Đêm thấp thỏm nơi tâm lũ Kỳ Sơn
(Baonghean.vn) - Ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ quét lịch sử vào ngày 2/10 vừa qua, những hộ dân vừa bị mất nhà, mất tài sản tiếp tục trải qua một đêm thấp thỏm lo âu…
Sơ tán, tìm kiếm gia súc… trong đêm
Hơn 8h tối 3/10, trong cơn mưa đêm nặng hạt, từ thị trấn Mường Xén chúng tôi đi bộ ngược vào bản Hòa Sơn. Điện vẫn chưa có, đường dẫn vào bản tối mịt, nước vẫn chảy mạnh và bắt đầu dâng cao hơn một chút so với ban ngày. Trên đường vào, bắt gặp một số người dân đang hối hả khuân vác đồ đạc đi ra.
Giáo viên ở trọ trong bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ chuyển đồ đạc chạy lũ trong đêm. Ảnh: Thành Cường |
Ghé vào một dãy phòng trọ sát đường, thấy mọi người đang hối hả giúp nhau sơ tán đồ đạc. Trong căn phòng cuối dãy, chị Phan Thị Nhung cho biết, chị quê ở huyện Hưng Nguyên, là giáo viên Trường THCS Huồi Tụ, thuê trọ ở đây mấy năm qua cùng 2 con gái. Chồng chị cũng là giáo viên, đang công tác ở huyện Thanh Chương, ngay sau khi trận lũ xảy ra đã tức tốc lên Kỳ Sơn với vợ con. Phòng trọ may mắn chỉ bị ngập nước chứ không bị bùn đất vùi lấp, tối 2/10, sau khi được đồng nghiệp giúp dọn hết đồ đạc, cả gia đình đến ngủ nhờ tại nhà cô Nguyễn Thị Dung - Giáo viên Trường THCS Tà Cạ ở thị trấn Mường Xén.
Đồng nghiệp giúp cô Phan Thị Nhung - Giáo viên Trường THCS Huồi Tụ chuyển đồ đạc ra khỏi phòng trọ. Ảnh: Thành Cường |
Chiều 3/10, sau khi thấy nước rút, tưởng an toàn, cả nhà chị Nhung chuyển một ít đồ đạc thiết yếu trở lại phòng trọ để ngủ thì nước lại dâng cao, trong phòng trọ nước ngập qua mắt cá chân. Thế là trong đêm cả nhà lại một lần nữa chuyển đồ đạc đi ngủ nhờ. “Khu nhà trọ này có 12 phòng, chủ yếu là giáo viên, công chức từ dưới xuôi lên đây làm việc, từ tối 2/10 mọi người đều đến ngủ nhờ ở nhà bạn bè, đồng nghiệp cả rồi. Cũng có mấy nhà ngày hôm nay quay về như nhà tôi nhưng rồi cũng phải sơ tán một lần nữa”, chị Nhung nói, khuôn mặt không giấu được sự mệt mỏi.
Đêm thứ hai kể từ sau trận lũ quét lịch sử vào rạng sáng 2/10, với vẻ mặt chưa hết hốt hoảng, ông Kha Văn Lơm ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ nói rằng, sống qua nửa thế kỷ, chưa bao giờ ông thấy một trận lũ nào kinh hoàng như vậy.
Ông Kha Văn Lơm mang đèn pin đi tìm lợn. Ảnh: Thành Cường |
Ông Lơm cho biết, nhà ông nuôi 10 con lợn, gần 40 con gà và hơn 10 con vịt thì tất cả số gà, vịt cùng 4 con lợn và cùng các thiết bị, máy móc trong nhà bị nước lũ cuốn trôi. Toàn bộ gian dưới của nhà sàn bị đất, đá vùi lấp, sàn gian trên cũng dính bùn đất, gia đình ông mang một số quần áo, tư trang còn lại sang tá túc ở nhà người anh trai là ông Kha Văn Châu. 6 con lợn còn lại không có chỗ nhốt, ông phải thả rông trong bản, đến tối ông lại phải mang đèn pin đi tìm lùa lợn về. Thời điểm chúng tôi gặp ông Lơm là hơn 9h tối, cũng là lúc ông đang lùa một con lợn về. “Mới tìm được 1 con thôi, còn 5 con nữa phải đi tìm tiếp, khi nào tìm thấy hết mới đi ngủ”, ông Lơm cho biết.
