Đền Đệ Nhất

28/01/2015 09:35

(Baonghean) - Đền Đệ Nhất là một kiến trúc cổ kính, tọa lạc tại xóm Tân Phong, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu. Đền do dân làng Đệ Nhất xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - một vị tướng giỏi thời nhà Trần có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông vào nửa cuối thế kỷ XIII.

Đền Đệ Nhất. Ảnh internet
Đền Đệ Nhất. Ảnh internet

Theo văn bia và phả tộc họ Hoàng ở Vạn Tràng (nay thuộc huyện Diễn Châu) cho biết: “Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn sinh năm Giáp Dần (1254) vào đời vua Trần Thái Tông, ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An… Đời vua Trần Nhân Tông, năm Mậu Tý (1288), tướng nhà Nguyên - Mông là Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đem quân sang xâm lược nước ta. Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc... Dưới tài tổng chỉ huy của Trần Hưng Đạo, trận đánh diễn ra ác liệt, quân ta đại thắng, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Vua Trần Nhân Tông phong cho Hoàng Tá Thốn là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”. Là vị tướng có dũng khí, trí thông minh và nhiều mưu lược, có công với dân, với nước, nên sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Đệ Nhất, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu.

Lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh của đền Đệ Nhất, ngày 20/7/2014. Ảnh: Cảnh Yên
Lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh của đền Đệ Nhất, ngày 20/7/2014. Ảnh: Cảnh Yên

Bên cạnh công năng thờ thần, Thành hoàng làng, tổ chức lễ tầm linh cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Trong lịch sử, đền Đệ Nhất còn là nơi chứng kiến những biến đổi thăng trầm của lịch sử địa phương như: trong phong trào Cần Vương chống Pháp đền là nơi hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn; Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 -1931) và Cách mạng tháng Tám năm 1945, đền là nơi in ấn tài liệu, truyên truyền cách mạng, cắm cờ đỏ búa liềm thành lập chi bộ Đệ Nhất, nơi nộp ấn tín, sổ sách của chế độ cũ cho chính quyền cách mạng, nơi tổ chức tuần lễ vàng, bầu cử Quốc hội khóa I,... Hiện nay, tài đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, quý, góp phần vào việc nghiên cứu khoa học và tìm hiểu lịch sử địa phương.

Với ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 2697/QĐ-UBND, ngày 16/6/2014, công nhận di tích Đền Đệ Nhất là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Việc công nhận đền Đệ Nhất là Di tích Lịch sử không những là niềm tự hào của nhân dân địa phương mà còn nhắc nhở ý thức bảo tồn phát huy những di sản của cha ông và giá trị văn hóa của dân tộc đề giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Mạnh Hà

Sở VH-TT&DL

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đền Đệ Nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO