Mía năng suất 150 tấn ở Tường Sơn,

Đến với 'thôn trăm triệu' ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Về các xã Tường Sơn, Cẩm Sơn (Anh Sơn) bây giờ, câu chuyện bà con phấn khởi chuyện trò là năng suất mía đạt 150-160 tấn/ha, bí xanh  mỗi nhà thu 300-400 triệu đồng trên những cánh đồng chuyên canh sau thực hiện chuyển đổi ruộng đất. 

Tường Sơn là xã còn nhiều khó khăn của huyện Anh Sơn, tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã có những bước đột phá. Cùng các cán bộ nông nghiệp xã, chúng tôi về cánh đồng Bãi Trang ở xóm 6, xã Tường Sơn, nơi bà con vừa thu hoạch mía xong. Cánh đồng này vừa được tích tụ ruộng đất xong, thực hiện chuyển đổi ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn và trồng mía, trồng ngô, cỏ voi theo nhu cầu đăng ký của nhân dân.

Mía năng suất từ 110-150 tấn/ha ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) sau khi tích tụ ruộng đất. Ảnh: Trân Châu

Mía năng suất từ 110-150 tấn/ha ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) sau khi tích tụ ruộng đất. Ảnh: Trân Châu

Cây mía năm qua bà con thu hoạch đạt năng suất bình quân 110 tấn/ha, cá biệt có hộ năng suất đạt 150-160 tấn/ha, điều chưa từng có ở Nghệ An.

Anh Nguyễn Quang Phương - Thôn trưởng thôn 6 cũng là hộ trồng mía ở đây cho biết: Ngoài một số hộ năng suất mía rất cao như hộ ông Thái Bá Sỹ được 155 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi 110 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Văn Tịnh trồng 0,5 ha, thu được 61 tấn, lãi 40 triệu đồng, thì gia đình tôi (anh Phương -PV) trồng 0,5 ha, sau khi trừ chi phí giống, làm đất, phân bón thu về hơn 50 tấn mía, lãi hơn 20 triệu đồng.

Mía vụ thứ hai ở cánh đồng Làng Trang, xã Tường Sơn (Anh Sơn), nơi đã thực hiện tích tụ ruộng đất. Ảnh: Trân Châu

Mía vụ thứ hai ở cánh đồng Làng Trang, xã Tường Sơn (Anh Sơn), nơi đã thực hiện tích tụ ruộng đất. Ảnh: Trân Châu

Chị Nguyệt - cán bộ nông nghiệp xã đi cùng phấn khởi: Thu hoạch mía xong ai cũng ngỡ ngàng về năng suất mía bãi, trước đây mía được trồng trên đồi, hóc chọ, mỗi nhà một vài sào, năng suất chỉ 65-60 tấn/ha, nay thực hiện chuyển đổi ruộng đất, mía đạt trên 100 tấn/ha. Những hộ có nhu cầu trồng mía quy hoạch đất đưa về một nơi, những hộ trồng cỏ voi quy hoạch đất về một nơi, ngô cũng vậy, năng suất, sản lượng cao hơn hẳn.

Anh Nguyễn Quang Phương - Thôn trưởng thôn 6 giải thích: Không chỉ năng suất cao hơn mà đầu tư chăm bón, làm đất, đưa máy vào dễ hơn. Cả cánh đồng mía 13,5 ha này máy làm đất rất thuận lợi, bà con sau khi đấu thầu nhận được đất cũng phấn khởi và đầu tư tốt hơn nên năng suất vượt trội.

Những cánh đồng sau chuyển đổi, tích tụ ruộng đất ở xã Tường Sơn (Ạnh Sơn). Ảnh: Trân Châu

Những cánh đồng sau chuyển đổi, tích tụ ruộng đất ở xã Tường Sơn (Ạnh Sơn). Ảnh: Trân Châu

Cánh đồng Làng Trang, xã Tường Sơn sau chuyển đổi ruộng đất có 27 mẫu đất, với 26 hộ tham gia trồng mía, mới chỉ vụ mía đầu tiên bà con đã có lãi cao từ 20 - 100 triệu đồng, vụ thứ hai, thứ ba trở đi chi phí chăm sóc ít hơn, công cày đất ít hơn thu lãi sẽ lớn gấp hai, gấp ba vụ đầu.Anh Nguyễn Quang Phương - Thôn trưởng thôn 6, xã Tường Sơn

Trải lòng về những khó khăn ban đầu của việc tích tụ ruộng đất, anh Phương cho hay: Đất đai bây giờ quý như vàng, đất 64 (đất được giao sử dụng sản xuất nông nghiệp lâu dài) rất ít, nông dân huyện Anh Sơn ai cũng quý đất và mong muốn có thêm đất để trồng cây, nhất là cây công nghiệp. Sau nhiều lần họp, vận động, giải thích, bà con đã thống nhất thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất của xã đưa đất về từng vùng theo từng cây, thôn 6, xã Tường Sơn làm điểm.

