng bàn một, nhưng lại ngơ ngác vì không biết những người kia là bạn của ai, ai mời… Khi tôi kể lại chuyện này, mọi người nói rằng: cưới bây giờ đều như thế cả, đến ăn ào ào rồi về, cứ như vừa hoàn thành xong nghĩa vụ vậy.

Anh Lê Xuân Tám (Nam Xuân – Nam Đàn) người vừa tổ chức đám cưới cho con trai đầu, cũng là con trai duy nhất cho biết: Ở Nam Xuân, xác định đám cưới – chuyện vui của cả cuộc đời vì thế người ta tổ chức to lắm: nhà ít cũng 100 mâm, nhà nhiều thì 150 – 200 mâm. Tùy theo hoàn cảnh, mối quan hệ của từng gia đình để người ta mời khách. Nhiều gia đình đã tổ chức to ở thành phố, khi về quê gọi là liên hoan nhưng cũng dọn đến hàng trăm mâm. Như ở quê tôi có thực trạng, gia đình nhà trai mượn danh sách dân số của làng để viết thiếp mời đám cưới, tránh không để sót! Có người nói đùa rằng: đám cưới thời nay: “Thà mời nhầm còn hơn để sót”! Nhiều lúc, nhận thiếp mời đám cưới mà cứ như “ bị mời”. Thật khôi hài!

Đó là ý nghĩ của các bậc phụ huynh, còn cô dâu, chú rể thì sao? Em Nguyễn Hoàng Anh (ở phường Hưng Bình, TP. Vinh) đặt khách sạn Sài Gòn – Kim Liên làm nơi tổ chức ngày vui của mình, cho rằng: Ngày cưới hai vợ chồng em chỉ thích chụp thật nhiều ảnh, rồi đi du lịch hưởng tuần trăng mật, mời khách đặt mâm bọn em không để ý lắm, chuyện này thường để bố mẹ hai bên quyết định. Riêng em, em vẫn thích những đám cưới đơn giản, ấm cúng, có thể đến dâng hương, dâng hoa tại Quảng trường, sau đó chụp ảnh với bạn bè, gia đình hai bên, rồi về khách sạn ăn uống gọn nhẹ (có thể chỉ là hoa quả, bánh kẹo và một ít đồ ăn nhẹ) trong tiếng nhạc du dương. Thế là tuyệt nhất!

Cô dâu, chú rể đến dâng hoa ở Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh).
Cô dâu, chú rể đến dâng hoa ở Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh).

Những trăn trở

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình cưới văn minh theo nếp sống mới được triển khai, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng. Tuy nhiên, những mô hình đó chưa nhiều và việc cưới theo nếp sống mới chưa được quan tâm đúng mức. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo các cấp thiếu gương mẫu, còn tổ chức đám cưới phô trương, lãng phí, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, ngày 8/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 3456-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Thực hiện công văn đó, thời gian qua, ngành VHTT và DL đã phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai việc cưới theo nếp sống văn hóa, bằng nhiều hình thức như: Thi nét đẹp trong lễ cưới, tổ chức đám cưới mẫu... Một lễ cưới được coi là văn minh, trang trọng, tiết kiệm là những lễ cưới không nên mời quá rộng, tăng cường báo hỷ, chỉ mời những người thật sự gắn bó và có ý nghĩa với cô dâu, chú rể và hai bên gia đình. Trang phục gắn liền với truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, cần hình thành những phong tục mới, nét đẹp mới như: dâng hương, dâng hoa tại các công trình tưởng niệm, đài nghĩa trang liệt sỹ, dâng hoa tại các công trình văn hóa…

Thiết nghĩ, việc cưới là một nét đẹp văn hóa cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình và sự phát triển của xã hội văn minh, đảm bảo hai nguyên tắc: Tôn trọng pháp luật và phù hợp với phong tục đẹp của dân tộc, tránh xa những hình thức thái quá, lai căng, kệch cỡm.

Một mùa cưới nữa lại đến, thiết nghĩ, trước ngày cưới các gia đình nên cân nhắc, tính toán làm thế nào để sau ngày cưới không phải nghe những lời dị nghị, bởi điều quan trọng nhất là làm thế nào để đám cưới là mùa của yêu thương, của những kỷ niệm đẹp, trong cuộc đời mỗi người.

Ngày 8/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Công văn số 3456-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Theo đó, yêu cầu Ban cán sự đảng, đảng đoàn; sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; huyện, thành, thị ủy và đảng ủy trực thuộc thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, đề án của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới...; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới đối với cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức”; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi có cá nhân vi phạm nếp sống văn hóa trong việc cưới và đưa vào tiêu chí xếp loại hàng năm; tiếp tục rà soát, hoàn thiện và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế... trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước về việc cưới; tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới tại các cơ quan, đơn vị để kịp thời biểu dương và xử lý các trường hợp vi phạm.

Thanh Hiền

Mới nhất
x
x
Để trọn niềm vui...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO