Đem chuông đi đánh xứ người
(Baonghean) - Sinh ra và lớn lên trên "Dải đất miền Trung nhỏ hẹp eo thon/ Mưa với gió bào mòn từng lớp đất/ Bãi cát mênh mông, mẹ gánh gồng nặng nhọc/ Cha gù lưng lọc cọc đẩy xe thồ", chứng kiến sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tần tảo của những người dân miền Trung lam lũ, Nguyễn Ánh Sáng - cậu sinh viên quê xã Phúc Thành - huyện Yên Thành - Nghệ An quyết tâm phải làm được một điều gì đó tốt đẹp cho quê mình. Sáng xác định, để thực hiện được ước mơ ấy, chỉ có duy nhất một con đường, đó là học và học.
Học Bách Khoa là một duyên may
Xứ Nghệ vốn là mảnh đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học, người ta vẫn hài hước mà trêu đùa rằng "Làm vợ trai xứ Nghệ/ Gia tài xách nhẹ tênh/ Khăn bao xếp chặt chữ/ Nặng vẻn vẹn cái tình". Gia đình Sáng cũng là một gia đình giàu truyền thống giáo dục, và dù cho hoàn cảnh không phải quá dư dả, nhưng bố mẹ Sáng luôn cố gắng tạo điều kiện cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp chuyên Lý, Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng như bao thí sinh khác, Sáng đứng trước những lo lắng, băn khoăn khi chọn lựa con đường đi cho tương lai. Bước ngoặt thực sự của cuộc đời cậu học trò 18 tuổi Nguyễn Ánh Sáng chính là vào một buổi tối, khi cậu lên mạng và tình cờ đọc được bài báo giới thiệu về các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Ban đầu, mình cũng không quan tâm nhiều lắm khi đọc về Viện Đào tạo Quốc tế, và cũng chỉ coi nó như các chương trình quốc tế khác trong nước. Nhưng khi biết những chương trình quốc tế này do Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai và thực hiện thì mình bắt đầu quan tâm. Trở thành một sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính là mơ ước của mình từ tấm bé. Đi sâu vào tìm hiểu, mình thực sự thích chương trình cơ điện tử NUT - chương trình hợp tác giữa Đại học Bách Khoa Hà Nội với Trường Đại học Nagaoka của Nhật Bản. Mình bị cuốn hút bởi đội Robocon SIE với những thành công mà họ gặt hái được. Mình đã mơ ước có thể chế tạo được những Robot thông minh như Asimo để giúp đỡ những người dân vất vả ở miền Trung nắng gió quê mình, những tên lửa tầm cỡ Soyuz và còn hơn thế nữa."- Sáng tâm sự.
Như một duyên phận đã định sΩn, Sáng trở thành sinh viên của khối NUT, thuộc Viện Đào tạo Quốc tế SIE. Và những điều mà SIE đem lại cho Sáng còn nhiều hơn tất cả những gì mà cậu mong đợi.
Sinh viên Nguyễn Ánh Sáng (bên trái)
Đem chuông đánh ở... Hà Thành
Sinh viên tỉnh lẻ về Hà Nội học bao giờ cũng có những mặc cảm vùng miền, về ngôn ngữ, lối sống, có khi chỉ vì bạn ở Thủ đô, còn tôi là... ngoại tỉnh. Sáng cũng từng sống trong những tự ti về chất giọng "đặc" xứ Nghệ của mình, đến mức, khi có đợt chuyển tiếp sang Nhật Bản du học, Sáng đã không dám đăng ký. Sau khi biết chuyện, cô Phương Mai - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, bằng kinh nghiệm và lòng yêu nghề, yêu sinh viên, đã động viên và thuyết phục Sáng vượt qua "rào cản ngôn ngữ" đó. Kết quả là Sáng trở thành một trong 9 sinh viên NUT được học bổng sang Nhật đợt này.
Sáng tâm sự: "Những ngày đầu, mình nói tiếng Nghệ An mà không bạn nào trong lớp hiểu cả. Vừa ngượng, vừa tủi. Sau rồi, mình tập nói cho chậm lại, cố gắng tròn vành rõ chữ nhất có thể, tất nhiên không để mất "bản sắc". Giờ thì nhiều bạn lại "nghiện" chất giọng mình mới chết chứ, bảo là nghe... dễ thương. Mình cũng đã không còn mặc cảm thuở ban đầu mà tập trung hoàn toàn vào việc học. Ở khối NUT của mình, nói chung, chương trình khá nặng. Bọn mình không chỉ trau dồi kiến thức về chuyên ngành cơ điện tử, mà còn phải học tiếng Nhật từ cơ bản đến nâng cao và chuyên ngành. Rồi học cả tiếng Anh nữa. Ban đầu, cứ nghĩ tiếng Nhật chỉ là một môn học thêm, không mấy quan trọng, giống như tiếng Anh hồi trung học, nhưng không phải. Mình phải học tiếng Nhật thật sự, học rất kỹ càng, học với giáo viên người Nhật và theo phong cách làm việc của người Nhật. Ban đầu thì nửa chữ tiếng Nhật cũng không biết thành ra bỡ ngỡ, nhưng dần dần cũng quen. Giờ thì mình có thể nói chuyện với người Nhật một cách tự tin và mê luôn môn tiếng Nhật rồi.
Đội trưởng đội tình nguyện SIE - Nguyễn Ánh Sáng (đi đầu)
Tại SIE, mình được sống trong môi trường học tập quốc tế. Các thầy cô luôn tận tình dẫn dắt sinh viên, đặc biệt là các giảng viên người Nhật. Bạn bè trong lớp luôn luôn cố gắng giúp đỡ nhau phấn đấu, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, mình còn được tham gia các hoạt động bổ ích như nghiên cứu khoa học, các cuộc thi chế tạo robot, tên lửa nước, tham gia hoạt động tình nguyện, hoạt động của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên SIE".
Học chuyên môn và ngoại ngữ nặng là thế, nhưng Sáng rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Không chỉ là một sinh viên mẫu mực trong học tập, Sáng còn là một cán bộ xuất sắc trong công tác của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên và sinh viên tình nguyện SIE. Rất bận rộn với công việc học tập, nhưng cậu luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của một Ủy viên thường vụ ban chấp hành, kiêm Đội trưởng Đội tình nguyện SIE. "Lúc đầu, mình tham gia hoạt động tình nguyện để đóng góp một phần sức trẻ và nhiệt huyết của mình. Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ được tin cậy để trở thành đội trưởng đội sinh viên tình nguyện SIE. Những giây phút trong cuộc đời sinh viên tình nguyện, đặc biệt tham gia chiến dịch mùa hè xanh Tiến Xuân 2011 là quãng thời gian đẹp không bao giờ quên trong suốt cuộc đời mình. Thật hạnh phúc khi biết xung quanh mình, lúc nào cũng có những anh em tình nguyện viên luôn luôn coi nhau như những người thân trong gia đình."
Và chuông sẽ ngân vang tại xứ Anh Đào
Nguyễn Ánh Sáng và cô Kawasaki - Giảng viên tiếng Nhật
của Đại học Nagaoka, Nhật Bản.
(ảnh chụp tại Viện Đào tạo Quốc tế, ĐH Bách Khoa Hà Nội)
Cuối tháng 3 vừa rồi, Nguyễn Ánh Sáng cùng 8 bạn sinh viên khác trong lớp đã chuyển tiếp sang học giai đoạn 2 tại Đại học Gunma, Nhật Bản - một trong 6 trường đại học công nghệ nổi tiếng của Nhật Bản. Để đạt được học bổng du học đó, Sáng và các bạn phải nộp hồ sơ điểm chuyên môn và tiếng Nhật. Phía Gunma sẽ xét hồ sơ và lựa chọn từ trên xuống. "Khó thể có thể diễn tả được niềm vui khôn xiết của mình và gia đình khi biết kết quả. Cuối cùng thì con đường dẫn tới ước mơ bao lâu nay của mình đã thênh thang rộng mở".
Chúc cho "quả chuông xứ Nghệ" sẽ tiếp tục ngân vang tại đất nước Mặt trời mọc, đúng như lời hứa của Sáng khi biết mình đã giành học bổng: "Ở nước bạn, mình sẽ cố gắng hết sức rèn luyện bản thân. Mình hy vọng sau này có thể góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương mình, quê hương Nghệ An nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung".
P.V