Không những mất chỗ ở do nhà cửa bị vùi lấp, phải đi ở nhờ nhà anh em, họ hàng, bạn bè, nhiều gia đình còn trong tình trạng gia đình phải phân tán. Như trường hợp gia đình bà Ngân Thị Biển, gia đình có 8 người thì hiện đang tá túc 3 nơi.
Bà Biển kể, 3h sáng 2/10, nghe tiếng nước chảy cuồn cuộn, rồi đá lăn lộc cộc, cảm nhận được sự nguy hiểm, bà vội đánh thức cả nhà chạy lên đồi mà không kịp mang theo bất cứ vật dụng đồ đạc nào.
Trời mưa to, đứng trên đồi nhìn xuống thấy nước chảy xiết từ bản Sơn Hà xuống, trong lúc bà đang run rẩy vì sợ hãi thì chồng bà lại cố gắng lội qua dòng nước lũ để vào nhà lấy quần áo. Trong lúc lội, chẳng may ông trượt chân rồi trôi theo dòng nước. Người con trai của bà thấy vậy hoảng hốt nhảy xuống nước để kéo bố lên, rồi hai người vật vã trong dòng nước lũ cuồn cuộn. May nhờ có một số thanh niên trong bản đứng trên bờ nắm được cổ áo hai người rồi cùng nhau kéo lên.
Sau khi chồng con thoát chết, nước lũ rút đi, bà Biển về nhà thì thấy toàn bộ tài sản đã bị nước cuốn trôi, trong nhà là một lớp bùn đất cao. Không còn chỗ ở, bà và chồng sang tá túc ở nhà người cháu họ hàng, vợ chồng con trai cả ở nhờ nhà hàng xóm, còn vợ chồng con út ở nhà một người quen trong bản.
Một gia đình ở bản Hòa Sơn trò chuyện với phóng viên trong tối 3/10. Ảnh: Thành Cường |
Những suất xôi nghĩa tình
Cũng trong tối 3/10, ghé vào một nhà dân trong bản Hòa Sơn, chúng tôi bắt gặp cảnh mọi người đang quây quần vo gạo nếp để chuẩn bị nấu xôi. Chủ nhà, anh Vi Văn Hùng cho biết, vợ chồng anh đều là giáo viên. Anh dạy ở Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn, còn vợ anh, chị Vi Thị Hiền là giáo viên của Trường Mầm non Tà Cạ. Trận lũ vào rạng sáng 2/10 khiến toàn bộ vườn cây, ao cá cùng 1 con lợn, 30 con gà bị trôi hết, may mắn là nhà cửa an toàn, không bị nước vào.
Nhiều người dân ở bản Hòa Sơn tập trung ở nhà anh Vi Văn Hùng để chuẩn bị cho việc nấu xôi từ thiện. Ảnh: Thành Cường |
“Bản Hòa Sơn có 236 hộ dân thì hơn một nửa bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản. So với nhiều gia đình trong bản thì những thiệt hại của gia đình tôi chưa thấm vào đâu. Vì thế, ngay trong sáng 2/10, tôi cùng chị gái là chị Vi Thị Hiển - là người buôn bán đồ nông sản từ Lào mang gạo nếp, miến dong trong kho ra hỗ trợ cho người dân.
Với một số nhà ở xa hoặc đang bận dọn dẹp, sơ tán thì vợ chồng tôi mang đến tận nhà. Ngoài ra, qua ban quản lý của bản, chúng tôi vận động những gia đình không bị thiệt hại hoặc thiệt hại nhỏ đến nhà để chung tay nấu xôi, phân phát cho bà con. Số gạo nếp để nấu xôi, ngoài từ kho của gia đình, còn có sự đóng góp của một số tổ chức, cá nhân hảo tâm”, anh Hùng chia sẻ.
Gạo nếp được vò sẵn để đồ xôi vào 4h sáng hôm sau. Ảnh: Thành Cường |
Đứng cùng con dâu trong sân nhà anh Vi Văn Hùng để nhận xôi, gương mặt rơm rớm nước mắt, bà Ngân Thị Biển cho biết, những gì xảy ra trong trận lũ vừa qua là “không thể tưởng tượng nổi”. “Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của ban quản lý bản, của một số đoàn từ thiện và đặc biệt là của những gia đình trong bản như anh Hùng - chị Hiền, gia đình mới vượt qua được những khó khăn ban đầu về nơi ăn, chốn ở. Gia đình chúng tôi biết ơn rất nhiều!”, bà Ngân tâm sự.