Đến với bà con tái định cư
Hôm 10/11, đúng cái ngày cách đây 51 năm Báo Nghệ An ra số báo đầu tiên, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An, các tác giả vào vòng chung khảo cuộc thi “Khoảnh khắc vàng” và Công ty CP Intimex chi nhánh Nghệ An đã có chuyến hành trình đến với bà con tái định cư 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương). Với những món quà đầy ý nghĩa, tình cảm chân thành, đoàn đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ, bà con vùng tái định cư.
(Baonghean) - Hôm 10/11, đúng cái ngày cách đây 51 năm Báo Nghệ An ra số báo đầu tiên, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An, các tác giả vào vòng chung khảo cuộc thi “Khoảnh khắc vàng” và Công ty CP Intimex chi nhánh Nghệ An đã có chuyến hành trình đến với bà con tái định cư 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương). Với những món quà đầy ý nghĩa, tình cảm chân thành, đoàn đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ, bà con vùng tái định cư.
7h sáng xe bắt đầu chuyển bánh rời Toà soạn, đến trụ sở xã Ngọc Lâm đoàn chia thành 2 nhóm: nhóm 1 trao quà và tác nghiệp tại xã Ngọc Lâm và nhóm 2 cũng bao gồm các hoạt động này tại xã Thanh Sơn. Ngoại trừ trong số thành viên đoàn là cán bộ, phóng viên thì anh chị em bộ phận phục vụ và các anh, các bác trong CLB ảnh Thời sự - Nghệ thuật Nghệ An chưa một lần đến vùng này nên rất hồ hởi, háo hức.
Sân trụ sở, cán bộ xã và 30 hộ đặc biệt khó khăn từ 14 bản trong xã đã có mặt đông đủ. 6 năm về nơi ở mới, cuộc sống của bà con vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Bác Lô Văn Luyện, bản Mà bị dị tật từ nhỏ, cầm trên tay món quà mà Báo Nghệ An và nhà tài trợ trao, xúc động: “Ta cảm ơn nhà báo, các doanh nghiệp, dù khó khăn đến mấy gia đình ta cũng phải ở lại bởi đây là quê hương của ta mà…”. Đến từ bản Kim Hồng, bà Vi Thị Nguyên xúc động tâm sự: “Gia đình ta về đây là chỉ ở đây thôi. Ta không theo một số ít gia đình khác bán nhà, bán đất đi đâu. Ở đây gia đình ta thiếu đói còn có các đơn vị giúp đỡ, con cháu chúng ta được học hành, chữa bệnh…”. Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty Intimex, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Intimex tâm sự: “Bà con đã hy sinh vì dòng điện cho Tổ quốc thì việc đảm bảo cuộc sống của bà con là trách nhiệm của tất cả mọi người. Trong những năm qua, nhà máy đã đồng hành cùng bà con phát triển diện tích cây sắn. Diện tích trồng sắn theo thống kê 2 xã xấp xỉ 1.000 ha, trong đó có trên 500 ha sắn bà con đã được nhà máy đầu tư cho vay phân bón 12 tháng không tính lãi suất. Chương trình khuyến nông đối với cây sắn cũng được nhà máy ưu tiên với việc đang triển khai xây dựng mô hình sắn cao sản giống Thanh Chương 1 trên diện tích 2,6 ha với 25 hộ của bản Nhãn Ninh tham gia. Mô hình được nhà máy đầu tư hoàn toàn, năng suất dự kiến trên 60 tấn/ha”.
Tặng quà cho bà con tái định cư xã Ngọc Lâm
10 giờ sáng cùng ngày, nhóm công tác số 2 của Báo Nghệ An và các nghệ sỹ nhiếp ảnh tham gia cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” cùng đại diện doanh nghiệp tài trợ đã về xã Thanh Sơn, Khu Tái định cư huyện Thanh Chương. Tại hội trường của xã lúc này đã có khá đông người dân và các học sinh Trường THCS Kim Lâm; ai cũng bày tỏ sự vui tươi, phấn khởi trước những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa thiết thực, thấm đượm nghĩa tình của đoàn công tác Báo Nghệ An và Công ty CP Intimex chi nhánh Nghệ An.
