Để tục đốt vàng mã là nét đẹp văn hóa tâm linh

31/08/2012 17:40

Những ngày Rằm tháng Bảy, tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của người dân Việt. Tuy nhiên, để phong tục này thành một nét đẹp văn hóa cần có những quy định cụ thể, chuẩn mực trong hoạt động xã hội, hơn thế là sự tuyên truyền giáo dục nhận thức cho mọi người hiểu đúng về phong tục này, tránh để mục đích trục lợi làm biến tướng nét đẹp văn hóa.

(Baonghean.vn) - Những ngày Rằm tháng Bảy, tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của người dân Việt. Tuy nhiên, để phong tục này thành một nét đẹp văn hóa cần có những quy định cụ thể, chuẩn mực trong hoạt động xã hội, hơn thế là sự tuyên truyền giáo dục nhận thức cho mọi người hiểu đúng về phong tục này, tránh để mục đích trục lợi làm biến tướng nét đẹp văn hóa.

Trao đổi về vấn đề này, PGS Ninh Viết Giao cho biết: “Tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc, có từ thời nhà Chu, thời Khổng Tử mới có lễ cúng bái, tuy nhiên thời bấy giờ chỉ là lễ tại tâm chứ không có lễ vật, mâm cỗ gì.


Từ ngàn xưa quan niệm “dương sao, âm vậy” đã hình thành trong đời sống nhân gian. Những người ở miền biển đặc biệt có đức tin rất lớn ở tục lễ này, vì tính bất trắc trong việc mưu sinh của họ. Ngày Rằm tháng 7, những người dân miền biển thường tạm ngừng mọi công việc, họ tiến lễ bằng hàng mã rất lớn, thường tiến hành trên biển nhằm siêu độ cho những người xấu số, cầu mong những mùa ra lộng vào khơi sóng yên biển lặng. Nhân gian quan niệm khi người thân qua đời về cõi âm sẽ rất thiếu thốn khổ sở, vì vậy trong kỳ lễ Tiểu tường (lễ giỗ đầu) người dương phải đốt thật nhiều đồ dùng, bằng hàng mã để người âm làm ma mới, ngoài sử dụng còn để biếu những ma cũ. Trong ngày rằm tháng 7 đầu tiên khi người thân mất, người nhà cũng cung tiến cỗ lễ bằng hàng mã rất lớn. Tuy nhiên ở lễ Đại tường (kỳ giỗ hết khó) thì chỉ cần cung tiến một cỗ vừa phải đủ cho ma nhà mình dùng thôi.

Ngày nay, càng ngày dân gian càng có xu hướng thể hiện đức tin một cách thái quá, hễ đến ngày rằm, ngày tết là thi nhau hóa mã. Từ xu hướng đó tính thương mại hóa tất yếu xảy ra. Nhà giàu thích khoe khoang, người buôn bán muốn hối lộ thần thánh để mua may bán đắt, người có lỗi muốn sám hối chuộc lỗi với thần thánh mong nhẹ tội với đời, gây nên những biến tướng. Để tục đốt vàng mã còn là một nét văn hóa đẹp cần chính sự giác ngộ ở dân gian và sự làm gương của cánbộ, đảng viên...”




PGS Ninh Viết Giao đang trao đổi về phong tục đốt vàng mã.

Bắt đầu từ ngày 5/7 âm lịch, thị trường hàng mã ở chợ Vinh đã rất nhộn nhịp, có hơn 30 hộ kinh doanh mặt hàng này và đây cũng là thị trường đầu mối cho những chợ lẻ trên địa bàn tỉnh. Ban quản lý chợ Vinh gần như dồn hết lực lượng cho việc phòng chữa cháy ở khu vực bán hàng mã. Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Thanh Nhân - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh cho biết: “Từ 5/7 bên cạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi đã bố trí lực lượng bảo vệ túc trực thường xuyên, nhất là vào buổi trưa trời nắng nóng có nguy cơ gây cháy cao. Đồng thời trang bị 20 thùng 200 lít nước, hệ thống vòi, phục vụ cho công tác PCCC tại chỗ. Hệ thống điện chiếu sáng cũng được chú trọng, 5h30 Ban quản lý cắt điện nhưng để tạo điều kiện cho bà con chúng tôi đã cho đấu nối một nguồn điện khác phục vụ nhu cầu chiếu sáng trong những ngày này”.

Cán bộ Phòng Quản lý Văn hóa Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay Nghị định 11 về tín ngưỡng dân gian trong việc đốt vàng mã chỉ quy định cấm đốt vàng mã ở các khu di tích, ngoài ra chưa có một văn bản nào quy định việc đốt vàng mã trong nhân dân.

Vậy, việc quản lý kinh doanh mặt hàng đặc biệt này cần những quy định cụ thể, chuẩn mực liên quan đến các hoạt động trong xã hội như phòng chống cháy, môi trường, định giá, nghĩa vụ thuế,v.v.. sao cho vừa giữ được nét đẹp trong văn hóa tâm linh (đạo hiếu) vừa quản lý tốt thương trường.


Thanh Nga

Mới nhất
x
Để tục đốt vàng mã là nét đẹp văn hóa tâm linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO