Để trọn niềm vui năm học mới
(Baonghean) - Đường vào các xã vùng xa như Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Đồng Văn, Thông Thụ (Quế Phong) đã gần hơn rất nhiều nhờ những tuyến đường mới mở. Theo đó, sự học vùng đất quế cũng ngày một khởi sắc. Thế nhưng, còn đó không ít khó khăn với thầy trò nơi đây…
Giáo viên Trường Mầm non Nậm Nhoóng vào bản Huồi Cam vận động phụ huynh đưa trẻ tới trường. |
Chúng tôi có dịp đến xã Nậm Nhoóng, một xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong. Đường về xã giờ đây tuy đã được rải nhựa, nhưng vẫn có đến 30 km đường đèo dốc quanh co. Xã có 476 hộ với hơn 2.200 khẩu, là đồng bào dân tộc Khơ Mú và Thái. Cô Lang Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Nhoóng, cho biết: "Hiện tại, Nậm Nhoóng có 9 thôn bản, 5 điểm trường mầm non, điểm bản Na là điểm trường chính. Năm học sắp tới, trường có 12 giáo viên với 8 lớp 132 cháu thuộc 5 điểm trường". Vì xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện, với những đặc thù như địa bàn chia cắt, nhiều điểm trường ở các bản lẻ còn thuộc diện tranh tre, nứa lá nên việc đưa các cháu tới trường còn nhiều khó khăn... Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng lúa nương, bà con cũng chỉ biết đi hái quả cà núi, phơi bán với giá 250.000 đồng/yến, hoặc một buổi vào rừng hái măng cũng xấp xỉ mấy chục ngàn đồng, nhưng cũng không ổn định. Bởi vậy, khó có thể huy động phụ huynh đóng góp xây dựng trường bằng vật chất, mà chỉ có thể đóng góp bằng công sức. Để chuẩn bị cho năm học mới, phụ huynh giúp trường vệ sinh, gia cố lại bờ rào, bếp ăn, công trình phụ. Hiện tại, Nậm Nhoóng có 4 điểm trường có nhà xây tương đối chắn chắn, chỉ còn lại điểm bản Nhọt Nhoóng, cô trò vẫn phải dạy và học tạm bợ trong căn nhà tranh tre, nứa lá. Mỗi khi mưa đến là lại chịu cảnh dột, ướt. Do dân sống rải rác, nên việc huy động các cháu đến trường khó có thể tập trung cùng độ tuổi. Ví dụ như điểm trường Na Khích, có 16 cháu nhưng thuộc 3 độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Ngay tại bản Na, điểm chính cũng phải huy động 3 độ tuổi mới được 1 lớp học. Vì thế, việc tiếp thu chương trình của một số cháu rất khó khăn. Giáo viên cùng 1 lớp, nhưng cô lại phải "hóa thân" thành 3 vai khác nhau cho cả 3 lứa tuổi.
Ở xã Nậm Nhoóng, ngoài 5 bản người Thái, còn có 4 bản Khơ Mú là Nhọt Nhoóng, Huồi Cam, bản Mờ và bản Liên Khưởng. Thế nên, các thầy cô lên đây dạy học đều phải tự học thêm tiếng bản địa để có thể giao tiếp được với trò; mỗi bài giảng, ngoài việc dùng tiếng phổ thông, còn phải giải thích lại bằng tiếng địa phương cho trò được rõ. Việc tổ chức cho các cháu học bán trú ở đây phải theo mô hình bán trú dân nuôi (bố mẹ nấu ở nhà, mang đến lớp cho con). Thế nhưng, do vất vả, nên nhiều bố mẹ chỉ mang đến cho con được chút cơm nguội từ buổi tối, kèm ít muối trắng. Có cháu chỉ có mấy củ khoai, sắn, vài ba quả chuối. Tới bữa, các cô lại phải dồn tất cả lại, chia đều thức ăn, để cháu nào cũng có “tý mặn” gọi là. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy cô ở Nậm Nhoóng đã bằng nhiều cách để vượt qua, đảm bảo giờ học đủ, giữ lớp và hạn chế thấp nhất mức trẻ bỏ học.