Kết quả đất 5% đã dồn về một nơi, được 27 mẫu, có 26 hộ đăng ký trồng mía, với giống mía LK9211, cho năng suất rất cao, nhà máy thu mua sản phẩm. Còn các hộ trồng cỏ voi thì mỗi hộ nhận 3 sào, còn đất ngô vẫn trồng ngô bình thường. Cái lợi của tích tụ ruộng đất là ai có điều kiện sản xuất, muốn đầu tư lớn, thì nhận đất, đấu thầu đất để phát triển kinh tế tốt hơn. Ở Làng Trang, đường ngoài đồng trước rộng 5m, nay xã quy hoạch rộng 8m, xe chở mía đi lại rất thuận lợi.

Thực hiện Quyết định số 2023/QĐ -UBND ngày 13/5/2021 của UBND huyện Anh Sơn về phê duyệt Đề án "Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất" giai đoạn 2021-2025, cấp ủy, chính quyền xã Tường Sơn đã bám các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa vào công tác, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đẩy mạnh chỉ đạo, quyết liệt thực hiện. Xã đã ban hành nhiều văn bản, thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện công tác này, tổ chức nhiều hội nghị mở rộng, lấy ý kiến nhân dân, tổ chức họp chi bộ các thôn bàn cách thức thực hiện.

Qua tổng hợp, xã Tường Sơn đã thực hiện 6 cuộc họp tại xã, 88 cuộc họp tại thôn, gồm họp chi bộ, họp thôn, họp Mặt trận, đoàn thể, nhiều cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện phụ trách xã dự để triển khai chủ trương dồn điền, đổi thửa. Đến nay, xã Tường Sơn đã dồn điền, đổi thửa được 157,3 ha, đạt 100% kế hoạch, giao đất 64 cho các hộ với diện tích 124 ha, quy hoạch lại vùng mía 13,5 ha, vùng thức ăn chăn nuôi 11,5 ha, quy hoạch lại giao thông, thủy lợi 8,2 ha.

Ông Nguyễn Tài Quý - Chủ tịch UBND xã Tường Sơn

Sau chuyển đổi ruộng đất, báo cáo của xã Tường Sơn cho thấy, số thửa đất 5% trồng màu, trồng cây công nghiệp trước chuyển đổi là 242 thửa, sau chuyển đổi còn 99 thửa. Đất 64 trước chuyển đổi có 1.441 thửa, sau chuyển đổi còn 1.041 thửa. Công tác chuyển đổi thực hiện thành công ở đồng Bùi, đồng Mọ, Ao Các, Chu Đồ, Thiên Bích...

Về thôn "trăm triệu" ở xã Cẩm Sơn

Về xã Cẩm Sơn, cũng rôm rả câu chuyện chuyển đổi ruộng đất, nhưng bà con phấn khởi khi thu hoạch bí xanh, bù đỏ, dưa chuột vụ đông xuân vừa qua lãi cao, có nhà đạt 300 triệu đồng. Vùng đất này cũng là vùng mới thực hiện tích tụ ruộng đất xong. Người dân nói vui với nhau đây là "thôn trăm triệu".

Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra công tác dồn điền, đổi thửa ở Anh Sơn. Ảnh: P.V

Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra công tác dồn điền, đổi thửa ở Anh Sơn. Ảnh: P.V

Thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn cũng là điển hình về chuyển đổi ruộng đất ở huyện Anh Sơn. Anh Hoàng Mạnh Hà - Thôn trưởng thôn Hội Lâm cho hay: Thực hiện chuyển đổi ruộng đất ở thôn đạt 30 ha, trong đó, đất 5% đạt 10 ha, công tác chuyển đổi xong từ năm 2011.

"Sau chuyển đổi, thôn có 15 ha trồng bí xanh, giá bí có khi đạt 20 triệu đồng/tấn, thấp nhất là 10 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu đạt 15-20 triệu đồng/sào, lãi ròng 10 triệu đồng/sào. Lúc đầu vận động nhân dân khá khó khăn, sau khi làm tốt công tác dân vận, khuyến khích, động viên, chỉ ra những lợi ích của việc sản xuất và bảo vệ đồng ruộng tốt hơn, từ đó, bà con nhất trí nhận 1 vùng nhất định để sản xuất" - Trưởng thôn Hoàng Mạnh Hà cho biết.

Thu hoạch bí và bầu vụ đông ở thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Trân Châu

Thu hoạch bí và bầu vụ đông ở thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Trân Châu

Ban đầu thấy trồng ngô chăn nuôi không hiệu quả, bà con nghiên cứu và tìm hiểu thị trường và tiến hành trồng bí xanh, dưa hấu. Sau khi dưa hấu khó bán, nhân dân ổn định với cây bí xanh, bầu đỏ và một vài sản phẩm khác cho đến nay. Hệ thống điện, nước bà con chung nhau kinh phí kéo ra đồng, trong làng vừa sản xuất, vừa làm thương lái thu mua bán cho các tỉnh phía Bắc và Hà Nội. Tính bình quân mỗi hộ ở thôn Hội Lâm có thu nhập hơn 100 triệu đồng trong vụ đông 2022-2023. Các vụ đông năm trước bà con cũng đạt thu nhập như vậy. Thôn được gọi là "thôn trăm triệu" cũng vì vậy.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn, ông Nguyễn Văn Đức cho biết: Việc chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2 trên địa bàn xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) đã thực hiện tốt theo tinh thần Chỉ thị 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An và Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Huyện ủy Anh Sơn. Kết quả có 724 hộ nhận chỉ 1 thửa, chiếm 81,5%, hộ nhận 2 thửa 164 hộ, chiếm 18,5%, hộ nhận 3 thửa không có. Nhiều thôn thực hiện rất tốt như thôn Cẩm Hoà 98 hộ nhận mỗi hộ 1 thửa, đạt 100%, thôn Hạ Du có 145 hộ thì 137 hộ nhận mỗi hộ 1 thửa, đạt tỷ lệ 94,5%, thôn Hội Lâm có 136 hộ, 100% số hộ chỉ nhận 1 thửa, đạt tỷ lệ 100%...

Với hiệu quả tích tụ ruộng đất lần 2, xã Cẩm Sơn đã chuyên sâu vào rau màu, trang trại, cây công nghiệp. Nhiều hộ như chị Bé Kiên, Vương Đình Trình ở thôn Hội Lâm trồng bí cho thu nhập 200-300 triệu đồng/vụ.

Sau khi vụ đông kết thúc, bà con lại trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Trên Quốc lộ 7 qua địa bàn, ngắm nhìn dòng Lam xanh trong chảy qua bồi đắp phù sa, bến bãi nơi đây trù phú ngút ngàn màu xanh của ngô, mía, bí xanh, dưa chuột.

Bí xanh cho lãi hơn 10 triệu đồng/sào ở thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Trân Châu

Bí xanh cho lãi hơn 10 triệu đồng/sào ở thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Trân Châu

Từ hiệu quả thấy rõ của các xã Tường Sơn, Cẩm Sơn (Anh Sơn) qua tích tụ ruộng đất đã khẳng định hiệu quả của chủ trương lớn về tích tụ ruộng đất ở Nghệ An, gắn với ô thửa lớn, cánh đồng liền vùng, liền thửa.

Nông dân xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) sản xuất bí xanh hiệu quả sau chuyển đổi ruộng đất. Ảnh: Trân Châu

Nông dân xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) sản xuất bí xanh hiệu quả sau chuyển đổi ruộng đất. Ảnh: Trân Châu

Đây là một chủ trương lớn, được thực hiện "điểm" tiến tới nhân ra diện rộng. Các thôn, xóm ở huyện Anh Sơn đã thực hiện quyết liệt chủ trương của cấp trên, tạo điều kiện cho quy hoạch đồng bãi, quy hoạch giao thông, thủy lợi hợp lý, bảo vệ đồng ruộng được tốt hơn, đặc biệt, khai thác hiệu quả giá trị của đất đai, tạo ra những cách làm mới, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm đó, cùng với tư duy sản xuất nông nghiệp có đầu tư, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, hướng đến việc sản xuất theo nhu cầu thị trường và được thực hiện đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã tạo ra hiệu quả ở cơ sở.

Những cánh đồng liền thửa ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Trân Châu

Những cánh đồng liền thửa ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Trân Châu

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.