Để Trường Sa gần hơn...

23/04/2015 09:22

(Baonghean) - 40 năm đã qua, huyện Trường Sa đang từng ngày đổi thay, bắt nhịp cùng với cuộc sống đất liền. Theo bước chân người lính, những chú vịt biển của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã lên tàu ra đảo. Chuyến hành trình đưa vịt biển ra đảo là câu chuyện cảm động và gian nan về những người làm nên sức sống và màu xanh Trường Sa...

Đầu tháng 3, tôi cùng chị Hoàng Lệ Hà (Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa) vào Cam Ranh kiểm tra đàn vịt lần cuối trước ngày đưa xuống tàu ra đảo. Tôi vui, có lẽ một phần không gian bán đảo luôn tạo cho mình tâm trạng háo hức mỗi khi lên đường, phần nữa là ngắm nhìn những chú vịt biển giờ đã lớn được chừng nào. Đọc được ý nghĩ của tôi, chị nhẹ nhàng: “Chừng nào vịt chuyển ra an toàn và thích nghi tốt với môi trường ngoài đó mới tạm yên tâm”. Tôi hiểu, gần 2 tháng nay chị luôn trăn trở vận động các nơi ủng hộ thức ăn, phòng dịch, kỹ thuật nuôi và tranh thủ vào với anh em để kiểm tra đàn vịt.

Xe đi trong miên man trảng cát cùng với những câu chuyện không dứt giữa chúng tôi về lính đảo. Và, tôi thường tự hỏi tại sao người phụ nữ này lại thương quý lính đảo và có một tình cảm đặc biệt dành cho Trường Sa đến thế? Câu chuyện đưa vịt biển ra Trường Sa quả là không đơn giản như tôi nghĩ. Hơn 1 năm trời, công việc đưa vịt biển ra đảo đã nhận được sự ủng hộ đầy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và những tấm lòng thầm lặng hướng về biển đảo quê hương. Chị Nguyễn Thị Thúy Nghĩa ngày ấy là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Rất tình cờ, chị Hà biết được thông tin về giống vịt biển do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên nuôi thử nghiệm nên đã liên hệ với tôi qua điện thoại về nhu cầu muốn đưa giống vịt biển ra Trường Sa giúp bộ đội ngoài đảo cải thiện đời sống. Hai chị em quyết tâm đưa bằng được vịt ra đó”.

Nuôi vịt ở đảo Sinh Tồn.
Nuôi vịt ở đảo Sinh Tồn.

Giống vịt biển (HY) của Trung tâm Đại Xuyên có khả năng thích nghi tốt trong môi trường nước ngọt, nước mặn, nước lợ; là giống vịt có thể sinh trưởng phát triển tốt trong môi trường nước mặn. Vịt biển phù hợp với việc chăn thả ở những vùng ven biển và hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở nước ta, giống vịt đồng không chịu được nước biển. Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên lại tìm được một giống vịt mới sống được ở vùng nước mặn. Vịt biển là giống sinh trưởng nhanh, nuôi được ở các đảo… Chỉ cần nuôi 8 tuần tuổi đạt cân nặng 2 kg và đủ 21 tuần là bắt đầu đẻ trứng. Các bãi cạn ở các đảo là môi trường sống và kiếm ăn rất tốt cho vịt biển.

Lần thứ nhất Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên gửi 100 trứng vịt biển, đưa ra đảo Trường Sa Đông, ấp chỉ nở được một vài quả. Lần thứ hai đưa ra Trường Sa Lớn, cho ấp nở, kết quả cũng không hơn gì lần trước. Không nản, mọi người tìm hiểu kinh nghiệm nuôi thành công ở Quảng Ninh, Phú Quốc.

Ngày 19/12/2014, 600 con vịt biển 1 ngày tuổi được chuyển bằng đường hàng không về Cam Ranh. Vịt được đưa về Trạm chế biến chăn nuôi tập trung. Tại đây, vịt biển sẽ được nuôi trong một thời gian ngắn cho quen với điều kiện khí hậu sau đó sẽ theo tàu chuyển cho các đảo.

