Di dời tái định cư Hồ chứa nước Bản Mồng: Cần đẩy nhanh tiến độ

23/11/2014 08:18

(Baonghean) - Ngày 12/10/2014, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được khởi động trở lại với việc thực hiện dự án đầu tư đập phụ, kênh tiêu và kênh tiêu thông hồ Châu Bình. Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng. Để đảm bảo tiến độ, điều kiện tiên quyết vẫn là phải hoàn thành công tác di dời tái định cư...

Thời điểm này, các cán bộ xã Châu Bình (Quỳ Châu) đang tập trung cho công tác di dời, tái định cư để bàn giao mặt bằng thực hiện các hạng mục công trình dự án đầu tư các đập phụ, kênh tiêu và kênh tiêu thông hồ của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng. Với Phó Chủ tịch UBND xã Châu Bình Lê Văn Toan, bên cạnh niềm vui vì dự án đã bắt đầu được tiến hành, có chút âu lo trong công tác di dời tái định cư 168 hộ dân; trong đó, bị ảnh hưởng bởi hệ thống đập phụ, kênh tiêu và kênh thông hồ là 60 hộ, thuộc các bản 3-2, Hòa Bình, Bình 1, Lầu 1...; khoảng 108 hộ thuộc bản Bình Quang sẽ bị ngập bởi lòng hồ Bản Mồng.

Khu vực thực hiện kênh tiêu thông hồ Dự án hồ chứa nước Bản Mồng trên  địa bàn xã Châu Bình đã được giải phóng mặt bằng.
Khu vực thực hiện kênh tiêu thông hồ Dự án hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn xã Châu Bình đã được giải phóng mặt bằng.

Từ những năm 2004 -2005, thông tin về Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã được phổ biến trong nhân dân xã Châu Bình. Với quy mô thực hiện dự án của thời điểm đó, riêng Châu Bình có đến 600 hộ dân sẽ phải di dời tái định cư. Năm 2009, dự án có những điều chỉnh theo hướng tích cực hơn, giảm được hơn 2/3 số hộ dân phải di dời tái định cư. Thời điểm này, Ban Quản lý Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã tiến hành thực hiện công tác di dời nói trên. Trong tài liệu lưu trữ tại xã Châu Bình, có không ít các văn bản họp dân bàn về công tác tái định cư, nêu ra những nguyện vọng của nhân dân, và hướng giải quyết... Dù vậy, do nền kinh tế chung gặp khó khăn, dự án chưa được triển khai theo tiến độ. Và vì vậy, rất nhiều vấn đề bất cập nảy sinh tại những khu vực quy hoạch thực hiện dự án, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Theo ông Toan, phần lớn người dân đều bày tỏ mong muốn công tác bồi thường được thực hiện nhanh; nơi tái định cư phải đảm bảo về hạ tầng, đảm bảo về đất ở, đất sản xuất... và nguyện vọng cao nhất là được tái định cư ngay trên địa bàn của xã, hoặc của huyện để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Chúng tôi đã đến một số khu vực mà chỉ trong một thời gian ngắn nữa các đơn vị thi công sẽ thực hiện các hợp phần đập phụ, kênh tiêu và kênh tiêu thông hồ của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng. Trò chuyện với chúng tôi, người dân bày tỏ, dù không muốn xa rời mảnh đất đã gắn bó với họ qua nhiều thế hệ, nhưng vì mục tiêu tốt đẹp của dự án, họ đã sẵn sàng giao đất, giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công. Như tại bản 3-2, nằm kề Quốc lộ 48, có khoảng 26 hộ dân phải di dời tái định cư; 95 hộ dân bị ảnh hưởng đất sản xuất. Trưởng bản 3-2, ông Nguyễn Văn Thuận nói: ''Nhìn chung, nhân dân đồng thuận cao, sẵn sàng hiến đất để Nhà nước thực hiện dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, mong muốn Nhà nước đảm bảo về công tác đền bù tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh và bố trí tái định cư hợp lý''. Với bà Võ Thị Tuất (70 tuổi), có nhà sát Quốc lộ 48 thì bày tỏ: "Tôi là người Phủ Diễn, đi công nhân lâm trường từ những năm 65 - 67, gắn bó với vùng đất Phủ Quỳ từ thuở đầu còn xanh. Nay già, không muốn xa con cháu, bà con xóm giềng và mảnh đất mình đã gắn bó hàng mấy chục năm trời. Vì vậy, tôi đã trình bày nguyện vọng của mình là được tái định cư tại địa bàn xã Châu Bình. Lãnh đạo xã đã trao đổi với chúng tôi là huyện và tỉnh đã biết nguyện vọng của nhân dân, rồi đây, tỉnh sẽ thu hồi đất của lâm trường trên địa bàn xã để bố trí tái định cư. Được như vậy, tôi hoàn toàn yên tâm để giao đất cho dự án...". Còn chị Võ Thị Hương ở cùng bản tâm tư: "Gia đình tôi con cái còn nhỏ, vậy nên chỉ mong được Nhà nước tái định cư đến những nơi thuận lợi về trường học, khám, chữa bệnh...".

Theo tìm hiểu, sau khi Hội Thủy lợi tỉnh có phát kiến đắp 3 đập phụ nắn dòng Cô Ba, đào kênh tiêu xuống suối Cồng (xã Yên Hợp, Quỳ Hợp), thì việc di dời dân của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã giảm được gần 600 hộ (ban đầu phải di dời 1.064 hộ). Trước đây, hợp phần di dời tái định cư do Ban Quản lý. Dự án hồ chứa nước Bản Mồng làm chủ đầu tư. Ngày 6/8/2014, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc về làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu, sau khi nghe báo cáo về nguyện vọng của người dân trong vùng thực hiện dự án, đồng chí đã giao Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện Quỳ Châu và các ngành liên quan sớm triển khai quy hoạch, tôn trọng ý kiến của huyện để bố trí tái định cư tại chỗ cho nhân dân bằng hình thức xen dắm theo vùng, hoặc xen dắm riêng lẻ. Ngày 17/10/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng sau khi kiểm tra tình hình giải phóng mặt bằng Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã đồng ý với phương án để UBND huyện Quỳ Châu thay Ban Quản lý Dự án hồ chứa nước Bản Mồng thực hiện công tác di dời tái định cư; đồng thời, giao cho UBND huyện Quỳ Châu tổ chức khảo sát đất của 2 Lâm trường Cô Ba, Quỳ Châu để xác định quỹ đất tái định cư.

Dù chưa có văn bản chính thức giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, nhưng sau khi có sự chỉ đạo, UBND huyện Quỳ Châu đã tập trung rà soát quỹ đất của 2 lâm trường. Căn cứ thông báo về số hộ phải di dời (364 hộ, thuộc các xã Châu Bình, Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Nga, Thị trấn Tân Lạc) và diện tích bị ngập (1.221 ha) do Ban Quản lý Dự án hooồ chưaứa nước Bản Mồng điều tra; Công văn 7290/UBND.ĐC của UBND tỉnh chỉ đạo việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, UBND huyện Quỳ Châu đã khảo sát và có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị thu hồi 2.302,6 ha (771 ha đất Lâm trường Cô Ba trên địa bàn xã Châu Bình; 1531,6 ha đất Lâm trường Quỳ Châu trên địa bàn 2 xã Châu Nga, Châu Hội) để giao cho các xã quản lý, phục vụ cho công tác tái định cư Dự án hồ chứa nước Bản Mồng.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Châu nói: "Trước mắt, huyện Quỳ Châu dự kiến sẽ thực hiện công tác di dời tái định cư cho 60 hộ dân để giải phóng mặt bằng, giao đất cho các đơn vị thi công thực hiện các hợp phần đập phụ, kênh tiêu và kênh thông hồ của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng kịp tiến độ. Nhưng để thực hiện được, UBND huyện Quỳ Châu cần được UBND tỉnh có văn bản chính thức giao làm chủ đầu tư hợp phần di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất lâm trường phục vụ tái định cư cũng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nên cũng cần có sự chỉ đạo kịp thời hơn của UBND tỉnh".

Còn Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, ông Phan Đức Đồng trao đổi: “Dự án hồ chứa nước Bản Mồng là một trong những công trình thuỷ lợi, thủy điện trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, dân sinh của tỉnh. Huyện xác định sẽ chịu trách nhiệm chính trong các vấn đề liên quan công tác di dời tái định cư để quyết tâm thực hiện tốt. Hiện nay, nhìn chung nhân dân vùng quy hoạch dự án đồng thuận cao. Ở dự án này, có thuận lợi là nhân dân được tái định cư ngay trên địa bàn, hơn nữa, Nhà nước thực hiện các công tác liên quan đến hạ tầng, người dân được tham gia giám sát. Vấn đề trước mắt bây giờ là phải có quỹ đất, vì vậy cần được UBND tỉnh sớm có chỉ đạo về việc thu hồi đất lâm trường...". Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án hồ chứa nước Bản Mồng cho biết thêm: “Việc chuyển chủ đầu tư hợp phần di dời tái định cư của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng về UBND huyện Quỳ Châu là để giúp cho công việc thông suốt, có sự đồng thuận trên dưới, rất mong UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác di dời tái định cư để dự án quan trọng này được thực hiện theo tiến độ”.

Mục tiêu, nhiệm vụ dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Bản Mồng được xác định là cấp nước tưới cho 18.871 ha ven sông Hiếu; trong đó, tự chảy 2.713 ha, còn lại tưới nước động lực; cấp nước cho sông Hiếu vào mùa kiệt khoảng 22m3/s; cấp nước cho công nghiệp dân sinh và chăn nuôi trong vùng dự án, phát triển nuôi trồng thủy sản và tham gia cải tạo môi trường; phát điện với công suất lắp máy 42 MW; Kết hợp giảm một phần lũ cho hạ du sông Hiếu.

Bài, ảnh: Nhật Lân

Mới nhất
x
Di dời tái định cư Hồ chứa nước Bản Mồng: Cần đẩy nhanh tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO