Dệt may Việt Nam tham vọng tiến sâu vào thị trường châu Âu

17/09/2015 19:40

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam vừa tham gia hội chợ tại Pháp để tìm kiếm cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu.

Từ ngày 14 – 17/9, trong khuôn khổ chương trình “Xúc tiến thương mại quốc gia 2015”, Hiệp hội dệt may Việt Nam hỗ trợ hơn 10 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực may mặc Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội chợ Apparel Sourcing, hội chợ uy tín dành cho các doanh nghiệp và nhà cung cấp hàng may sẵn và lần thứ hai tham dự Hội chợ Texworld.

Với nhiều hoạt động từ trình diễn các bộ sưu tập, tổ chức hội thảo về triển vọng ngành dệt may Việt Nam cho tới trưng bày, giới thiệu sản phẩm và gặp gỡ giao lưu với các đối tác châu Âu và thế giới, sự có mặt của Việt Nam đã gây ấn tượng lớn đồng thời là sự chuẩn bị quan trọng cho một chiến lược dài hạn và phát triển mạnh mẽ hơn của ngành dệt may Việt Nam.

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo về triển vọng dệt may Việt Nam

Apparel Sourcing là hội chợ uy tín dành cho các doanh nghiệp và nhà cung cấp hàng may sẵn và Texworld là hội chợ lớn nhất thế giới chuyên về nguyên liệu phụ kiện may mặc thường được tổ chức song song hai lần trong năm vào tháng 2 và tháng 9 tại Paris – thủ đô thời trang của thế giới.

Tham dự hai sự kiện lớn này là các doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành dệt may Việt Nam như May 10, Hòa Thọ, Jeansresources, Thai Son, Babeeni ...

Trong khuôn khổ hội chợ, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với EVAlliance (liên minh EU – Việt Nam) và Hiệp hội dệt may Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo đánh giá về ngành dệt may Việt Nam cũng như cơ hội của ngành sau khi ký kết hiệp định FTA với EU.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch EVAlliance, ông JF.Limantour cho biết hiện nay, Việt Nam đang là nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ 6 tại châu Âu chiếm 3% thị phần. Mặc dù đây còn là con số tương đối khiêm tốn nhưng cần phải chú ý rằng chỉ cách đây 3 năm, Việt Nam vẫn đang xếp thứ 9 trong tổng số 10 nước xuất khẩu may mặc tại khu vực và chỉ chiếm 2,5% thị phần. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu tại châu Âu tăng nhanh và ổn định.

Ông JF.Limantour - Chủ tịch Liên minh EU – Việt Nam (EVAlliance).

Ông Limantour cũng phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam dựa trên những nghiên cứu và số liệu chi tiết.

“Doanh nghiệp Việt Nam khá vững chắc, tổ chức tốt và nhân lực tay nghề cao, chăm chỉ. Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành nhà cung cấp hang đầu của châu Âu trong lĩnh vực dệt may,” ông Limantour đánh giá.

Về Hiệp định Thương mại tự do sắp ký với EU, ông Limantour cho rằng, mặc dù có điểm bất lợi là hiệp định không được cân bằng trong lĩnh vực dệt may, nhưng ngành dệt may có nhiều cơ hội từ hiệp định này để Việt Nam trở thành đối tác thực sự và cân bằng với châu Âu.

Chiến lược dệt may đón FTA và TPP

Tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định chính phủ Việt Nam dành ưu tiên quan trọng cho việc phát triển ngành dệt may và bày tỏ mong muốn Việt Nam và EU tiếp tục hợp tác thành công trong lĩnh vực may mặc.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn.

Đại sứ hy vọng hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (FTA) vừa kết thúc đàm phán vào tháng 8/, và sẽ sớm được ký kết sẽ tăng cường sự hiện diện của ngành may mặc Việt Nam tại EU và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 3 nước xuất khẩu may mặc hàng đầu tại châu Âu.

Về tác động của Hiệp định FTA VN- EU đối với ngành may mặc Việt Nam, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Cảnh Cường nhận định, hiệp định sẽ có lợi cho cả hai phía. Ngành dệt may hai bên không nhất thiết phải cạnh tranh đối đầu mà có thể hợp tác tạo ra sức cạnh tranh mới.

“Hai bên có thể tận dụng lợi thế của nhau: Việt Nam có lực lượng đông đảo thợ tay nghề cao còn châu Âu thì có nhiều nhà thiết kế thời trang cao cấp cùng hệ thống phân phối và marketing quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, ngoài các ưu đãi về thuế, việc Chính phủ Việt Nam sẽ cải cách chính sách và quy định nội địa theo yêu cầu của Hiệp định sẽ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu hợp tác sản xuất và qua đó xuất khẩu hàng trên toàn thế giới,” ông Cường đánh giá.

Những thách thức phía trước

Theo ông Trần Văn Phổ, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc tham dự tích cực hai hội chợ lần này là sự chuẩn bị cho chiến lược sắp tới của ngành dệt may khi hiệp định FTA với EU được ký kết; trong đó bên cạnh các cơ hội, ngành dệt may không quên xác định cả những thách thức phía trước.

Ông Trần Văn Phổ, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam.

Ông Trần Văn Phổ nhấn mạnh: “Các hiệp định sắp ký như FTA với EU hay TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội và chúng tôi tin tưởng vào những hiệp định này và chúng tôi đang có những chiến lược phát triển. Tham dự hội chợ cũng là chuẩn bị cho chiến lược phát triển sắp tới. Khó khăn lớn nhất hiện nay với thị trường châu Âu trước hết là vấn đề nguyên liệu và FTA sắp ký thì phải đến 7 năm sau, ngành dệt may mới được hưởng thuế suất 0%, và đây là một bất lợi đối với chúng ta”.

Về việc phát triển ngành trong thời gian tới, ông Phổ chia sẻ, ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại hiệu quả và bền vững, lấy xuất khẩu làm phương thức cơ sở cho sự phát triển của ngành và tận dụng tối đa các FTA.

Cũng trong khuôn khổ hội chợ Apparel sourcing lần này, các sản phẩm may mặc của Việt Nam đã được giới thiệu đến đông đảo khách mời và người tham quan qua màn trình diễn của các người mẫu chuyên nghiệp Pháp.

Ước tính hội chợ Texworld và Apparel sourcing có sự góp mặt của hơn 600 doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ. Dự kiến trong 3 ngày hoạt động, Hội chợ sẽ thu hút khoảng 14.000 khách mời bao gồm các nhà phân phối bán lẻ, trung gian, đầu tư, marketing,... đến từ 103 quốc gia trên toàn thế giới./.

Theo VOV.VN

Mới nhất

x
Dệt may Việt Nam tham vọng tiến sâu vào thị trường châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO