Đền Cửa Rào nơi ngã ba sông

12/01/2007 16:38

Ngược lên thượng nguồn sông Lam, qua cầu Cửa Rào, đến ngã ba sông, nơi giao nhau của hai con sông Nậm Nơn và Nậm Mộ có một di tích đã trăm năm, ấy là đền cửa Rào. Chỉ là một ngôi đền nhỏ nằm cheo leo trên một cái cồn, nhưng đây là chốn linh thiêng của đồng bào các dân tộc Thái, Kinh... trong vùng.

Phía trước đền Cửa Rào


Đền Cửa Rào là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái, còn người Kinh vẫn thường gọi ngôi đền này là đền Vạn. Có ý kiến cho rằng đây là ngôi đền thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang - người con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ có công lớn trong việc khai phá đất Nghệ An. Tương truyền ông bị thương và chết trong một trận đấu, máu của ông chảy đến đâu thì nơi đó nhân dân lập đền. Ở Nghệ An có hàng chục làng có đền thờ ông mà đền chính ở núi Quả Sơn (xã Bồi Sơn - huyện Đô Lương), đền Cửa Rào cũng là một trong những ngôi đền ấy. Ý kiến khác lại cho rằng: Khu vực đền trước đây có giặc Xá đến hoành hành. Các dân tộc trong vùng đã thống nhất lại và đánh đuổi. Người thủ lĩnh của các anh em qua Cửa Rào, vì không biết bơi nên bị giặc giết. Nhân dân đã lập miếu thờ để thờ người thủlĩnh ấy. Còn tên gọi Đền Vạn vì sở dĩ trước đây Cửa Rào là nơi dừng chân giao lưu buôn bán trao đổi gạo muối của dân vạn chài Đô Lương, mỗi lần ra đi hay trở về họ thường trú ngụ tại đây và thắp hương cầu xin buôn thuận bán lời, họ còn rước chân hương từ đền Quả Sơn lên đây để thờ.

Toà thượng điện trong đền

Là một ngôi đền có từ lâu đờithăng trầm cùng với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước nên đền Cửa Rào ngày nay so với thời xa xưa có rất nhiềuthay đổi. Ông Đặng Xuân Diệu - nguyên là Phó ban Tuyên giáo cũ của huyện Tương Dương, một người khá am hiểu về đền này có kể lại rằng: Trước đây khi ông còn nhỏ ông vẫn nhớ như in vào những ngày Tết, nhất là ngày Rằm Tháng Giêng đền thường tổ chức tế lễ rất to, năm nào cũng mổ trâu, bò hoặc lợn. Tham dự các buổi tế lễ ngoài người dân địa phương, các chức sắc của vùng còn có đông đảo người dân tộc Kinh. Đó thực sự là một ngày hội và kéo dài suốt cả tháng Giêng. Vào thời kì chống Pháp đền bị tàn phá nghiêm trọng, người dân đã tổ chức sòng bạc để lấy tiền phục dựng lại đền, sau đó người Pháp chuyển sòng bạc đi nơi khác xây lại đền. Có những năm đền lại là lớp học. Thời kì cải cách để chống mê tín dị đoan, đềnbị phá gần hết, chỉ còn lại nền cũ, bức tường của nhà thượng điện, bia con hổ và một số hiện vật ít ỏi khác.

Là huyện có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, địa hình lại chia cắt rất khó cho việc đi lại giao lưu văn hoá, nên từ lâu, nhân dân trong vùng đã rất mong muốn phục dựng lại đền để mỗi năm vào ngày Tết, ngày Rằm bà con có chốn "đi về". Đáp ứng phần nào nguyện vọng đó, những năm qua, huyện Tương Dương đã đầu tư một phần ngân sách để trùng tu lại ngôi đền trên nền cũ, đền cũng được xếp vào danh sách là một trong những di tích lịch sử cần phải được gìn giữ và tôn tạo. Có một điều đặc biệt là hơn 30 năm qua, mặc dù có những thời điểm đền đã bị xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn có một người tình nguyện làm công tác thắp hương bảo vệ đền. Đó là bác Nguyễn Đình Ngũ, một người dân sống chỉ cách đền một quãng sông và công việc của bác hoàn toàn xuất phát từ "tâm". Nay đền đã được trùng tu lại, tuy chưa được trọn vẹn như xưa nhưng như lời của đồng chí Vi Tân Hợi - Phó chủ tịch huyện Tương Dương thì: "Hiện giờ đền đã đáp ứng được phần nào nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con. Nhưng nguyện vọng của huyện là sẽ nâng tầm sinh hoạt tâm linh thành lễ hội mang đặc trưng của văn hoá thượng nguồn Tương Dương. Hiện Sở Văn hoá Thông tin đang giúp huyện xây dựng kịch bản, điều cốt yếu bây giờ là phải xác minh chính xác giá trị lịch sử của đền và đầu tư quy hoạch lại để đền được khang trang, thuận tiện cho bà con đi lại".

Nằm nơi giao nhau của hai con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ nhưng đền Cửa Rào lại may mắn được toạ lạc trên một ngọn cồn khá bằng phẳng. Mấy năm nay tuy chưa có lễ hội chính thức nhưng năm nào người dân xã Xá Lượng cũng tổ chức các hoạt động vui chơi đón Xuân như thể thao, văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, khắc luống...và được đông đảo nhân dân trong vùng đón nhận. Sang Xuân sẽ có một cây cầu mới khác bắc qua sông, đền Cửa Rào sẽ là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh lành mạnh, sẽ là nơi hội tụ của bà con bản trên mường dưới...


Bài, ảnh:

Khánh Ly - Mỹ Hà

Mới nhất

x
Đền Cửa Rào nơi ngã ba sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO