Đi tìm lời giải cho việc xử lý "vấn nạn" tin nhắn rác
Trong vài năm gần đây, tin nhắn rác thực sự là nỗi ám ảnh cho người dùng điện thoại di động. Cho dù cơ quan quản lý đã ra nhiều biện pháp xử lý nhưng vấn nạn này tiếp tục diễn ra và không có dấu hiệu suy giảm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực tế, trong khoảng từ tháng 9 trở lại đây mỗi ngày điện thoại của họ nhận được khá nhiều tin nhắn rác. Đa phần trong số đó là những tin nhắn bán sim số đẹp, bất động sản, chăn ga gối đệm…
Tin nhắn rác vẫn tiếp tục hoành hành. Ảnh: Vietnam+ |
Chặn tin rác, doanh nghiệp đã thực sự "ra tay?"
Các thuê bao “hứng” tin nhắn rác đủ của cả 3 mạng lớn: Viettel, MobiFone, VinaPhone. Số điện thoại được dùng để nhắn tin rác đa phần là 11 số, thậm chí cả 10 số và đầu số 1800, 1900... Tuy nhiên, trong nội dung tin nhắn bao giờ cũng để lại một số điện thoại khá đẹp (thường là 10 số) để các thuê bao có thể liên lạc lại.
Cách đây gần hai năm, các doanh nghiệp viễn thông đã tuyên chiến với tin nhắn rác với lời lẽ khá hùng hồn: “Chấp nhận giảm doanh thu.”
Đại diện của VNPT khi ấy cho hay đã xây dựng và triển khai phần mềm chặn tin nhắn rác, có khả năng chặn tin nhắc rác theo từ khóa và theo tần suất nhắn tin của thuê bao. Còn phía Viettel khẳng định đã xây dựng xây dựng hệ thống chống spam theo tốc độ nhắn tin và kiểm soát được khoảng 60% dung lượng tin nhắn…
Về phía cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có nhiều tích cực bằng việc ra nhiều quyết sách, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác. Song, lực lượng thanh tra thì quá mỏng và lại có quá nhiều việc để làm. Còn doanh nghiệp thì nói mạnh, nhưngcó làm mạnh hay không thì không rõ, chỉ có thực tế hiện nhiên là tin rắc vẫn làm khổ các "Thượng đế" mỗi ngày, thậm chí không ngừng gia tăng.
Thanh tra, xử phạt vẫn bắt cóc bỏ đĩa
Đã có nhiều quy định, hành động quyết liệt từ phía cơ quan chức năng về vấn đề tin rác. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã nhiều lần tập hợp các số điện thoại, đầu số phát tán tin nhắn rác để yêu cầu nhà mạng cắt hợp đồng, chặn số… định kỳ hàng tháng.
Mới đây nhất, trong buổi họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 6/10, thanh tra bộ này cho biết đã phạt 3 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác, nhắn tin lô đề lên tới 240 triệu đồng và sẽ tiếp tục phạt 5 doanh nghiệp khác với hành vi tương tự.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu thanh tra tích cực kiểm tra, xử phạt hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để lập lại trật tự trong lĩnh vực công nghệ thông tin và nội dung số.
Thế nhưng, thực tế từ trước đến nay cho thấy, dù mức phạt có nặng thì tin nhắn rác chỉ giảm trong một khoảng thời gian nào đó, và lại tiếp tục tác oai tác quái, làm khổ người dùng di động.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn tin nhắn rác?
Trên thực tế, bất cứ thuê bao di động nào cũng có thể lấy sim của mình để nhắn tin rác tới các thuê bao khác. Còn việc đầu số phát tán tin nhắn rác thì chắc chắn là sự cố ý của doanh nghiệp. Bởi thế, nhà mạng cho rằng, xử lý đầu số phát tán tin rác thì dễ, còn với cá nhân là điều rất khó…
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu Phát triển của Bkav cho rằng, tin nhắn rác dù trực tiếp (sim) hay gián tiếp (đầu số) thì đều đem lại nguồn thu cho nhà mạng. Bởi thế, nhà mạng phải thực sự hy sinh lợi nhuận thì nạn tin nhắn rác mới giảm. Bên cạnh đó, việc xử lý tin nhắn rác của cơ quan quản lý nhà nước cần phải kịp thời và mạnh mẽ hơn.
Trong cuộc họp ngày 6/10, đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, chừng nào chưa ban hành được Thông tư về quản lý đầu số tin nhắn di động thì vấn nạn tin nhắn rác qua đầu số sẽ vẫn còn hoành hành.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Thông tư về kết nối giữa Telco-CP (nhà mạng và doanh nghiệp cung cấp nội dung số), Thông tư hướng dẫn Nghị định 77 về chống thư rác... với các quy định rõ ràng. Và, đây là những văn bản được kỳ vọng sẽ hạn chế tin nhắn rác.
Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản để xử lý từ gốc vấn đề là điều cần làm gấp của cơ quan quản lý. Song có lẽ tình trạng tin nhắn rác sẽ khó giảm một cách triệt để nếu không có sự phối hợp chặt chẽ và như ông Vũ Ngọc Sơn phân tích "bản thân nhà mạng không thực sự hy sinh vì "Thượng đế"."
Theo Vietnam+