Di sản của Angela Merkel bị đe dọa

13/07/2015 08:21

(Baonghean.vn) - Dù điều gì xảy ra tại Athens và Brussels, để giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp, Thủ tướng Đức đều phải đối mặt với chỉ trích đang tăng lên tại quê nhà.

Tối thứ 6, hàng triệu người Đức theo dõi chương trình hài hước có nội dung liên quan đến chính trị trên truyền hình với tên gọi The Icedancer, nói về một nữ thủ tướng Đức bị chồng bắt đi nghỉ để thoát khỏi sức ép từ cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Trên đường ra ga tàu hỏa, bà bị một tấm biển hiệu rơi trúng đầu và khi tỉnh lại thì tin rằng bà đang sống trong thời gian trước khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Khó có khả năng Angela Merkel sẽ muốn quay lại thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng cơ hội quay ngược thời gian trở về thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng đồng euro của Hy Lạp chi phối nhiệm kỳ thủ tướng của bà là điều mà bà hẳn đã lấy làm hứng thú trong tuần qua. Nhà lãnh đạo nước Đức đã đối mặt với phép thử lớn nhất trong nhiệm kỳ dài cả thập kỷ của mình trong những ngày chuẩn bị cho cuộc tranh luận đột ngột vừa qua về việc liệu nên tiếp tục viện trợ cho Hy Lạp hay gạt bỏ nước này ra khỏi Khu vực đồng euro (eurozone).

Toàn bộ tương lai châu Âu dường như đặt lên vai người phụ nữ từng tuyên bố: “Nếu đồng euro thất bại, châu Âu sẽ thất bại” - và có thể cũng sẽ nói thêm: “và tôi cũng thế”.

Merkel đã phải đối mặt với quyết định giữa 2 kịch bản đều có thể gây ra thảm họa. Như Artur Fischer, đồng giám đốc điều hành của thị trường chứng khoán Berlin nhận định: “Hoặc bà lựa chọn đợt cứu trợ thứ 3 nhưng chịu rủi ro tự cô lập bản thân ở trong nước trong suốt quá trình đó - và cũng đương đầu với việc dậm chân tại chỗ trong 6 tháng hay 1 năm nữa. Hoặc bà chấp nhận việc Hy Lạp rời eurozone (Grexit), khi Hy Lạp chìm sâu hơn vào tình cảnh khốn khổ và hình ảnh về cảnh ngộ khó khăn của họ tràn ngập khắp nơi trên thế giới, bà phải chịu trách nhiệm về điều đó”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn về cuộc khủng hoảng Hy Lạp, thậm chí còn ảnh hưởng đến di sản trong nhiệm kỳ của bà. Ảnh: Internet.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn về cuộc khủng hoảng Hy Lạp, thậm chí còn ảnh hưởng đến di sản trong nhiệm kỳ của bà. Ảnh: Internet.

Trong nhiều tuần Merkel đã nói về Hy Lạp còn nhiều hơn về Đức. Bà thân thuộc với hoạt động chính trị tại quốc gia đó tới nỗi Bernd Ulrich, thông tín viên phụ trách mảng chính trị của tuần báo Die Zeit đã nửa đùa nửa thật rằng “bà có thể đồng cai quản tại Athens vào bất cứ lúc nào”.

Tờ Neue Osnabrücker Zeitung đã tóm lược trong một bài xã luận điều mà nó miêu tả là “nhiệm vụ của Hercule” vốn đã đối mặt với bà trong những ngày gần đây: “Đây là thời khắc của Angela Merkel. Bà là người được kỳ vọng sẽ làm trung gian đàm phán giữa người Hy Lạp và các đối tác sử dụng đồng euro khác. Bà là người được kỳ vọng sẽ tìm ra sự thỏa hiệp giữa các lợi ích của 11 triệu dân Hy Lạp và 320 triệu người khác trong eurozone”.

Giờ đây bà sẽ phải đem quyết định được đưa ra tại Brussels quay trở về Bundestag, nơi bà sẽ tìm thấy một trạng thái ngày càng chống đối trong những hàng ngũ bảo thủ của chính mình, nhiều người trong số đó đang kích động rằng bà đã không thúc đẩy tiến tới Grexit. Họ thậm chí cũng đã từ chối xem xét tái cấu trúc nợ, điều mà IMF đang nhất quyết làm nếu định chế này vẫn còn dính líu. Họ đều nói rằng họ đang đại diện cho những tiếng nói của các cử tri giận dữ.

Và trong khi không có nhiều nghi ngờ về việc Merkel có thể đạt được dạng thỏa thuận cứu trợ nào đó thông qua Bundestag nếu bà muốn, nhờ có sự hậu thuẫn của đối tác liên minh thâm niên ít hơn, Đảng dân chủ xã hội, câu hỏi còn lại là: cái giá phải trả đối với bà là gì?

