Để xứng đáng là tỉnh quê hương Bác Hồ kính yêu
Nguyễn Xuân Đường
Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
(Baonghean) - Bước vào Xuân mới 2014 và những năm tiếp theo, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An sẽ là động lực mới, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ và nhân dân trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. “Quê ta” lâu nay nổi tiếng là “học giỏi”, hy vọng rằng truyền thống học giỏi đó được nhân dân trong và ngoài tỉnh cụ thể hóa để đưa tỉnh nhà phát triển giàu mạnh, xứng đáng là tỉnh quê hương Bác Hồ kính yêu.Năm Quý Tỵ đã đi qua với bộn bề lo toan vất vả và mùa Xuân mới 2014 với tràn đầy khát khao, hy vọng đã tới. Nhìn lại chặng đường dài đã qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An có quyền tự hào vì đã nỗ lực phấn đấu vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 20 KL/T.Ư ngày 2/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về "Một số chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2005 và 2010", kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều phương diện: Miền Tây Nghệ An có sự chuyển biến rõ nét về kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống nhân dân; Thành phố Vinh phát triển thành đô thị loại 1, Thị xã Cửa Lò đã được công nhận là đô thị loại 3, thành lập mới 2 thị xã Thái Hòa và Hoàng Mai; giáo dục phát triển mạnh mẽ với thành tích giáo dục vào tốp đầu của cả nước, có 5 trường đại học, 8 trường cao đẳng và trung cấp nghề; đã thu hút 34 ngân hàng thương mại đặt trụ sở, chi nhánh tại địa bàn…
Sân bay Vinh phát triển nhanh, trở thành sân bay quốc tế với nhiều tuyến bay như: Vinh - Hà Nội, Vinh - TP Hồ Chí Minh, Vinh - Buôn Mê Thuột, Vinh - Đà Lạt, Vinh - Đà Nẵng, đặc biệt là tuyến Vinh- Viêng Chăn (Lào) đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và người dân đi lại. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, nhiều bệnh viện mới được thành lập, xây dựng như: Bệnh viện Đa khoa 700 giường, Bệnh viện Chấn thương, Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung bướu, các bệnh viện Tây Bắc, Tây Nam Nghệ An…; nhiều dự án lớn được triển khai đi vào hoạt động hiệu quả, như Thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố; Nhà máy bia Sabeco, Habeco, bao bì, khách sạn 5 sao, sân gôn, Nhà máy sữa TH True milk, Nhà máy nhựa Tiền Phong... Một số dự án của các nhà đầu tư lớn bắt đầu khởi động như: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV BECAMEC Bình Dương, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty TNHH Nam Đàn - Vạn An và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Nhiều lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ cao, tiến tới trở thành vị trí hàng đầu của Trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ như: thương mại – du lịch; tài chính, ngân hàng; khoa học - công nghệ; y tế, giáo dục và đào tạo; văn hóa - thể thao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các học sinh xuất sắc. Ảnh: Nguyên Sơn |
Chúng ta cũng có quyền tự hào bởi con người Nghệ An có truyền thống cách mạng, hiếu học và học giỏi. Thiên nhiên khắc nghiệt, lịch sử lắm gian nan, thử thách đã tạo nên nhân cách con người xứ Nghệ cần cù và sáng tạo, kiên trung và nghĩa hiệp, cầu thị và học giỏi. Trên mảnh đất này “Thời nào cũng có danh nhân, vùng nào cũng có nhiều bậc anh hùng tài cao chí lớn” làm rạng danh quê hương đất nước. Nhiều lớp thầy trò xứ Nghệ đã nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, trở thành các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới như: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Đình Cầu… và nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiều nhà nghiên cứu thuộc đủ các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác. Thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục nối bước cha ông, làm rạng danh thêm truyền thống học giỏi của người xứ Nghệ. Riêng trong năm học 2012 - 2013, Nghệ An có 2 học sinh giỏi quốc tế là: Thái Đình Phúc đạt Huy chương Đồng Tin học châu Á; Cao Ngọc Thái đạt giải Khuyến khích Vật lý châu Á và giải Nhất quốc gia môn Vật lý; 73 học sinh giỏi quốc gia. Tại kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học năm 2013 Nghệ An có 9 thủ khoa và 6 em lọt vào tốp 100 học sinh cả nước đạt 29 điểm trở lên.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Nghệ An vẫn đang là một tỉnh còn nhiều khó khăn với thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; tăng trưởng thấp và chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa và sức lao động thấp… Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; nhiều dự án, công trình trọng điểm chậm phát huy hiệu quả. Thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng. Chưa có dự án mang tính đột phá để tạo chuyển biến lớn. Xu hướng tụt hậu về kinh tế của Nghệ An so với một số tỉnh trong khu vực đã hiện rõ. Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm. Trong đời sống xã hội vẫn còn một số vấn đề nảy sinh, bức xúc kéo dài, chưa được giải quyết kịp thời, triệt để. Tệ nạn buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy còn phức tạp; các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn còn nhiều; tỷ lệ người sinh con thứ 3 cao; giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường còn nhiều tồn tại, thiếu đồng bộ và một số nơi còn gây nhức nhối.
Nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá như vậy để mỗi một cán bộ, đảng viên và người dân tỉnh nhà thấy rằng cần phải nêu cao quyết tâm, nỗ lực rất lớn để thực hiện được điều mong mỏi của Bác Hồ trong thư gửi Đảng bộ Nghệ An ngày 21/7/1969: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Bước vào năm 2014, mỗi chúng ta cần tự kiểm điểm bản thân, kiểm điểm trước Đảng, trước nhân dân rằng cho đến nay, mong ước đó của Bác vẫn chưa thực hiện được. Việc chúng ta chậm thực hiện được điều mong mỏi của Bác ngày nào là chúng ta đang có lỗi với Bác ngày đó.
Trong các chuyến công tác đến các tỉnh, thành, chúng tôi thực sự tự hào khi lãnh đạo và nhân dân các địa phương khác dành những lời khen ngợi về tinh thần hiếu học và học giỏi của người Nghệ. Nhưng cũng có nhiều người phân vân: Vì sao có nhiều người học giỏi, đỗ đạt nhưng “quê ta” vẫn nghèo? Suy ngẫm về điều đó, bản thân mỗi chúng ta cũng thấy hổ thẹn và thường biện dẫn những lý do khách quan: Rằng quê hương từ lâu nay vốn nghèo; do chiến tranh tàn phá; địa hình phức tạp; xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; do bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ… tất cả đều có lý.
Nhưng cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng: Nhiều người trong chúng ta còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bảo thủ, ngại khó… còn có những do dự, thậm chí “sợ sai” trong đổi mới, tiếp cận cách làm ăn mới. Đáng buồn là vẫn có một số lãnh đạo huyện và người dân một số địa phương còn thiếu ý thức chủ động thoát nghèo, còn có tư tưởng “được vào diện nghèo” để hưởng trợ cấp, ưu đãi… Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có lúc tinh thần đoàn kết, cộng sự, tính thống nhất chưa cao; cải cách hành chính, thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu. Hoạt động đối ngoại, hợp tác đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Cùng đó, năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng có lúc, có nơi còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, tính xây dựng, hợp lực chưa cao. Những yếu kém, tồn tại đó là nguyên nhân cốt lõi, làm cho chặng đường thoát nghèo của tỉnh cứ dài ra…
Rất mừng là ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị, BCH Trung ương ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ về phương phướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020 đã tạo nên khí thế, động lực mới cho toàn Đảng bộ và nhân dân quê Bác. Đây có thể xem là cột mốc lịch sử trong cuộc chiến đấu để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, là sự tiếp nối, nâng tầm Kết luận 20-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Nghệ An; là sự ưu ái lớn của Trung ương dành cho tỉnh quê hương Bác Hồ. Chúng ta phải nắm lấy cơ hội này, nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo trong mọi lĩnh vực để mau chóng đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Ngay khi Nghị quyết 26 được ban hành, lãnh đạo tỉnh đã thành lập các đoàn công tác “ra Bắc, vào Nam”, mở rộng quan hệ, hợp tác với các tỉnh có nền kinh tế-xã hội phát triển sôi động, từ đó thúc đẩy quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thu hút các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đầu tư vào Nghệ An. Cùng đó, các sở, ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu, phổ biến những nội dung của Nghị quyết 26 và Chương trình hành động của tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên sự lan tỏa trong nhận thức và hành động vì mục tiêu xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh. Để thực hiện Nghị quyết số 26 -NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động; UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai hành động.
Mục tiêu xuyên suốt của chương trình hành động là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các kế hoạch đề ra với 10 chương trình, 18 đề án đã được phân công cụ thể nhiệm vụ cho giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện.
Xét về qui trình, cơ bản chúng ta đã thống nhất trên dưới, vấn đề cơ bản là hành động thực tế và tính hiệu quả của mỗi chương trình, đề án. Quá trình thực hiện Nghị quyết 26, chúng ta sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế; thu hút đầu tư những dự án lớn mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng quan trọng nhất, cái bền vững nhất là toàn tỉnh phải phát huy nội lực, đi lên từ sự đồng lòng, khắc phục khó khăn, gạt bỏ bảo thủ, trì trệ với tinh thần cầu thị, học hỏi tiến bộ.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Nghệ An trước hết cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy, đi lên bằng chính sức của mình; huy động mọi nguồn lực trong tỉnh và ngoài tỉnh cho phát triển; phải phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trung ương hỗ trợ là cần thiết, nhất định phải có nhưng Nghệ An cần phát huy nội lực mới là cái vô tận…”. Cả nước đang mong chờ Nghệ An thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Điều này đòi hỏi từng chi bộ, từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân, các lực lượng vũ trang khắp mọi miền phải thể hiện bằng những kết quả cụ thể trong từng lĩnh vực, từng ngành, từng huyện, đồng tâm, hiệp lực xây dựng Nghệ An xứng đáng là tỉnh quê hương Bác Hồ kính yêu.