Cô và trò Trường Mầm non Tiền Phong. |
Còn ở trường cấp 1 - 2 Hạnh Dịch, với 16 bản lẻ, trong đó có những điểm trường như bản Chiếng, cách trung tâm đến 16 km, riêng cấp tiểu học có 4 điểm nằm rải rác ở bản Mường Đán, bản Cóng, bản Mứt, Chăm Pụt, rất khó khăn về đi lại, nhưng thầy trò của trường vẫn hết sức cố gắng để việc học được duy trì. Thầy Hà Văn Quế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tổ chức nấu ăn theo hình thức bán trú cho học sinh. Xã cho xoong, nồi, phụ huynh góp gạo, tiền, trường nhờ người nấu. Các trường khác như Tiền Phong, Tri Lễ, Thông Thụ... học trò bán trú vẫn còn phải tự nấu ăn theo từng nhóm nhỏ, gạo và thức ăn phải vượt đường về nhà mang tới trường hàng tuần.
Năm học mới ở huyện vùng cao, vẫn còn đó những khó khăn bộn bề. Trong đó, khó khăn lớn nhất về cơ sở vật chất vẫn thuộc về cấp học mầm non. Toàn huyện có 14 trường mầm non với 14 điểm chính tương đối kiên cố, còn tại các điểm lẻ chủ yếu vẫn là nhà tạm. Khó khăn thứ 2 là trong việc thực hiện theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa cách xa nhà không về được trong ngày, mỗi em được 460.000 đồng và 15 kg gạo. Nhờ chế độ này mà tỷ lệ học sinh THCS ở Quế Phong bỏ học đã giảm rõ rệt (năm học vừa rồi toàn huyện chỉ còn 20 em bỏ học). Hiện tại, có 2 trường bán trú tổ chức cho học sinh ăn tại trường, mỗi bữa có lúc lên đến trên 20 mâm cơm, thế nhưng, điều kiện về nhà bếp, công trình vệ sinh, nhà tắm... vẫn chưa đáp ứng đủ cho số học sinh này. Bên cạnh đó, việc ghép trường, ghép lớp (vì không đủ số học sinh) vẫn là một tình trạng phổ biến tại huyện, gây nên những khó khăn trong công tác dạy và học.
Thầy Hồ Mậu Sự trao đổi: “Những năm gần đây, sự khởi sắc của ngành GD Quế Phong một phần nhờ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND. Trước năm học mới hàng năm, bao giờ cũng có các đoàn của các đồng chí lãnh đạo tới từng trường để thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, của phụ huynh học sinh, từ đó, có phương hướng chỉ đạo, giúp đỡ sát thực và hiệu quả. Tuy nhiên, một trong những vấn đề ngành đang quan tâm là sau khi số học sinh bỏ học vẫn còn vì nhà xa, lại chưa có chỗ nội trú, cũng là những điều khó xoay chuyển trong thời gian ngắn. Ngoài ra, sau khi người dân tái định cư theo Dự án Thủy điện Hủa Na, thì học sinh theo bố mẹ nên hộ khẩu đã bị xáo trộn mạnh. Có em từ Đồng Văn lại về Tiền Phong, hoặc từ bản này sang bản khác... Thế nên, ngành Giáo dục đã phải làm lại một đợt phổ cập các cấp học, đồng thời rà soát, kiểm tra từ đó đưa ra phương án phù hợp, nhằm ổn định việc học cho các cháu".
Từ nay đến ngày khai giảng, thầy cô cũng như lãnh đạo ngành GD huyện đang bộn bề rất nhiều công việc, tất cả chỉ vì mục tiêu để năm học mới đến với học trò xứ Quế một cách trọn vẹn và đầy niềm vui.
Thầy Hồ Mậu Sự - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học mới 2014 - 2015, phòng đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện về việc rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, từ hiệu trưởng, hiệu phó của 3 cấp học là mầm non, tiểu học, và THCS. Thứ 2, tham mưu UBND huyện thành lập 3 đoàn đi kiểm tra cơ sở vật chất tất cả các trường học, rải dần từ cuối tháng 7 đến khoảng 12/8. Vấn đề thứ 3 là công tác tập huấn cho năm học mới. Tất cả các đợt tập huấn phòng chủ động điều động cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ. Cũng trong khoảng 6 - 8/8, huyện sẽ tiếp tục rà soát, luân chuyển lại đội ngũ giáo viên một cách phù hợp".
Bài, ảnh: Trần Hải