Đền thờ và lăng mộ Hồ Đình Trung

28/07/2014 16:05

(Baonghean) - Đền thờ và Lăng mộ Thái bảo Hồ Đình Trung toạ lạc dưới chân núi Động Ao, xã Mã Thành, huyện Yên Thành. Trước mặt đền là cánh đồng Cuồi bằng phẳng thoáng đãng, tươi tốt. Đập Bàu Canh quanh năm nước trong xanh lấy làm minh đường. Sau lưng di tích phía Tây dựa vào núi Đồng Mòng nơi che chắn những cơn gió độc, hai bên đền và lăng mộ là những hàng cây bạch đàn toả bóng xuống khuôn viên di tích tạo nên vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm. Xa về phía Bắc là núi hòn Chùa, phía Nam là núi hòn Mồng trông như hai tay ngai che chắn cho ngôi đền và khu mộ.

Mộ cụ Hồ Đình Trung.
Mộ cụ Hồ Đình Trung.

Hồ Đình Trung sinh vào khoảng đầu thế kỷ XV tại làng Kẻ Cuồi (nay thuộc làng Tam Thọ, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành), là hậu duệ đời thứ 4 của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc. Hồ Đình Trung đã từng giữ chức Khâm sai Tiết chế xứ Nghệ An vào đầu Triều Lê; giữ chức Bắc quân Đô đốc phủ. Hiện nay tại di tích lưu giữ một số văn bản quan trọng ghi nhận và khẳng định công lao của ông đối với quốc gia Đại Việt trong thế kỷ XV, đặc biệt là vai trò của ông trong việc phòng giữ biên cương phía Bắc và giữ gìn an ninh trật tự ở miền đất phên giậu Nghệ An trong những thập niên đầu thế kỷ XV. Đó là 5 đạo sắc phong của các triều đại quân chủ Lê - Nguyễn ban tặng cho ông, trong đó đạo sắc có niên đại sớm nhất đề năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753) và đạo sắc có niên đại muộn nhất là năm Thành Thái thứ 13 (1901). Qua nội dung các sắc phong cho thấy, dưới triều Lê, ông từng giữ những cương vị trọng yếu của đất nước. Chính vì vậy, sau khi mất, Hồ Đình Trung được triều Lê phong tặng chức Thái bảo (thuộc hàng Tam công) và tước Mỹ quận công.

Theo đạo sắc niên đại Cảnh Hưng 14 (1753), Hồ Đình Trung được vinh phong mỹ tự là Tán trị, Đồng đức, Dực vận, Dương vũ (4 chữ). Đây là những mỹ tự chỉ dành riêng vinh phong cho các công thần theo quy định về quan chế ban hành ngày 26 tháng 9 năm Tân Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471).

Hồ Đình Trung đã từng giữ chức Khâm sai Tiết chế xứ Nghệ An vào đầu triều Lê, thay mặt triều đình kiểm tra giám sát toàn bộ công việc (quân, dân, chính) ở Nghệ An. Đầu thế kỷ XV, Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay) vẫn được coi là miền đất phên giậu phía Nam và thường xuyên phải phòng ngừa quân Chiêm Thành thường ra lấn cướp châu Bố Chính, tràn ra Nghệ An cướp phá. Năm 1434, chúa Chiêm Thành là Bố Đề nhân thấy Lê Thái Tổ mất, cho là nước ta có biến bèn đem quân ra vùng Cửa Việt, bắt người cướp của. Vua Lê Thái Tông sai Nhập nội tư mã Lê Liệt tổng đốc các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đem quân đi tuần sát ngoài biên.

Liên tục trong các năm 1444, 1445, 1446 quân Chiêm Thành lại ra cướp thành Hóa Châu, Lê Nhân Tông sai Lê Bôi và Lê Khả đem quân đi đánh, cho người vận lương đến chứa tại huyện Hà Hoa. Tháng 5 năm 1446, quân nhà Lê tiến vào thành Chà Bàn bắt được vua Chiêm là Bí Cai, từ bấy giờ trở đi, quân Chiêm mới chịu thần phục.

Tuy nhiên, đến đời vua Lê Thánh Tông, chúa Chiêm Thành là Trà Toàn lại đem quân ra cướp Hóa Châu. Cuối năm 1470, vua Lê Thánh Tông chỉ huy đại binh đánh Chiêm Thành, tiến vào thành Chà Bàn bắt được Trà Toàn. Năm 1471, Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành đặt làm trấn Quảng Nam. Từ bấy giờ, biên giới phía Nam được đẩy sâu vào đến Thăng Hoa - Tư Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay), miền đất Nghệ An mới thoát khỏi cảnh thường xuyên bị người Chiêm cướp phá. Với cương vị là Khâm sai Tiết chế xứ Nghệ, Hồ Đình Trung đã cùng quan chức bộ máy chính quyền Nghệ An chỉ huy quân, dân giữ vững miền đất phên giậu, tạo nền tảng cơ sở vật chất cho công cuộc Nam tiến quy mô lớn: ngày 6/11/1470, Vua Lê thân chinh triệu tập 26 vạn tinh binh tiến về phía Nam chinh phạt Chiêm Thành; Hồ Đình Trung được vua Lê ban cho một con chiến mã và chỉ huy một đạo quân tiên phong đánh vào sào huyệt của địch. Ông đã cưỡi con bạch mã chỉ huy Đại quân quét sạch giặc Chiêm Thành...

Ông Hồ Khai - người con họ Hồ giới thiệu dấu tích xưa.
Ông Hồ Khai - người con họ Hồ giới thiệu dấu tích xưa.

Ngày nay, nhân dân trong vùng nhớ đến ông thường kể về câu chuyện truyền thuyết: Trong lúc Hồ Đình Trung xông pha trận mạc truy đuổi tàn quân Chiêm ra khỏi bờ cõi nước Đại Việt thì bị tàn quân mai phục đánh lén từ phía sau. Nên ông bị trọng thương ở vùng cổ, lúc này con chiến mã thấy thân chủ của mình bị thương liền hí lên một hồi làm vang cả đất trời, làm cho quân thù khiếp sợ và tan rã. Sau đó ngựa quay đầu lại đưa ông về quê để dưỡng thương, khi đến vùng đất Hoan Châu (nay là xã Diễn Bình - Diễn Châu - Nghệ An) ngựa dừng chân bên một quán nước của bà cụ ven đường.

Hồ Đình Trung liền hỏi bà cụ bán nước rằng: "Xưa nay bà có thấy ai bị trọng thương đầu gần lìa khỏi cổ mà còn sống được không. Bà cụ đáp lại: "Nếu bị thương đầu sắp lìa khỏi cổ thì không thể sống được. Chiến Mã nghe vậy liền tiếp tục cõng ông trên lưng phi thẳng về quê hương. Đi được một quãng đường thì phần thân của ngài rơi xuống khỏi yên ngựa tạo thành một ngọn núi có hình dáng cơ thể người (gọi là Lèn hai vai ngày nay). Tuy vậy ngựa vẫn tiếp tục chạy về quê hương đến vùng Mã Thành (ngày nay) thì yên ngựa rơi xuống, sau đó mọc lên một dãy núi có hình yên ngựa (gọi là núi Yên Mã ngay nay), sau đó phần thủ cấp được ngựa đưa về núi Động Ao, được nhân dân trong vùng mai táng trên ngọn núi này. Ngựa bạch do quá thương nhớ thân chủ của mình suốt ngày quanh quẩn bên phần mộ của ngài, buồn rầu tiếc thương không chịu ăn uống gì rồi trút hơi thở cuối cùng ở dưới chân núi Động Ao. Nhân dân vì cảm phục sự khôn ngoan và trung thành của chiến mã nên đã mai táng ngựa bạch ở chân núi phía trước đền thờ cụ để ngày ngày quây quần bên thân chủ của mình. Ngày nay dưới chân núi Động Ao, trước đền thờ và lăng mộ của ngài vẫn còn lưu giữ ngôi mộ ngựa, trên mộ là pho tượng chiến mã màu trắng.

Do có công lao to lớn “Hộ quốc tỷ dân” nên được Nhà Vua Lê Thánh Tông và các triều đại phong kiến sau này giao cho làng Chân Canh, làng Thạch Rụ và làng Cuồi (Tam Thọ nay) thuộc Trang Mộng Sơn xưa phụng thờ ngài. Khi Trang Mộng Sơn chia cắt, mộ và đền ngài thuộc xóm Đồng Nhân, xã Mã Thành - huyện Yên Thành bây giờ.

Thu Hương - Trọng Cường

Mới nhất
x
Đền thờ và lăng mộ Hồ Đình Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO