Điểm hẹn của tư tưởng và thực tiễn

12/01/2015 16:43

(Baonghean) - Bác Hồ từng nói: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”. Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một yêu cầu thực tiễn ở mọi giai đoạn, đồng thời cũng là giải pháp để tăng cường công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Đề cao thực tiễn

Năm 2014 vừa qua có thể được xem là một năm bận rộn và thành công của ngành Giao thông Vận tải Nghệ An. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không thể không kể đến công tác lãnh đạo hiệu quả, khoa học trên cơ sở Đảng lãnh đạo, bộ máy hành chính thực thi. Cụ thể, thực hiện nghị quyết triển khai xây dựng chuyên đề sinh hoạt chi bộ do Đảng ủy ban hành, mỗi nhiệm vụ đều được gắn với vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng cơ sở thông qua 4 chuyên đề do chính các chi bộ xây dựng và đề xuất. Đó là: Nâng cao năng lực chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong GPMB Quốc lộ 1A (Chi bộ Ban dự án xây dựng); Nâng cao năng lực của tổ chức cơ sở đảng trong công tác chống xe quá khổ, quá tải (Chi bộ Thanh tra); Nâng cao văn hóa công sở (Chi bộ Phương tiện xe lái); Giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống (Chi bộ Văn phòng).

Đối với từng nội dung sinh hoạt, các đảng viên ở mỗi chi bộ đều phải chuẩn bị kỹ các ý kiến thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với chuyên đề sinh hoạt nhằm phát huy tính dân chủ, khai thác triệt để trí tuệ cá nhân trong xây dựng tập thể. Ví dụ như với chuyên đề Giáo dục phẩm chất, đạo đức, như đồng chí Nguyễn Sỹ Đồng - Phó Bí thư Đảng ủy cho biết thì: “Đối với chuyên đề này, chúng tôi yêu cầu mỗi đảng viên phải nêu được giải pháp và nhận xét được thực trạng chung của cán bộ ngành hiện nay, nhất là đối với những lĩnh vực nhạy cảm. Trên tinh thần không né tránh, nghiêm túc trong phê bình và tự phê bình nên sinh hoạt chi bộ chất lượng, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ làm việc và tính tận tụy của đảng viên trong thực thi nhiệm vụ”.

Đồng chí Trần Văn Minh - Bí thư Chi bộ 3, xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) trao đổi với phóng viên.Ảnh: T.A
Đồng chí Trần Văn Minh - Bí thư Chi bộ 3, xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) trao đổi với phóng viên. Ảnh: T.A

Nhờ những sinh hoạt chuyên đề gắn với thực tiễn và nhiệm vụ chuyên môn, năm qua Đảng bộ Sở Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều chủ trương sát đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn và các yêu cầu của UBND tỉnh như: Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh bằng xe ô tô; Đề án phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020; Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông trong mùa bão lụt và các sự cố thiên tai khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng bến xe khách và bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh; Quyết định phê duyệt các điểm đón, trả khách tuyến cố định bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh; Quy định về tuyến đường, thời gian hạn chế lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Vinh… Đặc biệt, Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2014, đã có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm tra, xử lý hoạt động của các phương tiện chở quá khổ, quá tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu công trình giao thông.

Ở Chi bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy trực thuộc Đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh, việc xây dựng và ban hành dự thảo chuyên đề sinh hoạt trên cơ sở đề xuất của các phòng. Với đặc thù là ban đảng thực thi nhiệm vụ tham mưu cho đảng bộ trên cơ sở tiếp xúc và gần gũi với cơ sở và nhân dân, mỗi đảng viên có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đi cơ sở trình lên lãnh đạo phê duyệt; trước chi bộ phải báo cáo được 3 ưu, 3 khuyết và 3 tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tại cơ sở. Nắm bắt tình hình thực tiễn ở cơ sở được nhận định là yếu tố then chốt để nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo, là cơ sở để định hướng, xây dựng giải pháp trong chuyên đề sinh hoạt. Ví dụ, trong chuyên đề công tác tôn giáo dân tộc, chi bộ đã cùng nhau thảo luận những vấn đề rút ra từ thực tiễn cơ sở, đi đến kết luận lấy mô hình dân vận khéo làm hạt nhân trong tuyên truyền, vận động nhân dân ở những vùng có đạo. Hoặc trong sinh hoạt chuyên đề “Công tác dân vận theo tư tưởng trong bài báo dân vận của Bác Hồ”, yêu cầu của chi bộ là mỗi đảng viên phải tự liên hệ thế mạnh, sở trường và cả những cảm nhận của bản thân sau khi học bài báo dân vận của Bác, từ đó phát hiện những tồn tại trong công tác dân vận, nêu giải pháp đối với địa bàn, đơn vị đó.

Nâng tầm định hướng

Nhận thấy sự thiết yếu của việc nâng cao vai trò của tổ chức đảng trong tình hình mới, nhiều đảng bộ địa phương trên địa bàn toàn tỉnh bám sát chỉ đạo của đảng ủy cấp trên về việc học tập Nghị quyết số 09- NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo. Xã Tường Sơn (Anh Sơn) có 14 chi bộ, với 1/3 dân số là đồng bào theo đạo Thiên Chúa, đảng bộ xã chú trọng công tác hòa giải cơ sở gắn với các mô hình dân vận khéo trong vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hàng năm, khi triển khai nghị quyết xuống các chi bộ cơ sở, đảng ủy phân công cấp ủy có năng lực về các thôn xóm có đồng bào theo đạo Thiên Chúa chỉ đạo điều hành thực hiện các kế hoạch đề ra. Nhờ đó, ngay cả một chủ trương được cho là khó làm, khó vận động và tuyên truyền như việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đã được các chi bộ triển khai bài bản, tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Như tại xóm 12, khi chủ trương chuyển đổi ruộng đất được ban hành thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, các đồng chí trong cấp ủy được phân công theo dõi các tổ tự quản đã đóng góp ý kiến thảo luận, nêu rõ thực trạng, giải quyết những điểm vướng mắc. Trong đó, việc bắt thăm thửa đất từ 1 - 121 cho tất cả 195 hộ dân được thực hiện dân chủ công khai, các hộ giáo dân tại xóm 12 là những hộ đầu tiên gương mẫu trong thực hiện chủ trương.

Còn tại Đảng bộ xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, xác định mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2014 là cán đích chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành 6 tiêu chí chưa đạt. Ban Chấp hành Đảng ủy đã ban hành nghị quyết về tạo bước đột phá trong xây dựng giao thông nông thôn, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo… Đặc biệt, nhận định mục tiêu cụ thể đầu tiên là hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn, Đảng ủy giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể: công tác tư tưởng giao cho Hội Cựu chiến binh, vận động quần chúng giao cho Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên… đồng thời, mỗi đảng viên chủ động gương mẫu trong công tác thực hiện, tích cực đóng góp ngày công và kinh phí. Đồng chí Trần Văn Minh – Bí thư Chi bộ xóm 3 cho biết: “Chi bộ chúng tôi đã kịp thời lĩnh hội chủ trương, từ đó triển khai kế hoạch đồng bộ, đúng định hướng và thành công ngoài mong đợi, nhận được sự đồng tình cao của nhân dân”. Thành công trong việc xây dựng đường giao thông là nền tảng để Đảng bộ xã Hưng Tiến tiếp tục nâng cao sự đồng thuận của người dân về tính đúng đắn, cần thiết của chủ trương, cũng như lợi ích chung mà mỗi cá nhân đều được hưởng khi thực hiện theo đường lối của Đảng và Nhà nước. Từ đó tạo đà hoàn thành tốt các tiêu chí còn lại trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cân kiểm tra trọng tải xe tại trạm cân Diễn Châu. Ảnh: N.L
Cân kiểm tra trọng tải xe tại trạm cân Diễn Châu. Ảnh: N.L

Chính việc gắn nhiệm vụ chính trị với nội dung sinh hoạt chi bộ đã nâng tầm định hướng cho tổ chức cơ sở đảng ở mỗi địa phương, từ đó mỗi đảng viên nhận thức được vai trò hạt nhân của mình và lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Ví dụ, tại các buổi sinh hoạt về chủ đề hoàn thiện các công trình giao thông tại Hưng Tiến, các chi bộ thảo luận và thống nhất mỗi hộ đảng viên có con em xuất khẩu lao động sẽ đóng góp cao hơn các hộ có mức thu nhập thấp và trung bình. Đó là những hành động rất thiết thực, thể hiện “tính Đảng” bằng những việc làm, giải pháp cụ thể đó. Đây là một trong những yêu cầu trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, mà bắt đầu từ việc phát huy vai trò của đảng viên…

Tính cấp thiết trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Có thể khẳng định, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một giải pháp hết sức quan trọng và hiệu quả để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chi bộ là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống tổ chức đảng, kiện toàn và củng cố sức mạnh của Đảng muốn bền chắc, nhất định phải xuất phát từ đơn vị tế bào này. Để nâng cao sức mạnh lãnh đạo của tổ chức đảng, phải xét đến 2 yếu tố: tư tưởng và thực tiễn. Nếu như tư tưởng, đường lối lãnh đạo thể hiện qua các nghị quyết thì sức mạnh thực tiễn thể hiện thông qua vai trò, hoạt động của mỗi đảng viên. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng chính là thắt chặt mối liên kết giữa 2 yếu tố này. Nghị quyết phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát và kịp thời tiếp nhận phản hồi để có sự điều chỉnh thích nghi. Đổi lại, mỗi đảng viên phải thấm nhuần các chủ trương, tinh thần của nghị quyết để vai trò lãnh đạo của Đảng thực sự đi vào cuộc sống. Vậy thì, đâu là “điểm hẹn” cho hai yếu tố này? Chính là sinh hoạt chi bộ. Một mặt, đây là nơi để phổ biến sâu rộng các nghị quyết lãnh đạo đến từng đảng viên. Mặt khác, phát huy tính dân chủ và tập trung trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động, nâng cao trách nhiệm cũng như năng lực lãnh đạo của mỗi hạt nhân của Đảng tại đơn vị, địa phương.

Đó là lý do vì sao Nghị quyết 01 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong khối các cơ quan cấp tỉnh” đã nhận được sự đồng tình cao của các tổ chức đảng, đảng viên trong khối. Quá trình triển khai nghị quyết quan trọng này được gắn với việc tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết TW4 của BCH Trung ương Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết số 09 – NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 – 2015”. Sau 2 năm thực hiện đã thu được những kết quả khá tích cực, công tác xây dựng Đảng trong toàn đảng bộ có nhiều tiến bộ. Đồng chí Nguyễn Quang Tùng – Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các CCQ cấp tỉnh cho biết: “Một chi bộ yếu thì kỷ luật đảng kém và đương nhiên là đơn vị, địa bàn sẽ yếu. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chính là phát huy vai trò đảng viên trong phê bình và tự phê bình, đồng thời nâng cao chất lượng đảng viên gắn với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức”.

Bác Hồ từng nói: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”. Nhưng như thế nào mới là đảng viên tốt? Cần ghi nhớ rằng Đảng lãnh đạo toàn diện và hàng ngũ của Đảng có tính bao hàm, rộng khắp trong mọi tầng lớp, mọi lĩnh vực của xã hội. Có nghĩa là ở mỗi đơn vị, mỗi địa phương, nhiệm vụ cụ thể của người đảng viên cũng như các chi bộ, đảng bộ không nhất nhất rập khuôn theo một khung cố định. Tùy thuộc vào thời gian, không gian, bối cảnh xã hội và chức năng mà nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên lại có sự linh động cho phù hợp. Đó là lý do vì sao cần cụ thể hóa nội dung sinh hoạt chi bộ, gắn với chuyên môn và nhiệm vụ chính trị thông qua việc xây dựng các chuyên đề. Một khi xác định được nhiệm vụ cụ thể, mới có thể đánh giá được khả năng của đảng viên, chi bộ, đảng bộ trong việc hoàn thành nhiệm vụ hay chưa, thay vì đánh giá, bình xét một cách chung chung, mang tính chất hình thức hay chạy theo thành tích. Tất cả những nội dung mang tính đặc thù trên phải bám theo sợi chỉ đỏ xuyên suốt là đường lối, chủ trương chung và chi bộ chính là bộ phận “biến áp” để điều hòa tính định hướng và tính thực tiễn trong lãnh đạo hàng ngày, hàng giờ ở cơ sở.

Thanh Nga – Thục Anh

Điểm hẹn của tư tưởng và thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO