Đi công tác bằng hàng không giá rẻ sẽ tiết kiệm ngân sách
Việc giảm chi phí xe công và máy bay khi đi công tác là một giải pháp cụ thể trong tiết kiệm ngân sách.
Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có văn bản yêu cầu cán bộ, công chức phải đi công tác bằng hàng không giá rẻ đã trở thành câu chuyện được bàn nhiều trong những ngày qua. Dù hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ, tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn, thu ngân sách giảm, việc giảm chi phí xe công và máy bay khi đi công tác là một giải pháp cụ thể trong tiết kiệm ngân sách.
Vừa tiết kiệm, vừa gần dân
Chưa bao giờ hàng không giá rẻ lại được nhắc đến nhiều như giai đoạn hiện nay, bắt đầu từ một quyết định bất ngờ của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng sau chuyến công tác của mình. Người đứng đầu ngành giao thông vận tải đã ký công văn yêu cầu các cán bộ, công chức thuộc bộ phải ưu tiên chọn hàng không giá rẻ khi đi công tác. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây giống như một mệnh lệnh hành chính ép buộc các cán bộ, nhân viên dưới quyền. Nhưng đây lại là một quyết định được các đại biểu Quốc hội đánh giá là có hiệu quả.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều người vẫn còn e ngại liệu có thực hiện triệt để được việc yêu cầu cán bộ đi công tác bằng hàng không giá rẻ? |
Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng có ý kiến: “Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu một số cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không nên đi những vé máy bay giá cao, mà phải chọn đi máy bay giá vé thấp. Đây là việc làm đảm bảo chính sách của chế độ đối với cán bộ. Nó cũng thực hành tiết kiệm đúng như chủ trương. Đối với quan chức, thực thi việc đó không chỉ là phép tính về kinh tế, quan trọng hơn là sự gần gũi với người dân. Đây là việc đáng làm và nên nhân rộng…”.
Đồng tình với quan điểm này, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Đây là chủ trương riêng của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng nó phản ánh mối quan tâm hợp lý hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn công quỹ của Nhà nước. Tuy nhiên, đây là phương tiện để đi làm việc, cho nên nó phải đảm bảo cả 2 yếu tố: Phục vụ công việc hợp lý và giảm chi tiêu. Không chỉ riêng Bộ Giao thông Vận tải làm như thế mà các nơi cần phải như thế.”
Trước khi đưa ra quyết định này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đi trên một chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội ngày 15/10 mới đây. Ông cùng Phó chánh văn phòng Bộ ra Hà Nội bằng hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airline với giá chỉ 2,5 triệu đồng/vé khứ hồi. Trong khi đó, nếu đi bằng máy bay của hãng khác, cả 2 người sẽ tốn ngót nghét 12 triệu đồng cho 1 vé khứ hồi. Như vậy, chỉ riêng chi phí đi lại cho chuyến công tác này đã tiết kiệm được gần 10 triệu đồng.
Thông điệp có tính lan tỏa
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều người vẫn còn e ngại liệu có thực hiện triệt để được không hay là nói rồi để đó. Có một bất cập cần phải thay đổi là về chất lượng và dịch vụ của hàng không giá rẻ, mà theo họ, điểm yếu của hàng không giá rẻ là không đổi được giờ và thường xuyên chậm chuyến gây ảnh hưởng tới công việc.
Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, hoan nghênh và ủng hộ ý kiến đó, nhưng đặt vấn đề: “Liệu có thực thi được không? Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan quản lý hàng không nên có một chính sách, đó là chiến lược về hàng không giá rẻ. Bên cạnh xây mới sân bay thì sử dụng những nhà ga cũ, chi phí thấp để phát triển hàng không giá rẻ. Nếu làm được điều đó, lợi cho cả xã hội này…”.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã có các cán bộ, công chức trong ngành giao thông đi công tác bằng hàng không giá rẻ sau yêu cầu của Bộ trưởng. Đồng thời cho rằng, đây là dịp để các hãng hàng không đánh giá và nâng cao chất lượng cạnh tranh, thu hút khách.
Ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: “Với sự cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ sẽ thúc đẩy các hãng hàng không truyền thống. Yêu cầu là phải tiếp cận với hình thức bán vé có nhiều mức giá vé khác nhau. Theo quy định hiện hành, bất kỳ hãng hàng không nào khai thác trên thị trường Việt Nam đều phải đảm bảo thực hiện nghiêm các yếu tố về an ninh an toàn, đảm bảo về giờ bay của tàu bay, chế độ bảo dưỡng kiểm tra định kỳ và trách nhiệm dân sự của hãng khai thác bay…”
Dịch vụ hàng không giá rẻ đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, chiếm hơn 35% thị phần hàng không nội địa. Cách đây mấy năm, Thủ tướng Singapore sau một chuyến thăm Việt Nam đã về nước như một hành khách bình thường trên một chuyến bay giá rẻ Tiger Airway. Còn tại Việt Nam, quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng có khả thi hay không còn phụ thuộc vào sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước và đơn vị bán vé máy bay. Nhưng tinh thần chung của thông điệp là khuyến khích cán bộ đi làm việc bằng phương tiện hàng không giá rẻ để tiết kiệm ngân sách. Trong khi chúng ta đang thắt chặt chi tiêu, giảm chi ngân sách thì quyết định này cũng cần được lan tỏa sang các lĩnh vực khác./.
Theo VOV