Đi lao động "chui" sang Trung Quốc: Thực trạng và hệ lụy

07/05/2015 09:39

(Baonghean) - Việc lao động nông thôn Nghệ An tìm kiếm việc làm, thu nhập là nhu cầu chính đáng, nhưng lao động “chui”, không có giấy tờ tùy thân sang các nước, nhất là Trung Quốc, đang là thực tế đáng lo ngại…

Từ miền xuôi...

Vài năm lại nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu rộ lên việc đi lao động “chui” sang Trung Quốc. Chi phí khá rẻ, chỉ cần 5 - 7 triệu đồng vừa bồi dưỡng cho người giới thiệu, kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu lao động ở Trung Quốc và mua sắm một số vật dụng cần thiết là được, với mức lương 5 - 7 triệu đồng/tháng; nếu ai chăm chỉ và làm trong doanh nghiệp lớn thì thu nhập có thể đạt 11 - 17 triệu đồng/tháng.

Một trong những đặc điểm của thị trường lao động Trung Quốc là nhu cầu lao động phổ thông khá lớn, ngành nghề đa dạng, từ nghề mộc, chế biến gỗ đến sản xuất bóng đèn, đồ nhựa xe máy, sản xuất búp bê, chế biến thủy, hải sản, xúc xích… Tuy nhiên, nói chung do lao động đi “chui” nên giá rẻ, và hầu hết các công việc nặng nhọc, độc hại nhất đều do lao động Việt Nam đảm nhận.

Anh Trần Văn Toàn, xóm 6, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) vừa trở về từ Trung Quốc đang trình báo với Công an xã. Ảnh: V.H
Anh Trần Văn Toàn, xóm 6, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) vừa trở về từ Trung Quốc đang trình báo với Công an xã. Ảnh: V.H

Ở xóm Yên Đình, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) có 2/3 lao động chính của xóm đi lao động trái phép ở Trung Quốc, có gia đình vợ chồng gửi con nhỏ lại cho ông bà để sang Trung Quốc làm việc. Cả xã Quỳnh Hưng có trên 400 người đi lao động ở Trung Quốc, nhiều nhất huyện. Ngoài ra, các xã khác như Quỳnh Bá khoảng 300 người, Quỳnh Ngọc trên 100 người; còn các xã vùng biển như Quỳnh Long gần 250 người, Quỳnh Thuận 168 người, Sơn Hải 150 người; các xã khác bình quân từ 30-50 người đi lao động “chui” như thế…

Ông Hồ Phúc Đóa - Phó Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết: Qua tổng hợp nắm tình hình từ công an các xã, trên địa bàn huyện có xấp xỉ vài ngàn lao động phổ thông đi các nước trong khu vực, trong đó nhiều nhất là đi lao động “chui” sang Trung Quốc. Trước tình trạng trên, qua các kỳ giao ban, công an huyện đã chỉ đạo công an các xã tích cực tuyên truyền nhân dân không đi lao động trái phép. Tuy nhiên, do sức ép việc làm và thu nhập nên rất khó để quản lý. Bên cạnh đó, hiện nay đi lại làm ăn ở đâu là quyền công dân, khi đi khỏi địa bàn công dân chỉ nói đi làm ăn xa, không báo là sang Trung Quốc; bên đó cũng không cần giấy tờ gì nên công an rất khó để giám sát, quản lý hay ngăn cản bằng biện pháp hành chính.

... đến miền ngược

Không chỉ ở các huyện ven biển như Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Diễn Châu, Yên Thành mà các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương hay Quỳ Hợp… tình trạng lao động “chui” sang làm việc tại Trung Quốc khá phổ biến. Riêng xã Tam Quang, huyện Tương Dương đã có khoảng 100 lao động đi trái phép sang Trung Quốc làm việc.

Đặc biệt, đầu tháng 5/2015, qua đường dây nóng, một người dân ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu báo tin trên địa bàn đang "nóng" tình trạng đi lao động "chui" ở Trung Quốc; và hiện có 1 đối tượng từng trốn đi Trung Quốc nay dẫn theo "chồng" là người Trung Quốc cùng 2 người đàn ông Trung Quốc đi “tìm vợ” ở bản Thung Khặng, một bản cách xa trung tâm xã.

Bản Độ 2 (xã Châu Bình). Ảnh: N.L
Bản Độ 2 (xã Châu Bình). Ảnh: N.L

Ở Châu Bình, riêng bản Độ 2 hiện có khoảng 30 người đang lao động "chui" ở Trung Quốc. Theo Bí thư Chi bộ bản Độ 2 - ông Lô Thanh Bình, thì bản có 119 hộ, trên 500 khẩu mưu sinh chủ yếu bằng nghề nông và chăn nuôi. Đất đai của bản Độ 2 ít nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, có tới 81 hộ nghèo. Chính vì vậy, khi có người trong xã đi Trung Quốc về nói chuyện dễ kiếm tiền thì họ đi theo, bất kể việc đi như vậy là bất hợp pháp, có thể bị công an bắt giữ, hay các hệ lụy khác xảy ra. "Chúng tôi rất lo cho bà con nên cuộc họp dân bản nào cũng nhắc. Tuy nhiên, vì khó khăn trong cuộc sống nên vẫn còn nhiều người đi "chui" sang Trung Quốc lao động..." - Bí thư Lô Thanh Bình nói.

Theo Trưởng Công an xã Châu Bình, ông Lang Thanh Hoài, việc người dân trên địa bàn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động đã xuất hiện từ năm 1997 - 1998 với khoảng 10 người ở các bản: Bình 1, Độ 2, Độ 3, Kẻ Can, 3-2. Những người này làm ở Trung Quốc một thời gian trở về kể tình hình làm ăn, sau đó đưa anh em, bà con xóm giềng đi theo. Cho đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của Công an xã Châu Bình số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động lên đến 142 người; có 4 người ở Châu Bình đang bị Công an Trung Quốc bắt giữ gồm: Vi Thị Giang, Lô Thị Loan, Lang Thị Kiệm, Vi Văn Hoàng cùng ở bản Độ 3.

Hệ lụy

Theo phản ánh của một số lao động đi Trung Quốc về hoặc bị bắt trả về cho biết: Lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đi “chui” sang Trung Quốc chủ yếu làm việc ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hoặc Quảng Châu. Cách biên giới tỉnh Quảng Ninh nước ta 5 - 7 giờ đi ô tô. Bình thường cũng không có vấn đề gì vì lao động chủ yếu ăn, ở trong xưởng, không ra ngoài nhưng nếu có vụ va chạm, đánh lộn giữa người Việt Nam và người Trung Quốc thì các lực lượng chức năng truy quét khá mạnh. Khi đó, các lao động “chui” người Việt Nam là người thiệt thòi nhất.

Ông Trần Văn Yên (45 tuổi) ở xóm Thành Công, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) vừa bị Trung Quốc bắt và thả về nước cho biết: Ông là một trong số các lao động không may khi vừa sang biên giới Trung Quốc, đang đi trên xe đến TP. Đông Hưng (Quảng Châu) thì bị bắt; coi như cả 2 cha con (con trai Trần Văn Đức) mất trắng khoản tiền chi phí gần 7 triệu đồng/người. Trần Văn Toàn (19 tuổi) ở xóm 9, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) thì cho hay: Ở nhà đi biển nhưng thu nhập quá thấp nên khi được bạn bè rủ thì đi ngay. Sang Trung Quốc được nửa tháng, mà phải đổi đến 3 chỗ làm vì điều kiện làm việc quá khổ và công an truy đuổi. Đang trên đường đi tìm việc ở Quảng Tây thì Toản bị bắt và đưa về giam tại TP. Đông Hưng. Trong số 24 người Việt Nam lao động trái phép bị Biên phòng Trung Quốc bắt có 5 người của xã Sơn Hải, thì Toàn là một trong số lao động được thả về (mỗi xã được thả 1 người)... Theo em Toàn, nếu bị bắt không có giấy tờ thì đưa vào diện vô gia cư; sau khi lấy lời khai sẽ bị trục xuất trả về nước; trường hợp có giấy tờ tùy thân khi bị bắt lại sẽ bị xử nặng hơn...

Cũng theo ông Trần Văn Yên, bên cạnh các chủ tốt thì có chủ vì muốn “xù” tiền công của lao động, đến kỳ trả lương báo với cảnh sát đến kiểm tra, truy đuổi để lao động Việt Nam chạy đi chỗ khác. Mặt khác, khi bị bắt tại xưởng, chủ lao động phải bỏ tiền nộp phạt, bảo lãnh và sau đó chủ sẽ “ép” lao động quay trở lại làm việc để trừ vào lương của người lao động. Đối với lao động nữ, sang Trung Quốc lao động “chui” còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, phức tạp khác...

Có thể nói, điều lo lắng nhất là các lao động “chui” ở Trung Quốc phần lớn là thanh niên trẻ, hiếu động nên khi đi sang đó, nguy cơ nhiễm bệnh tật, tệ nạn xã hội nên khi về rất khó lường. Mặt khác, các địa phương có lao động “chui” đi ồ ạt phải gánh chịu hệ quả là vắng lực lượng “lao động vàng”, ở lại địa phương phần lớn là người già, phụ nữa và trẻ em; đồng ruộng sản xuất bê trễ, nhiều người muốn cho thuê cũng không ai thuê…

Nhà của Lô Thị Hiền ở bản Độ 2 (Châu Bình). Ảnh: N.L
Nhà của Lô Thị Hiền ở bản Độ 2 (Châu Bình). Ảnh: N.L

Trở lại tình hình xã Châu Bình (Quỳ Châu), công an xã xác nhận ở bản Độ 2 có Lô Thị Hiền, con gái bà Lộc Thị Thức là đối tượng đi Trung Quốc lấy chồng. Hiền về thăm nhà khá thường xuyên, trong thời gian qua, Lô Thị Hiền về có đến xã xin được làm chứng minh nhân dân, tuy nhiên hiện đi đâu thì không rõ.

Theo công an viên bản Độ 2, anh Lang Văn Thanh, thì Lô Thị Hiền về thăm nhà ngày 27/4/2015; theo thiệp mời, "chồng" của Hiền có tên là Tôn Dũng. Khi thấy "vợ chồng" Hiền về có đi cùng với 2 người Trung Quốc, anh Lang Văn Thanh đến hỏi thì Hiền trả lời "về thăm mẹ đẻ chứ có chi mà hỏi". Sau đó, anh Thanh đã báo cáo sự việc lại cho công an xã. Anh Thanh cho biết thêm: Sự việc 2 người đàn ông Trung Quốc đi vào bản Thung Khặng, tìm đến 2 người đàn bà góa để hỏi làm "vợ" là có thật; trong buổi "vợ chồng" Lô Thị Hiền ra mắt gia đình, 2 người đàn ông Trung Quốc và 2 người đàn bà góa ở bản Thung Khặng đều có mặt. Lô Thị Hiền hiện có tại bản hay không? Anh Lang Văn Thanh cho biết, Hiền đã đi khỏi bản ngày 4/5/2015.

Ngày 5/5/2015, khi ngang qua nhà người thân của Hiền, anh Lang Văn Thanh phát hiện còn 2 người Trung Quốc ở trong nhà. Anh Thanh nói: Trong đó có một người là chồng Lô Thị Hiền. Tiếp cận nhanh, "chồng" Lô Thị Hiền và người đàn ông Trung Quốc khoảng trên 30 tuổi. Trước sự việc người Trung Quốc về bản "tìm vợ", theo Bí thư Chi bộ bản Độ 2 Lô Thanh Bình: "Nếu công an xã làm tốt công tác quản lý thì đã không xẩy ra sự việc như vậy"...

2 người đàn ông Trung Quốc trong bữa cơm ở bản Độ 2, xã Châu Bình (Quỳ Châu).  Ảnh: N.L
2 người đàn ông Trung Quốc trong bữa cơm ở bản Độ 2, xã Châu Bình (Quỳ Châu). Ảnh: N.L

Quản lý?

Nói về tình trạng lao động trái phép của xã ở Trung Quốc liên tục bị bắt, đại diện Công an xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều lượt công dân bị bắt và thả về, mới nhất có 5 công dân bị bắt, 1 trong số đó đã về nhưng còn 4 người chưa được thả về, nên người thân và hàng xóm rất hoang mang. Xã đã báo cáo với công an huyện tìm giải pháp nắm thông tin về công dân bị bắt để có giải pháp can thiệp. Tuy vậy, từ các hiện tượng này, Công an xã Sơn Hải một lần nữa thông tin rộng rãi để cảnh báo công dân thận trọng; không nghe theo dụ dỗ, nếu có đường dây tổ chức đưa lao động đi trái phép sang Trung Quốc thì trình báo công an để lực lượng chức năng vào cuộc điều tra xử lý nghiêm. Ông Đặng Minh Hoài - Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Lưu thừa nhận: Huyện chỉ mới quản lý được lao động xuất khẩu có phép, còn mảng lao động “chui” chưa thể nắm được. Thời gian tới, phòng sẽ chỉ đạo nắm lại tình hình và báo cáo với UBND huyện để có phương án tuyên truyền, giáo dục và quản lý công dân.

Còn việc tại xã Châu Bình đang hiện diện 3 người Trung Quốc, họ đến "tìm vợ" hay vì một mục đích gì khác thì chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, theo Điều 33 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú (đối với địa bàn vùng sâu phải trong vòng 24 giờ); bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn trong việc nắm rõ và quản lý việc cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại địa phương và bên cạnh đó là việc xử lý vi phạm. Vì vậy, những người Trung Quốc nêu trên và gia đình lưu trú những người này ở Châu Bình đã vi phạm pháp luật; bên cạnh đó, Công an xã Châu Bình chưa hoàn thành trách nhiệm được giao...

PV - CTV

Mới nhất

x
Đi lao động "chui" sang Trung Quốc: Thực trạng và hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO