Di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp bị xâm hại; cần tháo dỡ cẩu tháp...
Di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp bị xâm hại
Khu di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) nằm trên Cồn Điệp, được công nhận là di chỉ tiêu biểu cho thời đại đá mới. Với những giá trị quý báu mà di chỉ khảo cổ Cồn Điệp còn lưu giữ, vào năm 1997, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở VHTT và huyện Quỳnh Lưu có trách nhiệm bảo vệ khu di chỉ này. Thế nhưng, do nhu cầu giao thương của người dân, UBND xã Quỳnh Văn đã cho xây chợ kiên cố với hàng trăm ki ốt ngay trên khu di chỉ. Việc xây chợ đã xâm hại nặng nề đến di tích, bởi quá trình xây dựng người ta đã cho đào bới, san ủi Cồn Điệp, một khối lượng lớn vỏ sò, điệp đã bị đào lên.
Người dân tự ý tập kết vật liệu phía trước Khu di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) |
Trước thực trạng đó, vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho xã Quỳnh Văn xây dựng chợ Vân ở địa điểm mới tại thôn 9, với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, diện tích 1ha, là chợ vùng nông thôn loại 2 (2 tầng). Đến năm 2011, xã tiến hành quy hoạch và xây chợ. Tháng 2/2014, công trình chợ Vân mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Toàn bộ hoạt động kinh doanh buôn bán của tiểu thương được chuyển xuống khu chợ mới, trả lại mặt bằng và hiện trạng khu di chỉ khảo cổ.
Để bảo tồn và gìn giữ di chỉ khảo cổ Cồn Điệp, ngay khi chuyển chợ mới, UBND xã đã khởi công xây dựng công trình tường bao để bảo vệ tôn tạo di tích và ngăn chặn người dân đào trộm vỏ sò, vỏ điệp. Công trình do UBND tỉnh đầu tư gồm các hạng mục tường bao, cổng chính, bia dẫn tích có trị giá trị khoảng 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện công trình tường bao bảo vệ khu di chỉ còn dang dở, chưa có cổng chính, xã cũng chưa cử người trông coi nên mặt tiền của di chỉ khảo cổ biến thành nơi tập kết rác thải. Cá biệt một số hộ dân sống xung quanh còn lợi dụng trồng cây, rau màu và lấn chiến hành lang để tập kết hàng hóa trên khu di chỉ khảo khảo cổ Cồn Điệp, gây mất cảnh quan di tích.
Thiết nghĩ, để phát huy giá trị của khu di chỉ khảo cổ này, các cấp chính quyền cần vào cuộc xử lý nghiêm các vi phạm, lập lại trật tự cảnh quan cho di tích. Đặc biệt cần có phương án đầu tư xứng đáng để bảo vệ, trùng tu di tích một cách hiệu quả và lâu dài.
Như Thủy
Sớm tháo dỡ cần cẩu tháp
Hiện nay, trên địa bàn TP.Vinh có 2 công trình xây dựng dang dở, bỏ hoang trong suốt thời gian dài nhưng cần cẩu tháp không được tháo dỡ, khiến người dân thấp thỏm lo sợ tai nạn xảy ra.
Cần cẩu tháp tại tòa nhà BMC trên trục đường Nguyễn Thị Minh khai (TP. Vinh). Ảnh: Đ.C |
Cụ thể, Dự án Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng (Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại - BMC chủ đầu tư) thuộc khối 18, phường Hưng Bình khởi công từ năm 2006, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010 nhưng do thiếu vốn nên ngừng thi công nhiều năm nay, tuy nhiên cần cẩu phục vụ việc thi công không được tháo dỡ. Tương tự, công trình xây dựng trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp do Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư, nằm trên đường Nguyễn Du, thuộc phường Bến Thủy “đắp chiếu” suốt thời gian dài cũng đang tồn tại một chiếc cần cẩu tháp cao hơn 100m, dài khoảng 70m. Phần đối trọng được tạo bởi 5 tấm bê tông để tạo sức nâng cho cần trục nằm xoay ngang sang khu vực chợ Bến Thủy khiến người dân bất an.
Thiết nghĩ, cùng với việc siết chặt công tác kiểm tra, giám sát việc thi công theo đúng kỹ thuật, đúng tải trọng, đặc biệt là những chiếc cẩu tháp thi công tại khu vực đô thị, nơi đông dân cư thì đối với các công trình hiện đang ngừng thi công, UBND thành phố, Sở Xây dựng cần sớm yêu cầu các đơn vị tháo dỡ, không để gây nguy hiểm, lo lắng cho người dân.
Quảng An
Đường liên huyện ở xã Hưng Trung xuống cấp nghiêm trọng
Tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn qua địa phận xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) được nâng cấp đưa vào sử dụng vào cuối năm 2011, nhưng đến nay đã bị hư hỏng nặng, dày đặc những “ổ voi, ổ gà” gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Đường Nguyễn Văn Trỗi là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của huyện Hưng Nguyên, đặc biệt đoạn qua xã Hưng Trung còn là cửa ngõ giao thương với huyện Nghi Lộc. Điều đáng nói ở đây là cung đường này lại xuống cấp quá nhanh, mặt đường bị bong tróc, đá lởm chởm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Anh Phạm Quỳnh Phương – một người dân địa phương cho biết “Đoạn đường này mới được nâng cấp, sửa chữa gần 3 năm trở lại đây, nhưng khoảng vài tháng sau đó, đường bị lún dần và ngày càng xuống cấp, chỉ cần mưa nhỏ thôi, đường đã thành vũng. Người dân chúng tôi đi lại rất vất vả. Đoạn đường này còn đi qua 3 trường học, giờ tan trường, các cháu đi lại khó khăn lắm”.
Chị Phạm Thị Kim Ngân, nhà ở mặt đường Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “Đường này nhiều xe tải đi lại, thậm chí còn có cả xe container, chủ yếu là xe chở tràm, chở gỗ, chở xi măng. Những xe này thường chạy nhiều vào khoảng giữa đêm. Đường ngày càng hư hỏng nặng, những hộ dân nhà cạnh đường như chúng tôi ngày nắng thì bụi mà ngày mưa thì nước té cả vào nhà”.
Ông Nguyễn Hữu Kiêu, Chủ tịch UBND xã Hưng Trung cho rằng: “Tuyến đường này không phải do xã đầu tư, quản lý nên không có thẩm quyền để ngăn chặn các loại xe có trọng tải lớn đang lưu thông. Trước đây, Công an huyện Hưng Nguyên có vào cuộc, nhưng các tài xế vẫn “luồn lách” đi lại. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của đường, xã có tu bổ phần nào. Tuy nhiên do hạn hẹp về ngân sách nên cũng không cải thiện được nhiều. Chính quyền xã cũng đã kiến nghị lên các cấp, cơ quan chức năng để sửa chữa, giúp nhân dân bớt khó khăn trong việc đi lại”.
Phương Thảo