Dệt nên "Sợi nhớ, sợi thương"
(Baonghean) - Năm 2013, dấu ấn nổi bật của công tác đối ngoại là hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo hệ thống cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào sau 6 năm thi công gian khó. Hệ thống mốc hoàn thành với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước, càng tô thắm thêm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt thủy chung của hai dân tộc. Ngay sau lễ khánh thành mốc giới được hai nước tổ chức trọng thể, các hoạt động kết nghĩa được nối tiếp. Mốc giới đã, đang và sẽ đưa mối quan hệ hợp tác lên những tầm cao mới.
(Baonghean) - Năm 2013, dấu ấn nổi bật của công tác đối ngoại là hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo hệ thống cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào sau 6 năm thi công gian khó. Hệ thống mốc hoàn thành với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước, càng tô thắm thêm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt thủy chung của hai dân tộc. Ngay sau lễ khánh thành mốc giới được hai nước tổ chức trọng thể, các hoạt động kết nghĩa được nối tiếp. Mốc giới đã, đang và sẽ đưa mối quan hệ hợp tác lên những tầm cao mới.
![]() |
Lãnh đạo Bộ ngoại giao và lãnh đạo tỉnh đón tiếp Thủ tướng Lào tại sân bay Vinh. Ảnh: Sỹ Minh |
Gian nan đường cắm mốc
Để hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo 116 mốc giới trên đoạn biên giới dài 419,5 km giữa Nghệ An và 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay của nước bạn Lào theo đúng kế hoạch và tiến độ của Ủy ban Liên hợp Phân giới cắm mốc biên giới hai nước, từ tháng 12/2008, tỉnh Nghệ An đã thành lập Đội cắm mốc số 1 và đến tháng 10/2010 Đội cắm mốc số 2 ra đời. Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà hai đảng, hai nhà nước giao phó, hai đội cắm mốc của Nghệ An và hai đội cắm mốc nước bạn Lào đã cùng phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, để vượt qua muôn vàn gian khổ, thử thách hiểm nguy xây dựng nên hệ thống mốc giới.
Đoạn đường biên Nghệ An với 3 tỉnh nói trên của Lào vốn rất dài và địa hình phức tạp, hiểm trở, xa bà con các dân tộc bản địa, nhiều nơi hầu như chưa có dấu chân người. Những người thực hiện cắm mốc phải bằng ý chí, tất cả tinh thần trách nhiệm, tình yêu tổ quốc và tình hữu nghị quốc tế để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong thời gian xây dựng 116 mốc giới, chúng tôi đã nhiều lần theo chân 2 đội cắm mốc. Nơi thấp nhất cũng ở độ 700 - 800m, cao thì đến 1.800m, cá biệt là đỉnh Phuxailaileng cao 2.711m, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Có những mốc đi liên tục 5 ngày mới tới, ngủ trong rừng, muỗi, ruồi, vắt, rắn đã trở thành người bạn, và ghi dấu “tình cảm” là những vết “hoa” loang lổ trên thân những người cắm mốc. Mùa khô, nước cực kỳ khan hiếm, chỉ dùng để nấu ăn, đánh răng rửa mặt thì không thể.
Lại thêm những lớp sương mù dày đặc như xắn ra từng miếng, hở ra là lạc nhau. Mùa mưa, nước khe, nước lũ như nhấn chìm, đẩy lùi tất cả. Mùa đông, nơi đèo cao lưng trời hun hút gió, lạnh đến tím tái như cắt da cắt thịt. Chuyện nằm lại 2-3 ngày giữa rừng vì nước lũ chia cắt sông suối là chuyện thường. Nhiều đoạn, bùn ngập hàng chục phân, nhưng cũng phải lội bằng chân trần, bởi nếu đi giày sẽ không thể nhấc chân lên nổi. Leo núi vượt thác, người đi trước ngửi gót giày người đi sau, không cẩn thận có thể tuột xuống đạp vào người phía sau, cực kỳ nguy hiểm. Vì hành quân ròng rã, liên tục khảo sát các vị trí mốc trên thực địa, nhiều người lả đi vì kiệt sức, quá mệt, nuốt cơm không nổi.
Chỉ tính riêng hành trang mang theo là lương thực, thực phẩm, máy móc, tăng võng, mỗi người đã phải cõng 30kg. Đó là chưa kể những gùi gánh nguyên liệu sắt, đá, xi măng để xây dựng mốc. Ước tính để thi công được một cột mốc cần phải vận chuyển khoảng 12 tấn vật liệu các loại. Chỉ riêng vận chuyển 1 cột mốc cỡ trung lên vị trí cắm mốc cũng phải huy động đến 4-5 chục người. Trong đó khoảng 20 người làm nhiệm vụ gánh tảng đá hoa cương nguyên khối trên vai, khoảng 10 người dùng dây giữ để mốc không bị tuột dốc. Chừng ấy con người để phối hợp sao cho nhịp nhàng, ăn khớp trong địa hình đồi núi là điều không hề đơn giản. Bên cạnh đó yêu cầu nghiêm ngặt là quá trình di chuyển, tiến hành cố định cột mốc, không để bất kỳ tác động nào làm trầy xước, sứt mẻ, hư hỏng.
Trung tá Phan Thanh Hồng, Đội trưởng Đội cắm mốc số 2 đã quá quen với gian khổ, hiểm nguy nhưng không khỏi rùng mình về chuyến công tác đầu tháng 1/2012. Đó là lúc thời điểm đã cận Tết Nguyên đán, nhưng vì nhiệm vụ, Đoàn Khảo sát song phương - Liên ngành theo kế hoạch vẫn hành quân khảo sát mốc và giám sát các mốc tại địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông). Đây là địa bàn cực kỳ khó khăn gian khổ, mốc ở đây rất xa khu vực dân cư, lại nằm ở các vị trí hiểm yếu. Đoàn phải hành quân cả đường sông bằng thuyền lẫn đường bộ với cự ly khoảng 60 km. Thời điểm rét đậm, rét hại, nhiều đoạn phải hành quân dọc suối nước tới thắt lưng hơn một buổi. Tại độ cao 1.525m, nhiệt độ về đêm có lúc chỉ còn 4-5 độ, không thể ngủ được, đoàn chỉ có thể đốt lửa sưởi ấm. Thời gian khảo sát 2 mốc này mất hơn 10 ngày. Những ngày này, cả đoàn không bao giờ thấy mặt trời, chỉ toàn sương mù đặc quánh, cách 2-3m không nhìn rõ mặt nhau, quần áo lúc nào cũng ướt nhẹp. Có đoạn do trời quá mù, rừng rậm nên máy định vị vệ tinh không có sóng và không quan sát được địa hình nên cả đoàn đi lạc xuống phía dưới sườn núi, leo lên chỗ cũ phải mất 2 tiếng đồng hồ. Việc bị vấp, ngã, bị thương do đường trơn, mưa lầy là chuyện bình thường. Khi hoàn thành nhiệm vụ hành quân về tới Đồn 555 đã là ngày 25 Tết âm lịch.
Gian nan, khó khăn là thế nhưng chưa thành viên nào của các đội cắm mốc bỏ nhiệm vụ của mình. Thượng tá Phan Văn Hồng, Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 tâm tình với phóng viên mà như tự nhủ với mình: “Mỗi khi chạm tay vào mỗi cột mốc mới vừa được dựng lên, các thành viên đội cắm mốc lại thấy trào dâng lên niềm tự hào vô bờ bến – Tổ quốc hôm nay có bàn tay chúng con dựng xây; Cảm thấy có thêm sức mạnh để tiếp tục xuyên qua những cánh rừng già bất tận chưa có dấu chân người, vượt lên những đỉnh núi ngất trời sừng sững định hình những mốc giới mới”....
Những ngày đi cùng hai đội cắm mốc tôn tạo hình đất nước, chúng tôi đã cảm nhận, thấu hiểu thêm sự vất vả, hiểm nguy mà những người cắm mốc đã trải qua. Họ đã coi biên giới là nhà, là quê hương, luôn tự hào khi tấc đất của Tổ quốc được bảo vệ bền vững bởi mồ hôi, công sức của chính mình. Sự chung lực đấu cật của những người bạn Lào trên dường cắm mốc, cho chúng tôi thấy rõ hơn tình hữu nghị cao cả của 2 dân tộc. Đó là những khi người anh em Lào cùng người anh em Việt chung nhau điếu thuốc bên suối; cùng chụm đầu trên tấm bản đồ và nở nụ cười rạng ngời khi cột mốc đã xác định và khảo sát xong; Là lúc cùng ăn cùng ở, cùng làm, bác sỹ bạn băng bó cho cán bộ ta bị thương, cán bộ Việt cõng anh cán bộ Lào sưng khớp, là lúc 2 bên chung một nồi cơm chưa chín.
Thắm tình anh em
Đến tháng 7/2013, đoạn biên giới tỉnh Nghệ An giáp với 3 tỉnh nước bạn Lào đã được xây dựng xong. Đây cũng là thời điểm hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Chính phủ hai nước đã quyết định đồng tổ chức buổi lễ trọng thể ghi nhớ sự kiện chính trị trọng đại thể hiện tình đoàn kết đặc biệt và quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác giữa 2 đảng, 2 nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam – Lào nói chung, cũng như sự hợp tác tốt đẹp trong quá trình giải quyết vấn đề lãnh thổ, biên giới giữa 2 nước nói riêng tại mốc đại 460 ở Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bôlykhămxay) vào ngày 9/7/2013.
![]() |
Chương trình văn nghệ ca ngợi tình hữu nghị Việt - Lào |
Ngày lễ khánh thành, thời tiết như chiều lòng người – đầu buổi sáng hơi có sương mù nhưng càng lúc trời càng xanh cao, nắng ráo. Ngay nơi cột mốc 460 phân định địa giới của hai quốc gia, một lễ đài, sân khấu hoành tráng được dựng lên. Rất đông người dân hai bên biên giới đã đến đây. Ai cũng như ai đều cố gắng dồn mắt ngắm nghía, tìm đến để chạm tay vào cột mốc 460 mang tính lịch sử này với niềm tự hào vô bờ bến. Trong mỗi ánh mắt, nụ cười ánh lên một chân lý: Mốc dựng lên không phải để tạo ra sự phân cách mà nhằm tô đậm thêm tình hữu nghị lâu đời của 2 quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”…
Anh Koong Khăm Đuông Kẹo - Trưởng Ban thời sự Đài Truyền hình quốc gia Lào cho biết: “Việc hoàn thành công tác cắm mốc biên giới Việt - Lào là sự kiện cực kỳ quan trọng, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới nói riêng và phát triển kinh tế của hai nước nói chung”. Ông Bun Vông Chon, Trưởng bản Chup Tong, huyện Xay Chăm Phon (cách cột mốc 460 khoảng 20 km) tâm tình: “Bây giờ mốc đã được hoàn thành đẹp như thế này, tôi và bà con sẽ về tuyên truyền ý thức giữ gìn, bảo vệ cột mốc biên giới chung”.
Người dân hai dân tộc sung sướng khi thấy hai nhà nước cùng chung sức, vượt qua bao gian khó dựng xây nên hệ thống mốc biên giới giữa hai quốc gia. Biên giới là nơi hình thành nên sợi nhớ, sợi thương, là xóa bỏ mọi ngăn cách, nghi kỵ, tranh chấp có thể xảy ra. Hệ thống mốc đã hoàn thành khẳng định quyết tâm đoàn kết, hữu nghị mãi mãi bền lâu, tình anh em ruột thịt đáng quý. Tại buổi lễ trọng đại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Thoong Sỉnh Thăm Mạ Vông nhấn mạnh: Việc khánh thành cột mốc 460 tại Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On đánh dấu việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào trên thực địa.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, thể hiện sự tin cậy, hiểu biết và nhất trí cao giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước. Đây cũng là một trong những minh chứng sinh động trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước quyết tâm xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.
Với hệ thống mốc giới mới hiện đại và trường tồn, đường biên giới hai nước Việt Nam – Lào sẽ mãi mãi trở thành nơi gặp gỡ của tình hữu nghị, của sự hợp tác chặt chẽ vì sự giàu mạnh của hai nước, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân và đáp ứng quyết tâm của lãnh đạo hai nước… Còn anh Si Von, ở Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, hiện là sinh viên cao học Khoa Quản lý giáo dục khóa 20, đại diện cho trên 300 sinh viên Lào đang học tại ĐH Vinh chia sẻ: Sự kiện này chứng minh sự hợp tác giữa Lào và Việt Nam ngày càng nâng tầm trên tất cả các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; lĩnh vực thương mại, hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Sự phối hợp và hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa hai nước đã và đang liên tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao.
Nhìn lại suốt chặng đường phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Lào, chúng ta lại càng thấy rõ, từng bước đi lên, từng thắng lợi của cách mạng mỗi nước đều gắn liền với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi được giữ gìn, vun đắp như ý nguyện của Chủ tịch Kaysone Phomvihane "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông"; và mối quan hệ đó sẽ không ngừng đơm hoa kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nối vòng tay lớn
Lễ chào mừng sự kiện này được tổ chức tại Nghệ An được xem là điểm nhấn quan trọng, không chỉ vì số km đường biên trên địa bàn tỉnh dài nhất trên tuyến Việt- Lào mà chính là niềm tin được Chính phủ hai nước trao gửi. Ngay sau hoạt động này, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt-Lào qua địa bàn Nghệ An. Phía các tỉnh có chung đường biên gồm Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay nước CHDCND Lào đã nhất trí cao và cùng nhau tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện tại TP Vinh vào tháng 8/2013. Hai bên lựa chọn 6 cặp bản đối diện để làm điểm, trước khi tiến hành rộng rãi. Nội dung kết nghĩa tập trung vào các vấn đề cụ thể: Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân hai bên biên giới về chủ trương chính sách, pháp luật của mỗi nước, nhất là về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia theo Hiệp định, Quy chế biên giới mà hai nước đã ký kết; Giúp nhau trong việc trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự ở các thôn, bản; Cán bộ, nhân dân hai bên biên giới phối hợp cùng nhau bảo vệ nguyên trạng đường biên, giữ gìn hệ thống mốc quốc giới; Thường xuyên nắm chắc tình hình có liên quan đến an ninh trật tự và chủ động kịp thời trao đổi thông tin, đồng thời phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vượt biên, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm tài nguyên, phá hoại môi trường hai bên biên giới; Tăng cường phối hợp phòng chống di, dịch cư tự do, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, buôn bán vận chuyển và sử dụng ma túy, buôn bán người qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật…
Thực hiện chủ trương kết nghĩa giữa các thôn, bản sát biên giới của hai nước, Đảng bộ, chính quyền các huyện có biên giới cùng lực lượng bộ đội Biên phòng dọc 419,5 km đường biên trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành các hoạt động song phương. Trong những ngày cuối năm, các tổ đội công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Công an Nậm On, huyện Xay Chăm Phon, tỉnh Bôlykhămxay (Lào) tăng cường công tác vận động nhân dân bản Xốp Tầng (cụm Nậm On) và nhân dân xóm 3, xã Thanh Thủy chuẩn bị các bước kết nghĩa. Theo đó, nhân dân hai bên đường biên Cửa khẩu Thanh Thủy-Nậm On sẽ tăng cường giao lưu, thông thương, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế- xã hội và cùng nhau bảo vệ, xây dựng đường biên giới hòa bình, thân thiện. Ông Xay Khăm Đi - Trưởng Đồn Công an Nậm On (Bôlykhămxay - Lào) cho hay: “Bản Xốp Tầng cách cửa khẩu trên 25 km, như vậy nếu qua lại giao lưu với xóm 3 - Thanh Thủy, đồng bào phải vượt qua hàng chục km. Khó khăn hiện nay là đường giao thông phía Nậm On chưa đổ nhựa, còn lầy lội, nhưng đồng bào vẫn hăng hái chuẩn bị tốt cho kết nghĩa nhân dân Việt-Lào hai bên đường biên. Trong tương lai, khi đường được xây dựng, mọi hoạt động thông thương sẽ thuận lợi hơn và sẽ có nhiều hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai bên..”.
![]() |
Lễ ký kết 2 bản - bản (Việt Nam - Lào) |
Sáng 30/11, tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong - Nghệ An diễn ra lễ kết nghĩa Bản – Bản hai bên biên giới giữa bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong và bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ nước bạn Lào. Trong buổi lễ, 2 trưởng bản đã ký cam kết cùng nhau vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nguyên trạng đường biên, cột mốc và dấu hiệu vành đai biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, chống lại các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm.
Cũng tại buổi lễ, hai bản thống nhất cam kết không xây dựng các công trình làm thay đổi dòng chảy sông, suối hai bên biên giới. Phối hợp thực hiện đúng hiệp định, quy chế biên giới 2 nước đã ký kết trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân hai bản giúp đỡ và tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai; khám, chữa bệnh; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; học tập lẫn nhau trong công tác lãnh đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng khu vực biên giới ổn định, hòa bình hữu nghị - hợp tác và phát triển... Ngày 10/12, tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, lễ kết nghĩa giữa bản Ta Đo, xã Mường Típ với bản Na Mương, cụm bản Pha Ven, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng diễn ra trong không khí ấm tình đoàn kết hữu nghị. Tiếp sau xã Mường Típ, 10 xã biên giới còn lại của huyện Kỳ Sơn sẽ tổ chức ký kết với các huyện tiếp giáp biên giới.
![]() |
Người dân Việt - Lào đi chợ biên Cửa khẩu Nậm Cắn - Noọng Hét. Ảnh: Trần Hải |
Trên cơ sở tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, các cặp thôn, bản kết nghĩa đang hướng tới nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Đây là một trong những hoạt động ngoại giao nhân dân, nhằm tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào anh em. Sự kết nghĩa giữa nhân dân hai bên biên giới càng làm cho mối quan hệ thân tộc, dân tộc gần gũi, có nền văn hóa tương đồng trở nên bền vững, khắc sâu hơn mối quan hệ Việt - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng dựng xây. hai bên còn phối hợp chặt chẽ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hết lòng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế-xã hội...
Trong sự nối tiếp liền mạch, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn (Lào) cùng đẩy mạnh kết nghĩa, cùng nhau phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ, xây đắp tuyến biên giới thắm tình hữu nghị. Sự gắn kết bền chặt đó mở ra nhiều hướng phát triển ở khu vực biên giới- nơi từ lâu nhân dân hai nước đã có sẵn mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi, tối lửa tắt đèn có nhau... Rồi đây, bên cạnh Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, sắp tới Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy-Nậm On sẽ khai trương, hoạt động thông thương với các tỉnh nước bạn Lào ở các Cửa khẩu Tam Hợp (Tương Dương), Cao Vều (Anh Sơn), Thông Thụ (Quế Phong) được tăng cường, sự hợp tác, kết nghĩa giữa hai bên vì thế sẽ được nâng lên tầm cao mới.
Thành Chung - Nguyên Sơn