Dịch bệnh gia súc gia cầm: Nguyên nhân và trách nhiệm
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tục xẩy ra, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay đã bùng phát ba đợt dịch, cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, nhiều hộ chăn nuôi trong chốc lát bị phá sản. Vậy nguyên nhân và trách nhiệm do đâu?
(Baonghean) - Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tục xẩy ra, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay đã bùng phát ba đợt dịch, cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, nhiều hộ chăn nuôi trong chốc lát bị phá sản. Vậy nguyên nhân và trách nhiệm do đâu?
Yên Thành có 53.160 con gia súc, gần 2 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát nên 6 tháng đầu năm đã phải tiêu hủy 8.739 con lợn và hơn 1.000 gà, vịt, ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi lên hàng tỷ đồng. Đặc biệt mới đây, dịch cúm gia cầm H5N1 lại bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi chịu cảnh trắng tay sau nhiều tháng lao động vất vả.
Chị Phan Thị Tân, xóm 5 - Thị trấn Yên Thành, buồn bã: Vì điều kiện sức khỏe không làm được việc nặng nên gia đình quyết định vay vốn đầu tư chăn nuôi gà vịt, lấy công làm lãi để nuôi con ăn học. Thế nhưng, bỗng nhiên mấy ngày qua thấy gà vịt cứ chết dần, hốt hoảng chị báo với thú y huyện thì mới biết gà vịt của mình bị nhiễm bệnh cúm gia cầm. Hơn 1.000 gà vịt chuẩn bị xuất chuồng phải đem đi chôn, không biết mấy chục triệu vay ngân hàng lấy đâu mà trả.
Còn bà con ở xóm 4 xã Diễn Thắng (Diễn Châu) cũng chung hoàn cảnh từ khi dịch bệnh bùng phát ngày 6/8 đến nay đã có 8 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy gần 900 con gà, vịt. Cuộc sống gia đình anh Đặng Văn Thiết dựa vào 320 con vịt đẻ là chính, vậy mà dịch bùng phát, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mới đây dịch lại xảy ra trên đàn hươu của huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu, gần 600 con hươu bị chết, ước thiệt hại gần 20 tỷ đồng, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay.
Điều đáng quan tâm là dịch bệnh xảy ra không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nó còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người dân. Đã có những thời điểm khi dịch bùng phát dọc các tuyến sông, kênh mương rất nhiều xác động vật, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Chi cục phó, Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Dịch bệnh xảy ra có rất nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân về thời tiết diễn biến phức tạp thì ý thức người dân và công tác quản lý Nhà nước về thú y là nguyên nhân chính. Ở đâu thực hiện tốt Pháp lệnh Thú y thì ở đó hạn chế được dịch bệnh xảy ra.
Điều dễ nhận thấy tại các ổ dịch là ở đó người dân đều xem nhẹ công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn thờ ơ với công việc này. Bên cạnh đó, chính quyển sở tại không quan tâm đúng mức công tác phòng chống dịch nên dịch bệnh xảy ra là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho hay: Năm nào chính quyền huyện cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc pháp lệnh về thú y. Tuy nhiên do ý thức chủ quan của người dân và lãnh đạo của một số xã nên tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc không đạt yêu cầu.
Không chỉ ở Yên Thành mà nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực hiện tốt pháp lệnh về thú y, chế tài xử phạt chưa có tính răn đe, công tác phòng chống dịch còn bất cập, nhiều đơn vị còn cho rằng phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của cơ quan thú y. Bên cạnh đó chưa huy động được các hệ thống chính trị vào cuộc nên công tác phòng chống dịch bệnh thiếu hiệu quả, cứ "nước đến chân mới nhảy".
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cho người dân chưa được quan tâm, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Trong khi đó đội ngũ cán bộ thú y còn thiếu và yếu về chuyên môn nên hiệu quả công việc không cao.
Ông Nguyễn Trọng Bốn - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Diễn Châu, cho biết: Ngoài các nguyên nhân nêu trên phải đề cập tới việc quản lý Nhà nước về công tác vận chuyển, tiêu thụ và giết mổ gia súc, gia cầm. Cần tăng cường nhiều loại vắc xin cho các địa phương để đối phó với dịch bệnh xảy ra.
Minh Thứ