Di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên ở Hải Phòng
Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà-Hải Phòng vừa được xếp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quý giá của quần đảo Cát Bà. Đồng thời, có ý nghĩa thiết thực để quần đảo này sớm được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Quần đảo chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử
Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Đỗ Xuân Trung khẳng định: Quần đảo Cát Bà chứa đựng nhiều dấu tích của thời kỳ tiền sử biển Việt Nam, thời kỳ phong kiến, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Theo đó, các di chỉ thời tiền sử ở quần đảo Cát Bà được các nhà khoa học đánh giá cao về vai trò, vị trí và ý nghĩa lịch sử trong diễn trình nghiên cứu văn hóa khảo cổ tiền sử vùng duyên hải Bắc Bộ Việt Nam. Đặc biệt là văn hóa biển thời tiền sử ở phía Bắc nước ta, trong đó nổi lên là di chỉ Cái Bèo. Có thể khẳng định, di chỉ Cái Bèo là một trong số những di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất trong khu vực ven biển, hải đảo của miền Đông Bắc Việt Nam.
Bãi tắm Cát Dứa
Tại Cát Bà, những dấu ấn của thời văn minh Đông Sơn, Hán thuộc, của ngàn năm Bắc thuộc đấu tranh giữ nước thời Trần, thời Lê, Nguyễn, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đều có rải rác khắp nơi. Điều đó minh chứng cho một quá trình vận động liên tục của lịch sử hòn đảo nhỏ này trong quá trình vận động chung của lịch sử cả nước.
Giá trị cảnh quan thiên nhiên
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, quần đảo Cát Bà - Long Châu là quần đảo tự nhiên hình thành do quá trình kiến tạo địa chất quá trình biển tiến vào giai đoạn Holocene, cách ngày nay hàng chục ngàn năm. Do quá trình biển tiến đã chia cắt đất liền thành các đảo nhỏ độc lập. Địa hình quần đảo Cát Bà hiện nay gồm các khối núi đá vôi xếp thành hàng dãy liên tục và độc lập nổi lên giữa biển Vịnh Bắc Bộ. Lớp cát địa tầng cho thấy quá trình vận động lâu dài tạo thành vùng quần đảo như ngày nay.... Điều đó tạo cho nơi đây sự trong lành, yên tĩnh, trù phú... Ngoài rừng, biển, ẩn sâu trong lòng núi đá là các hang động thiên nhiên kỳ thú với những nhũ đá hàng triệu năm tuổi còn nguyên vẻ hoang sơ, như: động Thiên Long, Hoa Cương, Cây Thị, Hiền Hào, Trung Trang,... tạo nên hệ thống thắng cảnh đa dạng, không phải nơi nào cũng có.
Quần đảo Cát Bà có nhiều vịnh biển đẹp, thơ mộng như vịnh Lan Hạ và hàng trăm tùng vụng như một công viên biển kỳ thú, có cảnh đẹp hoang sơ như: Ao Ếch, vụng Le, vụng Tùng Gấu... Trong đó, vụng Tùng Gấu đi sâu vào trong đảo tới 7,5 km, cửa vụng rộng khoảng 400m, độ sâu trung bình là 4- 5 m, có nhiều nguồn hải sản quý hiếm. Đây là nơi lý tưởng để tắm biển với làn nước trong xanh và bãi cát trắng tinh từ những mảnh vụn san hô tạo thành.
Bãi tắm Cát Cò
Được hình thành từ vùng địa hình núi đá vôi nằm giữa biển khơi, quần đảo Cát Bà hình thành nên các bãi tắm đẹp và nhiều đảo nhỏ chưa có người đặt chân đến, chưa được đặt tên còn giữ lại vẻ đẹp hoang sơ. Trong đó nổi bật như bãi tắm: Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3, Cát Dứa, Cát Ông, Cát Trai, Dượng Tranh…. Phần lớn các bãi tắm ở đây thoải, nước biển có độ mặn cao nên nước trong xanh và sạch, kín gió, ánh nắng chan hòa. Các bãi tắm trải dài, giao hòa với biển khơi đầy nắng thơ mộng, kỳ ảo...
Cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ thú là giá trị to lớn thiên nhiên ban tặng cho quần đảo Cát Bà. Ngược lại, đó cũng là giá trị thiên nhiên mà nơi đây mang lại cho con người. Đây là cở sở để thành phố, huyện và các ban ngành hoạch định việc phát triển các loại hình du lịch trên đảo.
Trung tâm đa dạng sinh học cao
Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Đỗ Xuân Trung, cũng cho rằng một trong những giá trị được nhấn mạnh trong hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đó là quần đảo Cát Bà - Long Châu là một trung tâm đa dạng sinh học cao.
Quần đảo Cát Bà với 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển. Trong số này có tới 137 loài được chính phủ Việt Nam xác định là các loài quý hiếm đưa vào Sách Đỏ để bảo vệ và cũng có tới 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của IUCN. Trong đó có 1 loài linh trưởng là loài Voọc Đầu Trắng và 6 loài thực vật ở cấp cực kỳ nguy cấp đó là Dó Bầu, Mun, Táu Muối, Chò Chỉ, Sao hồng gai và Dầu nàng song. Đặc biệt loài Voọc Đầu Trắng là loài đặc hữu hiện nay chỉ còn một quần thể với 63 cá thể, trên thế giới duy nhất còn có ở Cát Bà. Vì vậy loài này được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khuyến cáo trong danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần đặc biệt bảo vệ. Đây được coi là giá trị quý hiếm ngoại hạng toàn cầu và được Việt Nam vinh danh là Biểu tượng của quần đảo Cát Bà.
Trên Vịnh Cát Bà.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải khẳng định: Các giá trị tại Cát Bà được Chính phủ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao thông qua việc được công nhận danh hiệu cũng như thành lập các tổ chức nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nơi đây, như: Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Từ năm 2008 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 2 di tích quốc gia: Di chỉ Cái Bèo và Di tích lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà. Tháng 9 năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Danh thắng Quần đảo Cát Bà là Danh lam thắng cảnh quốc gia. Thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm tới khu vực Di sản này và có nhiều hoạt động cải thiện môi trường, bảo vệ các loài quý hiếm trên đảo. Đồng thời, có nhiều giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, góp phần phát triển bền vững Di sản cho các thế hệ tương lai.
Theo QĐND