Có “lợn hỗ trợ” đến, cái nghèo sẽ đi
Tâm lý trông chờ, ỷ lại là lực cản lớn đối với các địa phương miền núi, huyện Tương Dương cũng không phải là một ngoại lệ. Để thoát nghèo bền vững, yêu cầu đặt ra là làm sao vừa hỗ trợ hộ nghèo nhưng đồng thời làm cho họ trở nên siêng năng, tự giác lao động. Một trong những cách làm giải quyết được các yêu cầu đó là hỗ trợ, cho mượn một số con giống như lợn, bò, dê…
(Baonghean) - Tâm lý trông chờ, ỷ lại là lực cản lớn đối với các địa phương miền núi, huyện Tương Dương cũng không phải là một ngoại lệ. Để thoát nghèo bền vững, yêu cầu đặt ra là làm sao vừa hỗ trợ hộ nghèo nhưng đồng thời làm cho họ trở nên siêng năng, tự giác lao động. Một trong những cách làm giải quyết được các yêu cầu đó là hỗ trợ, cho mượn một số con giống như lợn, bò, dê…
Theo chân anh Vi Thanh Tùng - Phó Chủ tịch xã Lưu Kiền (Tương Dương), chúng tôi đến thăm gia đình chị Vi Thị Búa ở bản Con Mương - mô hình nuôi lợn đen thoát nghèo. Chị Búa gõ gõ cái xô, một đàn lợn to, nhỏ khoảng vài chục con chạy từ trong chuồng ra. Chị cho biết: Tháng 8/2012, gia đình chị được xã cho mượn 2 con lợn cái mỗi con chừng 20 kg và được hỗ trợ 3 cuộn thép B40, gia đình chị đã dựng chuồng và lấy thép B40 rào bao quanh kiên cố thành khu trại chăn nuôi.
Chị Vi Thị Búa (bản Con Mương - Lưu Kiền) và đàn lợn đen được nhân giống
từ lợn hỗ trợ.
Đàn lợn rừng nuôi nhốt của hộ anh Tống Văn Chiến (Bãi Sở, Tam Quang).
Qua tìm hiểu, gặp gỡ và khảo sát nguyện vọng của một số hộ nghèo, cơ quan, đơn vị, đa số ý kiến đều cho rằng ở Tương Dương hiện nay mô hình hỗ trợ lợn nuôi nhốt là cách làm phù hợp hơn cả. Bởi mô hình nuôi nhốt lợn đã có thành công và tạo được niềm tin cho dân bản. Mô hình này cũng dễ làm có thể học hỏi kinh nghiệm tại chỗ từ các gia đình trước đó. Mặt khác, mức đầu tư hỗ trợ lợn giống cũng phù hợp với thực lực của nhiều cơ quan, đơn vị, thậm chí với mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi con lợn giống 20 kg có giá trên dưới 2 triệu, đó là mức “trong tầm tay” mà các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia. |
Từ đó đến nay, gia đình chị đã có đàn lợn đen 17 con. Hiện đầu ra cho lợn đen rất thuận lợi, lợn ở trọng lượng nào cũng có thể bán được, giá bán tại chuồng trên 100 nghìn đồng/1kg. Chị Búa cho biết do sản xuất theo hình thức nuôi nhốt nên lợn phát triển nhanh, theo dõi được các dịch bệnh, đảm bảo được vệ sinh. Không chỉ riêng gia đình chị Búa, hiện ở Lưu Kiền đang có có 18 hộ thực hiện mô hình nuôi lợn đen và 6 hộ thực hiện mô hình lợn đen lai lợn rừng mang lại hiệu quả, giúp cho các hộ thoát nghèo.
Anh Tống Văn Chiến ở xóm Bãi Sở (xã Tam Quang) có một gia trại với khuôn viên rộng rãi, bờ bao kiên cố hóa bằng bê tông, khu chuồng trại có hệ thống bơm nước rất thuận tiện. Từ 3 con lợn rừng được cho mượn ban đầu (nhận lợn ngày 7/5/2011), đến nay đàn lợn của anh Chiến đã qua 3 lứa sinh sản. Sau khi hoàn trả 3 con giống cho xã và thu hoạch thắng lợi 2 lứa đầu, hiện tại đàn lợn của anh có 31 con. Anh Chiến cho biết, giống lợn rừng dù được nuôi nhốt thì thịt của chúng vẫn được ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Lợn rừng dễ nuôi hơn lợn đen, ít bệnh, chủ yếu ăn chuối, rau cỏ, lúa đập bột trộn với nước cho ăn sống – không phải nấu cám như lợn đen. Giá trị thương phẩm cao, từ 190-210 nghìn đồng/kg.
Tháng 6/2012, anh Chiến quyết định nuôi thêm dê, và đến nay đàn dê của anh đã có 12 con. Cùng với đó, anh tận dụng chất thải chăn nuôi để cải tạo diện tích đất vườn, ruộng nghèo, đưa dưa hấu, thanh long… về trồng. Nhờ đó, hiện nay thu nhập của gia đình anh không chỉ đủ trang trải 3 đứa con đi học đại học, cao đẳng, mà còn có tích lũy để sửa sang nhà cửa, mua sắm tiện nghi. Anh Chiến tự tin cho biết, bây giờ không chỉ vượt qua cái nghèo, mà đã có thể nghĩ đến chuyện làm giàu bằng kinh tế tổng hợp.