Anh Ngô Duy Đỗ, Phó Chủ tịch Mặt trận huyện Trường Sa cho chúng tôi biết tầm quan trọng của tăng gia ở các đảo có ý nghĩa rất lớn đối với việc cung cấp đảm bảo hậu cần tại chỗ. Việc nuôi và nhân giống thành công đàn vịt biển lần này góp phần cải thiện cho bữa ăn của quân và dân các đảo, đặc biệt đối với các đảo chìm rất khó thực hiện do diện tích đất không có.

Anh cho biết thêm, hiện tại đơn vị còn một số khó khăn do thiếu nguồn thức ăn công nghiệp cho vịt và rất cần sự hỗ trợ thường xuyên về con giống, kỹ thuật nuôi và phòng dịch. Những ngày đầu vịt mới được đưa về, Phân viện Thú y miền Trung cử người vào tiêm phòng và hướng dẫn cách chăm sóc. Sau vài tuần đàn vịt đã thích nghi được với môi trường bán đảo.

Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Nguyễn Viết Thuân đón chúng tôi ở Trạm chăn nuôi tập trung. Gương mặt cương nghị rám trải nắng gió, cười phóng khoáng: Các em xuống thăm vịt biển? Ngày kia các anh sẽ cho chuyển xuống tàu! Ba “chàng lính ngự lâm” của Trạm chế biến chăn nuôi đã chờ sẵn.

Đàn vịt biển, từng con màu lông cánh sẻ, cổ khoang trắng, lông cánh màu xanh đen. Những chú vịt đực có lông đậm hơn con mái. Nhìn đàn vịt đang ngơ ngác trước người lạ trong không gian oi nồng và chật hẹp ai cũng trầm trồ vì chúng lớn nhanh, cân nặng hơn 1kg và bắt đầu thời kỳ thay lông. Trạm chỉ có 3 người. Ngoài đảm nhiệm chăm sóc đàn vịt các anh còn phải chăm đàn lợn lai rừng hơn bốn chục con, làm nước mắm, nuôi cá. Binh nhất Nguyễn Viết Dũng, phụ trách tổ 3 người cho biết: Ban ngày các anh thay nhau đi lấy thức ăn, hái rau, chặt chuối, vệ sinh chuồng trại… tối về lại thay nhau kiểm tra chuồng trại…

Những ngày tháng 4. Trường Sa mùa biển lặng… Những lớp sóng nhẹ nhàng chờm lên mơn man bờ cát lẫn trong tiếng gió ru là tiếng kêu líu ríu của bầy vịt đang giỡn đùa trên sóng nước mênh mang. Khung cảnh thanh bình của một làng biển hiện hữu nơi cuối trời Tổ quốc. Một tiếng gà trưa chợt cất lên, vài ba con nữa, rộn rã một góc đảo, kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ miên man. Đàn vịt bắt đầu lên bờ, những bước chân đạp lên lớp cát san hô không còn lạ lẫm. Một tin vui đến với tôi: Vịt biển đã theo tàu có mặt ở hầu hết các đảo chìm, đảo nổi Trường Sa.

Đứng bên cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn, hình ảnh hào hùng của 40 năm về trước, khi những người lính đầu tiên đặt chân lên giải phóng quần đảo hiện về như một cuốn phim quay chậm, đan xen với một Trường Sa giàu sức sống hôm nay. Lòng chợt dâng nỗi nhớ da diết bâng khuâng: “Trường Sa ơi! Mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/ Biển vẫn yên lòng ta lay động”. Và, cũng như những con người nơi đây… Trường Sa, cần lắm những tấm lòng.

Trường Sa, đảo Sinh Tồn 4/2015

Nguyễn Xuân Tình

(Phòng KHQS - Học viện Hải quân)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Để Trường Sa gần hơn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO