Đền Rậm và lễ hội cầu ngư

17/10/2014 10:32

(Baonghean) - Từ Bến Thuỷ (TP. Vinh) theo nhịp mái chèo ngược dòng sông Lam vài cây số, qua các thôn mạc trù phú ven sông, là sẽ đến một khu đền ẩn mình dưới bóng cây xanh, đó là đền Rậm, di tích kiến trúc nổi tiếng, gắn liền với lễ hội dân gian đặc sắc của nhân dân xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên. Đền Rậm toạ lạc trên nền đất cao, rộng đến 10.000m2 được bao quanh bởi những cây cổ thụ, tạo cho không gian kiến trúc vừa sinh động, vừa cổ kính thâm nghiêm.

Di tích đền Rậm
Di tích đền Rậm

Đền Rậm có 2 ngôi. Đền trong được xây theo kiểu chữ Tam gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Thờ Dương cảnh Thành hoàng Thượng đẳng đại vương Lê Lư (con trai của Lê Lai) người đã hy sinh mình để cứu Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đền ngoài xây theo kiểu chữ Nhị, thờ Nguyễn Quang Hợp người bản thôn. Cổng đền 2 phía được tạo bởi hai cột nanh, mỗi cột có chiều cao 5m, rộng 0,60m bao gồm nhiều bộ phận cấu thành như chân bệ, thân trụ, đấu vương… nối liền nhau theo chiều thẳng đứng.

Các toà đền, được chạm trổ công phu với nhiều chi tiết tỉ mỉ, nhiều đề tài phong phú gắn liền với sinh hoạt dân gian của một làng quê sông nước như cá vượt vũ môn, cá chép hoá rồng, lưỡng long chầu nguyệt, mai hoá long ly, ông nghè vinh quy bái tổ, cảnh cày cấy làm ruộng, cảnh đơm cá vớt rươi trên sông Lam, nghề chài lưới… Tất cả các bức chạm đều là những bức tranh nghệ thuật tuyệt vời; những điển tích đã được các nghệ nhân chạm khắc trên gỗ với những đường nét lưu loát, tinh xảo sinh động cảnh sinh hoạt làng quê sông nước, trong đó tiêu biểu là cảnh lễ hội cầu ngư.

Theo các cụ cho biết, làng Do Nha (xã Hưng Nhân) xưa kia vốn là một làng chài lưới trên sông Lam (gọi là làng nổi), thường ngày đi đánh cá xuôi ngược theo dòng sông. 3 năm một lần vào đầu tháng Giêng, dân làng mở hội cầu ngư mong sao mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng, bắt được nhiều cá tôm. Lễ hội cầu ngư có 2 đám rước: Đám rước thứ nhất từ ngôi đền Rậm trong và đám rước thứ hai từ ngôi đền Rậm ngoài. Cả 2 đám rước xuất phát cùng một thời điểm, lần lượt về tập trung tại đình làng Do Nha. Kiệu đặt trên đòn rồng sơn son thiếp vàng và được trang trí bằng các loại vải màu lộng lẫy. Mỗi kiệu đều có lọng vàng che rất uy nghi, trang trọng. Kiệu bát cống tam bành có 8 người khiêng, kiệu Long đình có 4 người khiêng. Phu khiêng kiệu phải là trai làng khoẻ mạnh, không có tang chế, mặc quần áo màu, thắt chẽn lưng đầu đội khăn mỏ quạ, chân đi giày màu trắng. Đi sau kiệu là đoàn quân cầm các loại vũ khí làm bằng gỗ được sơn son thiếp vàng. Tiếp theo là đoàn nhạc dân tộc, vừa đi vừa tấu lên những bản nhạc dân gian du dương trầm bổng. Kế đó là đoàn chiêng trống điểm nhịp cho đoàn rước. Cuối cùng là nhân dân đủ mọi lứa tuổi, từ các vị tiên chỉ kỳ lão, đến các vị nam thanh nữ tú, thanh, thiếu niên, nhi đồng. Khi đoàn rước về tới đình đều được nghênh tiếp bằng một tràng pháo nổ giòn giã, hoà với tiếng chiêng trống rền vang, khiến không khí những ngày đầu xuân thêm phấn chấn và náo nức lòng người.

Trước khi tế thần, làng tổ chức một chiếc thuyền ra chính giữa dòng sông Lam để bái yết thuỷ thần. Thuyền được vệ sinh sạch sẽ, trên thuyền có hương án 3 cấp, có mâm chè, lễ vật là các thứ hoa quả, hương vàng, cắm một cây cờ thần chủ đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, có lọng vàng che. Thầy đọc văn cúng mặc áo dài thụng, quần trắng trên đầu có chít khăn.

Khi chiếc thuyền bái yết thuỷ thần xong, chèo về tới đình, tế lễ thần bắt đầu. Mâm cúng ở hướng Đông, thầy cúng ngồi hướng Tây, các đồ lễ vật đèn hương, trầu rượu. Các quan viên trong làng theo thứ tự chức sắc, phẩm hàm từ cao đến thấp, áo mũ chỉnh tề đứng xếp hàng. Sau 3 hồi chiêng trống, đoàn nhạc công tấu màn khai hội. Lễ tế thần diễn ra trong không khí trang nghiêm, kính cẩn. Sau các nghi lễ thông thường đến đọc văn tế Thần ngư. Sau là lễ hạ nốc (thuyền): Các trai tráng ngư dân tập trung hai bên mạn thuyền vừa đẩy thuyền xuống sông vừa hát:

‘’Thuyền này lái thấp mũi cao

Đi ra lắm cá, đi vào bình yên

Thuyền về có cá đầy khoang

Đánh vùng thượng cũng được

Đánh vùng hạ cũng nhiều

Hữu duyên chuyển đổi cầu yên

Mong sao Hà bá tỏ lòng chở che…’’

Sau khi tổ chức lễ cầu ngư xong, cuộc đua thuyền trên sông và chơi chèo cạn trước sân đình làng cũng bắt đầu. Trên sông có bao nhiêu thuyền dự thi, tại sân đình có bấy nhiêu đội vào cuộc chèo cạn. Thường là 8 đội tuyển của 8 cụm đáy. Mỗi đội có một thuyền bơi và một tốp bơi cạn. Tốp bơi cạn gồm 10 nam, 10 nữ, thanh tú chưa vợ, chưa chồng. Đình làng sôi động tiếng reo hò, dưới bến trên sông cờ bay phấp phới, mặt người ai nấy đều rạng rỡ như hoa. Trên đường đua mõ thúc, cờ phất, lái dẫn thuyền lướt. Hai bên bờ sông dân làng đứng xem cổ vũ cờ quạt, ô lọng tiếng hô vang dậy cả khúc sông.

Kết thúc cuộc thi đua thuyền và chèo cạn, chia nhau hát đối đáp trong tiếng nhạc thâu đêm.

“Tới đây hỏi thật cô nàng,

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

Đáp và hỏi, hỏi và đáp, cứ vậy tình người quyện vào nhau, không muốn dứt...

Trần Hữu Đức

(TP. Vinh)

Mới nhất
x
Đền Rậm và lễ hội cầu ngư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO