Để vùng nguyên liệu phát triển bền vững
(Baonghean) - Huyện Anh Sơn có gần 6.000 ha đất đồi bằng, phân bổ ở các xã Hùng Sơn, Tường Sơn, Đức Sơn, Long Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn… rất phù hợp với cây công nghiệp ngắn ngày.
Đặc biệt, trên 22.000 ha đất feralit đỏ vàng cũng thích hợp cho trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2005-2010 đã xác định, tập trung đầu tư 3 vùng kinh tế, trong đó có vùng 1 trung tâm là phát triển và khép kín vùng cây nguyên liệu như cây mía, cây chè. Trên quan điểm đó, huyện đã đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến.
Thực tế ở Anh Sơn, bà con nông dân có nhiều lợi thế để phát triển cây nguyên liệu. Đối với cây mía, bên cạnh Nhà máy đường Sông Lam ngay trong vùng nguyên liệu với công suất chế biến 700 tấn/ngày thì còn có Nhà máy đường Sông Con tại Tân Kỳ. Về cây chè, trên địa bàn huyện có 3 nhà máy chế biến chè búp tươi: Nhà máy chế biến chè đen Anh Sơn, xưởng chế biến Hùng Sơn và Xí nghiệp chế biến chè Bãi Phủ với tổng công suất chế biến trên 75 tấn/ngày.
Thu hoạch mía ở Hùng Sơn. Ảnh: S.M
Từ những lợi thế đó, Anh Sơn đã có nghị quyết và các đề án với chỉ tiêu trồng mới hàng năm đối với cây chè và cây mía. Trong kế hoạch chỉ đạo các xã trồng cây nguyên liệu theo quy hoạch, huyện luôn có sự điều chỉnh, bổ sung để kế hoạch được triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, Anh Sơn cũng ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, vận động bà con khai hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng đất vệ, đất đồi kém hiệu quả sang cây chè, cây mía…; phối hợp với các công ty cam kết thực hiện hỗ trợ bà con khai hoang, trồng mới, hỗ trợ giao thông vùng nguyên liệu, hỗ trợ đào đắp hồ giữ ẩm, đặc biệt là cam kết về giá thu mua nguyên liệu.
Nhờ những chính sách đồng bộ, bà con nông dân Anh Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu đất trồng keo, trồng ngô, sắn hiệu quả thấp sang trồng mía, chè. Đến nay, toàn huyện đã hình thành vùng nguyên liệu mía khá rộng, bao gồm 1.600 ha trên tổng diện tích 1.800 ha theo quy hoạch mía đứng (tăng 116% KH) của Công ty mía đường sông Lam bao phủ khắp vùng Thành-Bình-Thọ và một số xã của Anh Sơn. Một số vùng tiếp giáp với huyện Tân Kỳ như Bình Sơn, Vĩnh Sơn, Tam Sơn, vùng mía ở đây chuyển sang bán cho Nhà máy đường Sông Con. Đối với cây chè, hiện nay, toàn huyện đã khép kín trồng trên 1.400 ha. Chè vươn ra khỏi quy mô vùng nguyên liệu nhà máy, xí nghiệp và được mở rộng tại các đồi rừng trên địa bàn các xã như Phúc Sơn, Long Sơn, Cẩm Sơn. Đặc biệt, huyện đang đưa vào sản xuất chè sạch theo hướng ViệtGap tại Hùng Sơn, Phúc Sơn.
Mấy năm gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh nên năng suất, sản lượng cây nguyên liệu đạt cao, cụ thể mía đạt sản lượng xấp xỉ trên trên địa bàn huyện 9.000 tấn, năng suất bình quân 60 tấn/ha, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hiện tại với công suất chế biến 800 tấn/ngày, hàng năm tạo sản lượng đường tinh đạt gần 9.000 tấn/năm. Đối với chè công nghiệp sản lượng đạt gần 15.000 tấn, năng suất 10-12 tấn/ha, chỉ đảm bảo khoảng 60-70% công suất chế biến của 3 cơ sở chế biến chè trên địa bàn…
Tuy nhiên, để các vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Anh Sơn phát triển bền vững vẫn còn một số khó khăn cần được quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ. Đó là công tác đầu từ trồng mới hàng năm cho việc trồng chè chưa được quan tâm đúng mức. Trên thực tế, vì lý do đầu tư cao mà một số địa phương không hoàn thành được chỉ tiêu trồng mới do đầu tư ban đầu cao, giá thu mua không ổn định… Các tuyến đường giao thông vùng nguyên liệu mía, chè chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, trên địa bàn hiện có 3 nhà máy chế biến chè búp và vùng nguyên liệu mới chỉ đáp ứng được 60-70% công suất chế biến, nhưng do vấn đề rải vụ thu hoạch chưa tốt nên vẫn xẩy ra tình trạng thừa thiếu nguyên liệu cục bộ trong quá trình chế biến.
Đặc biệt, trong công tác đầu tư, mở rộng diện tích trồng mới đối với cây chè, cây mía, vai trò phối hợp giữa doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn chưa được thường xuyên, liên tục. Đối với cây mía, mặc dù hiện nay, Nhà máy Mía đường Sông Lam đã triển khai thu mua mía theo độ đường, song theo cách thu mua này thì bà con nông dân vẫn chưa yên tâm, giá mía thất thường, chưa có cơ chế chính sách rõ ràng giữa nhà máy và bà con vùng nguyên liệu, để bà con yên tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững.
Lương Mai