Bi kịch của 'cô dâu 8 tuổi' và những chuyện lạ ở nước Mỹ
Đính hôn từ khi 8 tuổi và liên tục bị chồng hành hạ là bi kịch cuộc đời Naila, một trong nhiều bé gái bị ép tảo hôn ở Mỹ.
Naila sau khi đính hôn năm 8 tuổi. Ảnh: Sun. |
Theo một phóng sự về nạn tảo hôn ở Mỹ của báo Anh Sun, gần một phần tư triệu trẻ em ở Mỹ đã kết hôn từ năm 2000 tới nay, dưới sự công nhận của luật pháp Mỹ. Một trong số đó là Naila Amin, lấy chồng hơn cô 13 tuổi.
"Đó là thân thể của mày nhưng tao mới là chủ sở hữu", Naila nhớ lại tuyên bố của người chồng 28 tuổi trước khi cưỡng hiếp mình, khi đó mới 15 tuổi, trên sàn nhà bê tông lạnh lẽo.
Địa ngục bắt đầu từ khi cô bé tham gia một đám cưới gia đình tại quê nhà Pakistan năm 8 tuổi. Cô bé đang sống ở New York này nhìn thấy vài bạn gái cười khúc khích và chỉ tay vào mình nói: "Cậu không biết chuyện tối qua à? Cậu được đính hôn rồi đấy".
Naila choáng váng, tự hỏi tại sao bố mẹ chưa bàn với cô chuyện này? Cô bé chạy đi hỏi và bị sốc khi họ xác nhận. Naila thất thần khi quay lại trường học ở Queens, New York, Mỹ. Cô nhớ rõ khi đó mình thích một bạn cùng lớp tên là Theo. Đó là người khác phái đầu tiên khiến Naila rung động, cho đến khi cậu bạn hét vào mặt cô: "Thôi đi, cậu đã đính hôn rồi, còn mơ mộng gì nữa".
Đau khổ, Naila bắt đầu nổi loạn, chống lại truyền thống Hồi giáo của người Pakistan. Cô bé không choàng khăn trùm đầu, mượn hàng xóm quần áo kiểu Tây và thay nó trên đường tới trường.
Năm Naila 13 tuổi, bố mẹ đưa cô về Pakistan để làm lễ "nikah", lễ cưới Hồi giáo truyền thống. Khi trở về Mỹ, bố cô đã làm thủ tục hợp pháp hóa hôn nhân và xin thị thực cho chồng sắp cưới của cô tới Mỹ.
Naila chắc mẩm nhân viên làm giấy tờ sẽ chú ý đến tuổi tác mình và không chấp nhận, nhưng cô bé đã lầm. Luật pháp Mỹ cho phép cô bé 14 tuổi được kết hôn nếu bố mẹ đồng ý, vì 25 bang ở Mỹ không quy định tuổi kết hôn tối thiểu.
Theo báo cáo, từ năm 2000 tới 2015 có gần 120.000 vụ trẻ dưới 18 tuổi kết hôn tại Mỹ. Ở bang Tennesse năm 2001, có ba bé gái 10 tuổi kết hôn với những người chồng 24, 25 và 31 tuổi. Ở Alabama, có một vụ bé gái 14 tuổi lấy ông già 74 tuổi.
Địa ngục trần gian
Naila tiếp tục nổi loạn, thậm chí còn hẹn hò một cậu bạn người Mỹ cùng tuổi cho tới khi bị bố phát hiện. Ông giận dữ và đánh con gái tới nỗi nhập viện. Cuối cùng, năm 14 tuổi, Naila bị đưa về Pakistan, nơi cô bắt đầu cuộc sống địa ngục.
"Tôi cưới hôm 5/1/2005, khi vừa bước sang tuổi 15", Naila nhớ lại. "Dù đã làm nikah trước, nhưng khi đó họ làm thế để chồng tôi nhập cư vào Mỹ nên các nghi thức không đầy đủ và phải làm lại. Ngày cưới của tôi rất đáng sợ. Tôi đau khổ tới nỗi không muốn mẹ thuê thợ trang điểm mà tự trang điểm lấy. Tôi thậm chí còn đặt một cái gối ở giữa giường cưới vào đêm tân hôn để không phải chạm vào anh ta".
