Đề xuất hỗ trợ xây nhà chống lũ, lụt cho người dân 14 tỉnh
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt khu vực miền Trung. Chính sách này sẽ được thực hiện trong 3 năm, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.
Người dân miền Trung thường xuyên phải chịu cảnh lũ, lụt. ( Ảnh: VNN) |
Theo Bộ Xây dựng, các hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra lũ, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản (gọi tắt là thôn) trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Thực hiện chính sách này, ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049 ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt.
Hộ gia đình thuộc diện đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức uỷ thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay.
Ngoài mức hỗ trợ và mức vay, nếu chưa đủ, các hộ gia đình sẽ huy động thêm nguồn vốn khác từ cộng đồng để xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt đảm bảo quy mô và chất lượng theo quy định.
Để chính sách đến với người dân được công khai, minh bạch, Bộ Xây dựng đề xuất hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình. Sau khi nhận được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở phòng tránh lũ, lụt hoặc cải tạo, nâng tầng nhà ở hiện có, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố.
Chính sách hỗ trợ nêu trên sẽ được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2014- 2016). Ủy ban nhân dân 14 tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc lập, phê duyệt đề án và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt trên địa bàn, đảm bảo tiến độ quy định; công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và chỉ đạo bình xét, lập danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ trên địa bàn, xếp loại thứ tự ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng theo đúng quy định./.
Theo ĐCSVN