“Ngoài hộ anh Lang Văn Chiến, ở xã Tam Quang còn có hộ anh Kha Văn Dung (bản Tam Liên), Hồ Viết Minh (xóm Bãi Sở) nhận nuôi và phát triển thành công mô hình lợn rừng nuôi nhốt. Nhận thấy có thể tận dụng được thức ăn ở vườn đồi, sử dụng được nguồn lao động dư thừa trong dân bản, xã đề nghị các hộ nói trên tạo điều kiện về giống tại chỗ cho các hộ nghèo khác, làm chuyển đổi nhận thức và hành động cho số hộ nghèo còn lại trên địa bàn” – ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch xã Tam Quang cho biết.
Năm 2012 tỉnh Nghệ An đã có chủ trương phân công các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành với nỗ lực thoát nghèo của các xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An. Trong số 86 xã nghèo được nhận giúp đỡ, huyện Tương Dương có 16 xã. Danh sách các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 16 xã nghèo của Tương Dương được đăng tại trang 6. |
Có thể nói, trong những năm qua, nhờ thu hút đầu tư tốt, các chương trình, dự án đã hỗ trợ cho huyện Tương Dương xây dựng nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả, đã có sức lan tỏa. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện, từ năm 2010 đến năm 2012, tổng số mô hình chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, nông, lâm kết hợp được triển khai trên địa bàn toàn huyện là 290 và tính đến thời điểm 17/4/2013, toàn huyện vẫn còn duy trì 165 mô hình (MH) các loại, được đầu tư từ các chương trình, dự án như Chương trình 30a (102 MH), Dự án VIE/028 (30 MH), Chương trình 135 (15 MH), Chương trình NTM (7 MH)...
Trong đó, các mô hình nuôi lợn đen, lợn rừng sinh sản đã đem lại hiệu quả tốt tại các xã: Nga My, Yên Hòa, Yên Thắng, Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang, Lưu Kiền... với hơn 200 hộ tham gia. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình do nhân dân tự bỏ vốn xây dựng thành công, có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên như ông Lô Văn Phải ở bản Lũng, xã Tam Thái, nuôi 18 con lợn rừng, 31 con lợn đen, hơn 1.000 con gà, 11 con bò, 2 ha rừng; ông Kha Văn Tới ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, nuôi 10 con trâu, bò, 70 con lợn, 7 con nhím, 250m2 ao, trồng 1 ha rừng… Các mô hình đã góp phần thay đổi nhận thực của người dân về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức đã có sự kích cầu tốt, nhưng tỷ lệ những hộ được hỗ trợ còn rất ít. Một số mô hình khuyến nông, khuyến lâm tuy đạt hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng, không ít mô hình triển khai thiếu hiệu quả.
Từ năm 2010 đến nay Tương Dương có đến 125 mô hình phải xóa bỏ. Và trong 165 mô hình còn lại, một số mô hình cũng đang rất bấp bênh. Điển hình như mô hình trồng cây keo lai ở các xã Tam Quang, Tam Thái, Lưu Kiền... Các mô hình trồng chuối tiêu hồng ở các xã Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Lưu Kiền, Thạch Giám, Xá Lượng, Nga My, Xiêng My đến nay diện tích chuối còn lại chỉ đạt 50%... Một số mô hình nuôi nhím, gà Lương Phượng, gà đen, lò ấp trứng, nuôi ong... tính ổn định chưa cao.
Mô hình nuôi bò tuy có hiệu quả tốt nhưng kinh phí đầu tư ban đầu cao, chậm cho thu nhập nên không thật sự thuận lợi để nhân rộng. Vì vậy, mô hình chăn nuôi lợn theo hình thức nuôi nhốt được dân bản ưa thích hơn cả. Đó cũng là những bài học thực tiễn mà các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, trường học cần lưu ý, tham khảo khi áp dụng khi thực hiện Đề án phân công các cơ quan, phòng, ban cấp huyện giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo giai đoạn 2013-2020.
“Giảm nghèo” và “giam nghèo” Chủ trương hỗ trợ lợn, bò, dê giống từ nguồn Chương trình dự án 30a của Chính phủ là cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước cho chương trình giảm nghèo. Mô hình hỗ trợ, cho mượn con giống đang đi vào cuộc sống và tạo nên những đổi thay tích cực, có tính thuyết phục cao. UBND huyện Tương Dương đã nhân rộng cách làm này bằng cách giao nhiệm vụ cho các cơ quan, phòng, ban, đoàn thể, các đơn vị, trường học đóng trên địa bàn nhận giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bằng Đề án 241/ĐA-UBND.VX ngày 28/2/2013. Theo đó, yêu cầu mỗi tổ chức khảo sát và đăng ký giúp đỡ, hỗ trợ ít nhất 1 đến 2 hộ nghèo; cán bộ, đảng viên phải cầm tay chỉ việc, quyết tâm phấn đấu mỗi năm huyện Tương Dương giảm từ 5% hộ nghèo trở lên, làm sao để đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo cả huyện dưới 20%. |
Ngô Kiên - Minh Quân