Naila đau khổ trong ngày cưới. Ảnh: Sun. |
"Tôi phải hầu hạ chồng đủ việc, từ cởi giày, cởi tất cho anh ta, tới nấu nướng cho tất cả mọi người. Đó không phải cuộc sống tôi mong muốn. Tôi là người Mỹ, sinh trưởng ở New York. Tôi thường nhìn ngắm lũ trẻ con. Mỗi đêm, khi hắn ta cưỡng bức tôi, tôi lại ước mình hóa thành trẻ nhỏ, mà thực tế tôi vẫn là một đứa trẻ", Naila kể lại.
Naila từng nhiều lần tự tử nhưng không thành mà còn bị đánh đập. Mười ngày sau kết hôn, Naila chạy trốn, nấp dưới sàn ghế sau ôtô, cưỡi ngựa, tránh khỏi tai mắt phiến quân Taliban để tìm đường tới địa sứ quán Mỹ ở Islamabad. Nỗ lực chạy trốn thất bại, cô bị đưa về nhà chồng.
"Anh ta đánh tôi ngay trước mặt người nhà, chị em gái, con cái và chồng họ, em gái tôi, mẹ tôi", Naila kể. "Tôi nhớ như in mẹ tôi hét to như thể đang lâm bồn. Anh ta túm tóc kéo lê tôi đi nhiều mét. Giờ đầu tôi vẫn còn mảng hói, tóc cũ không thể mọc lại".
"Anh ta đá vào đầu tôi, tôi choáng váng. Đùi tôi vẫn con sẹo. Sau đó anh ta bảo tôi đi sửa sang lại rồi cùng đến nhà dì ăn tối. Tới đêm, anh ta tiếp tục cưỡng bức tôi".
Năm tháng sau khi kết hôn, bố mẹ của Naila quay về Mỹ. Cô mượn ông chú điện thoại, gọi cho nhân viên bảo trợ trẻ em ở New York. Nhà chức trách bắt giữ mẹ cô ngay khi đặt chân lên đất Mỹ với cáo buộc bắt cóc. Để vợ được thả, bố của Naila bảo con rể đưa cô quay lại New York. Khi hạ cánh xuống sân bay JFK, Naila thở phào nhẹ nhõm.
Phi công thông báo cô là người đầu tiên rời khỏi máy bay. Naila được một nhóm gồm 20 nhân viên xã hội và bảo trợ trẻ em tiếp đón.
Vết thương cả đời
Giờ cô 28 tuổi, đang sống cùng bạn trai trong một khu dân cư yên tĩnh tại Long Island. Naila trở thành một nhà vận động tích cực chống lại nạn tảo hôn, tới thuyết giảng trong trường học, thậm chí trình bày trước Liên Hợp Quốc, với tâm nguyện sẽ không bé gái nào trải qua chuyện cô từng gặp.
Naia giờ 28 tuổi, trở thành nhà vận động tích cực chống nạn tảo hôn ở Mỹ. Ảnh: Sun. |
Cô thành lập quỹ từ thiện Naila Amin, ước mơ thành lập một ngôi nhà chung, nơi che chở cho nạn nhân chạy trốn từ những vụ hôn nhân cưỡng bức. Có điều, Naila vẫn chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần từ cuộc hôn nhân cưỡng ép.
"Nếu bị ép buộc lấy chồng khi còn là một đứa trẻ, ta sẽ không bao giờ quên được nỗi đau ấy. Tôi vẫn bị sang chấn tâm lý, hay lo lắng. Tuổi thơ của tôi, tuổi trẻ của tôi đã bị cướp mất, để lại vết thương tâm lý cả đời, thậm chí cả vết thương thể chất nữa", Naila nói.
"Tôi muốn luật pháp Mỹ thay đổi. Ở đất nước này, người ta đã bay lên Mặt Trăng, nhưng trẻ em thì vẫn không được bảo vệ khỏi hôn nhân cưỡng ép".