Đến nước phải... cất

30/10/2014 11:28

(Baonghean) - Sự cố bơm nhầm nước cất vào người 60 cháu tại một trường mầm non vừa qua đã lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới hiện nay. Người ta hoảng hốt khi nghe chữ “tiêm nhầm” bao nhiêu thì lại thở phào khi nghe chữ “nước cất” bấy nhiêu. Đúng là còn may phúc lắm!

Có lẽ, dư luận đã “quen hơi bén tiếng” những vụ việc kiểu như thế này trong suốt hơn một năm qua, thành thử sự ầm ĩ cũng chóng vãn hồi. Nhưng, quả thật sẽ là rất nguy hiểm nếu chúng ta lại bỏ qua nó dẫn đến bỏ quên nó. Đây là một bài học nhất thiết phải nhớ. Nhớ không phải để ai đó thỏa mãn sự bực bội bằng những chỉ trích, mà quan trọng và mấu chốt là nhớ để không bao giờ lặp lại sai phạm suýt “chết người” ấy thêm một lần nào nữa. Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ, cả gia đình của chúng nữa, nhưng cũng không thể không tội nghiệp cho cô nhân viên y tế đen đủi kia. Hình như người ta đang coi sự tắc trách của cô nhân viên y tế ấy như một tội đồ, tất nhiên là không quá sai. Nhưng, nếu có thể bình tĩnh lại, chúng ta hãy thử hỏi xem cô ấy đã phạm lỗi gì? Cô ấy là nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ. Cô ấy cũng đã được tập huấn tiêm chủng và có chứng chỉ. Cái bữa “xấu trời” ấy cô được phân công cái công việc cụ thể là tiêm chủng tại trường mầm non Sao Mai, chứ đâu dám tự ý. Cô ấy đến đúng giờ và làm việc cần mẫn cùng với sự yêu thương dành cho những đứa trẻ đấy chứ. Chúng ta cũng tin rằng, cô ấy nào đâu có thích thú gì cái chuyện nhầm lẫn để rồi bị kỷ luật, thậm chí còn “bỗng dưng nổi tiếng” cả nước như thế! Cái người mà có lẽ đang chịu hình phạt bằng sức ép khủng khiếp từ dư luận ấy chỉ có duy nhất một cái lỗi, nói chính xác hơn là cái tội – tội yếu chuyên môn. Đúng là qúa kém! Chưa nói đến kỹ năng đọc và nhận diện tên thuốc, với một người có thị lực bình thường quan sát cái vỏ bên ngoài mà không phân biệt được sự khác nhau một trời một vực giữa lọ vắc xin với ống nước cất ấy thì không kém chuyên môn thì là kém cái gì nữa. Vả lại, sau vụ việc, đại diện ngành Y tế cũng đã sơ bộ xác minh, đồng thời trả lời trước công luận là “do chuyên môn nhân viên y tế của chúng tôi yếu” rồi đấy thôi! Vâng, chắn chắn là chuyên môn của cô nhân viên trẻ nọ có vấn đề, không ai lại đi nghi ngờ điều ấy, mà có lẽ đấy là lời phân trần không thể bắt bẻ. Tuy nhiên, ngay lúc ấy và cả sau đó nữa, người ta lo lắng đặt ra câu hỏi là tại sao yếu mà vẫn “lọt” vào đến tận cái nơi không được phép sai sót, yếu mà còn được giao cái nhiệm vụ đụng chạm đến mạng sống cả hàng trăm con người thế kia? Yếu mà được cấp chứng chỉ? Lỗi này thuộc về ai? Trong trường hợp không nhận ra cô ấy yếu, hoặc là biết tỏng cô ấy yếu mà vẫn “dùng” thì lỗi có hoàn toàn thuộc về cô ấy không? Nói trộm vía, còn may cho cô ấy đã thoát khỏi một cái án khủng khiếp, một tai họa xã hội thực sự, bởi 10 cái lọ bị lấy nhầm kia là nước cất, loại chất lỏng được coi như tinh khiết số một. Kẻ đa nghi nhất cũng tin rằng sự việc tiêm nhầm nước cất là do sơ suất cá nhân. Nhưng, chẳng nhẽ việc cô ấy được chỉ định thi hành cái việc cùng ngành Y tế “hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng” kia cũng lại là một sự sơ ý… tập thể? Có bao nhiêu cô nhân viên như thế còn tồn tại dưới dạng tiềm năng? Hay nói cách khác, còn bao nhiêu nhân viên y tế yếu kém về chuyên môn nhưng chưa bị... “lộ”?

Chỉ cách đây mấy tuần, người ta còn sôi lên chuyện “đưa điểm văn xét chuẩn đầu vào trường y”. Mà cái lý lẽ của ngành nghe cũng “kỳ khôi” ghê: Bởi vì lâu nay nhiều cán bộ y tế nói năng diễn đạt kém, rồi còn cả viết sai chính tả nữa. Nhân đây, cũng xin thưa rằng, học văn không phải để nói cho hay hoặc là để viết chính tả cho đúng. Thứ nữa, cứ phải học để nói hay và chính tả tốt thì nhiều ngành phải còn lấy điểm môn văn xét đầu vào lắm. Đào tạo ra thầy thuốc “văn hay, chữ tốt” thì còn gì bằng, nhưng để có được thì khó lắm, hiếm lắm! Xã hội đã có sự phân công rồi, cha ông cũng từng căn dặn “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” rồi. Thôi thì cứ chuyên môn cho giỏi, y đức cho sáng rồi phấn đấu thành “thầy thuốc ưu tú” cũng được chứ sao.

Trở lại với câu chuyện nước cất, mặc dù sự việc này chưa mang lại một hậu quả nghiêm trọng, nhưng tự nó đã vén ra những khoảng trống quản lý rất đáng lo ngại. Nó cũng làm nhô lên những thực trạng trần trụi cần được mổ xẻ để giải quyết một cách nghiêm túc, triệt để và khẩn trương - chất lượng đội ngũ! “Sợi dây kinh nghiệm” không thể dài vô tận để chúng ta cứ rút suông năm này qua năm khác. Khoa học là khoa học, nó đòi hỏi sự chính xác mọi chi tiết, từng hành vi của mỗi con người. Có những lĩnh vực không được phép sai sót. Thiết nghĩ, cần lắm, cần ngay một cuộc tổng thanh lọc. Kế đó là một kế hoạch đào tạo lại nghiêm túc. Qua thanh lọc rồi, đào tạo quy củ bài bản rồi, lúc ấy nếu vẫn còn những người không phân biệt nổi vắc xin với nước cất thì… cũng đến “nước” phải “cất” thôi!

Nguyễn Khắc An

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đến nước phải... cất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO