Đích đến của nông thôn mới phải là văn hóa
(Baonghean.vn) - Văn hóa vừa là vai trò vừa là động lực vừa là hệ điều chỉnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới phải được coi là sự khởi đầu và là đích đến của nông thôn, nông dân.
Ta chịu khó đến với nông thôn thời CNH, HĐH, hội nhập sẽ dễ dàng nhận ra những đụng độ không tránh khỏi trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đấy là đụng độ giữa văn hóa công nghiệp, văn hóa đô thị với văn hóa truyền thống bản địa bao lâu nay rồi mà chưa phân thắng bại. Nông thôn đang phải vặn mình tìm cách ứng xử với mọi thứ chung quanh để hòa nhập sự khác biệt giữa tính nguyên tắc kỷ luật, trọng lý của văn hóa hiện đại với tính tùy tiện, cảm tính, trọng tình của văn hóa cổ truyền. Thấy ra cái khó khăn vô cùng trong sự hòa nhập ấy. Thực tế, nông thôn đang chậm chạp nhích dần, thậm chí có khi dò dẫm từng bước về phía lành mạnh và phồn thịnh.
Đường về làng Quỳnh, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nhật Thanh |
Năm 2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trên cơ sở đó, Chính phủ xây dựng, triển khai Chương trình Quốc gia vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng một nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển văn hóa nông thôn với văn hóa đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Mục đích thế nên Chương trình Quốc gia vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được nhân dân khắp mọi vùng, miền nhiệt tâm hưởng ứng. Nhân dân góp công vì nông thôn mới, nhân dân hiến đất vì nông thôn mới, nhân dân ủng hộ tiền vì nông thôn mới, nông dân đoàn kết, chung lưng đấu cật vì nông thôn mới… Những nét đẹp văn hóa ấy vẫn chưa đủ sức lực ngăn chặn sự mai một, biến dạng các giá trị truyền thống cơ bản, cái đã tạo nên đặc trưng, bản sắc văn hóa làng Việt. Trong khi đó, các giá trị văn hóa đương đại hình thành, tạo nên hệ thống chuẩn mực mới, thành bản sắc văn hóa mới thì đang là cả một quá trình. Xây dựng một môi trường xã hội nhân bản, một môi trường tự nhiên lành mạnh mà văn hóa vừa là vai trò vừa là động lực vừa là hệ điều chỉnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới phải được coi là sự khởi đầu và là đích đến của nông thôn, nông dân.
Thiết nghĩ, tiến trình thực hiện Chương trình Quốc gia vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải song hành với tiến trình xây dựng hệ văn hóa ứng xử mới trong khu dân cư, trong các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong doanh nghiệp, trong lao động, trong lễ tiết… Và vì vậy, phải là một lựa chọn văn hóa. Bỏ sự chủ quan coi nhẹ, nhắc đến nhiệm vụ của văn hóa như là “bia kèm lạc”, trong những thập niên cứ “mải mê” kinh tế dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực của xã hội trong nhiều năm qua.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày hội Văn hóa các dân tộc ở Nghệ An, ngày 19/4 tại Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tuyên |
Từ những nét văn hóa đặc trưng từng sống trong ký ức, từng thao thức trong tâm hồn người nông dân bao thế hệ như lối ngõ, lũy tre, cây đa, bến nước, sân đình, đêm trăng, câu hò, điệu ví, khúc đồng dao… đến một đình làng, một ngôi chùa, một đền thờ Thành hoàng, một làng nghề, một nét kiến trúc, một trò chơi dân gian, một món ăn, thức uống, phong tục, tập quán, nghi lễ, dư luận… mà điều chỉnh, mà chọn lựa những giá trị phù hợp, loại bỏ những cái lỗi thời để kiến tạo làng, nông thôn mới.
Làng đã thể hiện tuyệt vời sức mạnh của nó trong quá trình dựng nước, giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử. Thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, sức mạnh của làng đặt cược vào văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội của người nông dân. Đây là một vấn đề cốt yếu, một lựa chọn thường xuyên, liên tục trên quan điểm văn hóa là gốc rễ là mục tiêu của làng, nông thôn mới.