Nhà máy tinh bột sắn Intimex thu mua sắn nguyên liệu của bà con vùng tái định cư. Ảnh: Xuân nhường
Bà Vi Thị Liên, 65 tuổi, nhà ở bản Kim Chương vui mừng, cảm ơn sự quan tâm của Báo và nhà tài trợ. Bà Liên cho hay: Thời tiết ở vùng núi Thanh Sơn này cũng khắc nghiệt lắm, ngày thì rất nóng, đêm lại lạnh. Nhà có 2 cái quạt điện – một cái thì cháy rồi, một cái thì cháu nghịch làm gãy mất cánh. Nay được tặng quạt mới thì quý hóa lắm… Em Lô Thị Nhi, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Kim Lâm rất vui khi được đại diện cho các bạn trong trường đến nhận các tập vở, bút mực. Nhi cho biết: Nhà em và hầu hết các bạn cùng trường đều rất nghèo, cái ăn cái mặc còn chưa đầy đủ nên việc học cũng khó theo. Nhưng nhờ sự quan tâm, dạy bảo của cô thầy và mọi người chúng em đều hiểu, để được sung sướng, góp phần xây dựng quê hương phát triển, không có con đường nào khác là học tập tốt…
Xã Thanh Sơn có 16 bản với 1.139 hộ dân, 4.891 nhân khẩu, người dân 3 dân tộc sống xen kẽ lẫn nhau. Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên cuộc sống bà con di cư từ lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ về đây cơ bản đã ổn định nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm rất cao (86% - 912 hộ). Bữa ăn trưa với xôi và bánh mì, cùng chương trình giao lưu văn nghệ ca hát giữa bà con dân bản và đoàn công tác kết thúc nhanh. 13 giờ - giữa trưa chang chang nắng, các phóng viên Báo Nghệ An và các Nghệ sỹ nhiếp ảnh của tỉnh chia nhau đi về với các bản để tìm hiểu, phản ánh chân thực cuộc sống của người dân nơi đây… Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tố và phóng viên thử việc Võ Nguyên Long – những người mới lần đầu tiên đến Thanh Sơn tìm đến bản Kim Chương – bản cao nhất của Thanh Sơn với mong muốn có cái nhìn đa chiều về cuộc sống nơi đây; Phóng viên Thanh Phúc tìm đến trường trung học cơ sở mong muốn phản ánh sự học của các em, công tác giảng dạy của nhà trường của cô thầy; Phóng viên Thanh Thủy theo chân chị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đến nhà các hội viên làm kinh tế giỏi; Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trường Sinh đến bản Xốp Lằm nơi có những rừng keo lá tràm bắt đầu lên xanh...
Vườn ươm keo lai ở xã Thanh Sơn.
Ảnh: Trường Sinh
Hơn 3 giờ tác nghiệp ngắn ngủi nhưng đã đi và đã thấy: Một Thanh Sơn với những đồi sắn đến kỳ thu hoạch nhộn nhịp xe vào ra; với hệ thống đường nước đã hư hại gần hết, giếng bể cũng cạn khô; Nhiều nhà không đủ đất để sản xuất, vợ chồng ngồi tựa cửa nhìn ra; Có những ngôi nhà khóa cửa im lìm, hỏi ra mới biết gia đình đã bỏ về quê cũ; Nhưng cũng thấy những hộ khá hộ giàu nhờ nhanh chóng nắm bắt, chuyển đổi canh tác… Muôn mặt cuộc sống, mỗi người trong đoàn công tác đã nhận lấy về mình một vẻ: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tố vẫn hơi buồn vì chưa có được một tấm ảnh ưng ý, hình như ông vẫn mong tìm được một nét tươi vui ngày hội bản bên ché rượu cần xưa; Phóng viên thử việc Nguyên Long thì vui vì có một trải nghiệm tốt – hiểu hơn, gắn bó hơn với đồng bào mình, quê hương mình trên những bước đường đầu tiên tác nghiệp.
Phóng viên Báo Nghệ An tìm hiểu cuộc sống của bà con. Ảnh: Xuân Nhường
Chia tay Thanh Sơn, Ngọc Lâm, chia tay với tất cả bà con tái định cư khi bóng chiều đổ về trên những ngọn núi, ngọn đồi bắt đầu lên xanh màu tràm, màu sắn, trong chúng tôi, ai cũng như tự hứa với mình – bằng những bài viết, những tấm ảnh sinh động sẽ nói lên được những khó khăn, những trăn trở, thiếu thốn và sự nỗ lực của bà con để có nhiều người, nhiều ngành, nhiều nhà hảo tâm bằng tấm lòng, sự đồng cảm, bằng những hành động cụ thể để làm một điều gì tốt đẹp chia sẻ, đồng hành để làm vơi bớt khó khăn cho vùng đất này, cho bà con nơi đây.
Nghĩa Chung