Một cuộc nổi loạn trong hàng ngũ của đảng có thể tỏ ra trọng yếu đối với tương lai của bà với tư cách thủ tướng Đức. Merkel chứng kiến di sản của mình bị đe dọa khi có những đồn đoán rằng bà có thể cân nhắc bước vào nhiệm kỳ thứ 4 trong năm 2017.

Trong những ngày gần đây, kiến nghị trực tuyến của nhà kinh tế Thomas Piketty, kêu gọi chính phủ Đức giảm nợ cho Hy Lạp như khoản giảm trừ Đức từng nhận được để hỗ trợ tái cấu trúc nước này sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có ảnh hưởng to lớn.

Việc đó và những dòng tít lớn chẳng hạn như trên tờ New York Times hồi tuần trước: “Người Đức quên bài học lịch sử hậu chiến về giảm nợ trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp”, kèm theo một bài viết đề cập đến “sự đạo đức giả của Đức” và một bức ảnh về lễ ký kết hiệp định trên thực tế đã giảm một nửa nợ nần hậu chiến tranh của Tây Đức hồi năm 1953, đã khiến một số người Đức cảm thấy bực bội.

Họ lập luận rằng, sau khi quá nhiều tiền đổ vào cho Chính phủ Hy Lạp và vô số hứa hẹn được đưa ra mà không đổi lại được gì, so sánh trên là không công bằng.

Fischer, thuộc thị trường chứng khoán Berlin cho biết: “Có nhiều khác biệt văn hóa đang diễn ra tại đây, bao gồm thực tế rằng người Đức chúng tôi ghét sự thiếu chắc chắn. Chúng tôi tạo ra tiêu chuẩn cho mọi thứ, kể cả những chiếc ghế để bảo đảm chúng sẽ phù hợp với những chiếc bàn, chúng tôi yêu thích sự chắc chắn đó vô cùng, và tôi luôn xuất hiện tại các cuộc gặp đúng giờ. Điều giải thích tại sao chúng tôi không muốn ném tiền vào việc gì, đó là không biết khoản tiền sẽ đi về đâu”.

5 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Nửa thập kỷ thảo luận căng thẳng và chậm chạp với Athens, với những nhà lãnh đạo mà các đề xuất của họ chưa bao giờ thuyết phục được Merkel, và nhiều năm mà bà và Bộ trưởng tài chính của mình, Wolfgang Schäuble, đã nhiều lần bị miêu tả là phát xít. Giọt nước tràn ly đối với Merkel là việc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố về cuộc trưng cầu dân ý.

Một Merkel giận dữ đã miêu tả Tsipras với nhóm khống chế trong đảng của bà là “cứng rắn và mang tính ý thức hệ” và tuyên bố rằng ông “đang trừng mắt lèo lái đất nước đâm đầu vào tường”.

Trong phạm vi nước Đức, chỉ trích về các chính sách Hy Lạp của Merkel đã và đang tăng lên, Trên tờ Die Zeit, cựu ngoại trưởng Đức Joschka Fischer đã cáo buộc bà không nhìn thấu những hậu quả về chính trị của các kế hoạch khắc khổ và tuyên bố ông tin rằng hiện không có giải pháp nào chừa chút mặt mũi cho một trong hai bên. Ông nói: “Tôi đổ lỗi việc này cho chính phủ Đức. Họ đã không biện luận hay hành xử một cách chính trị”.

Cựu nghị sỹ đảng Xanh nói rằng ông muốn Merkel công nhận rằng, với tư cách là đối tác “khôn ngoan và mạnh hơn”, chính phủ Đức nên sẵn sàng “thừa nhận rằng các chính sách cứu trợ của nước này đến nay đã thất bại”. Ông đặt câu hỏi tại sao không đề xuất một khoản giảm nợ để đổi lấy các cải cách cơ cấu?

Trong khi bà Merkel thường được ví von là “Nữ hoàng châu Âu”, các nhà quan sát đã chỉ ra trong cuộc khủng hoảng này, trái với Helmut Kohl, Merkel không phải là một người châu Âu thiếu đam mê mà là thiếu thường thức.

Nhà bình luận chính trị Ludwig Greven cho biết: “Bà biết rằng sự thịnh vượng của Đức phụ thuộc vào việc chung sống hòa bình với các quốc gia khác trên lục địa này, đồng thời cũng cùng họ vận hành về mặt kinh tế. Và đây là lý do tại sao bà sẽ tìm kiếm sự thỏa hiệp với Hy Lạp - dù điều đó tỏ ra khó khăn tới mức nào”.

Thu Giang

(Theo Guardian, BBC)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Di sản của Angela Merkel bị đe dọa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO