Điểm nhấn là hợp tác quốc phòng
(Baonghean) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc chuyến thăm Pháp trong 2 ngày để lên đường sang Đức. Nhìn lại chặng dừng chân tại Pháp 2 ngày vừa qua của ông Modi có thể thấy, Ấn Độ và Pháp đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, đặc biệt là về vấn đề hợp tác quốc phòng khi Ấn Độ và Pháp sẽ có một hợp đồng mua bán máy bay chiến đấu mới. Việc mở rộng hợp tác quốc phòng với Pháp - một cường quốc xuất khẩu vũ khí - sẽ khiến Ấn Độ đa dạng hóa nền quốc phòng của mình.
(Baonghean) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc chuyến thăm Pháp trong 2 ngày để lên đường sang Đức. Nhìn lại chặng dừng chân tại Pháp 2 ngày vừa qua của ông Modi có thể thấy, Ấn Độ và Pháp đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, đặc biệt là về vấn đề hợp tác quốc phòng khi Ấn Độ và Pháp sẽ có một hợp đồng mua bán máy bay chiến đấu mới. Việc mở rộng hợp tác quốc phòng với Pháp - một cường quốc xuất khẩu vũ khí - sẽ khiến Ấn Độ đa dạng hóa nền quốc phòng của mình.
Tại Paris, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ mua của Pháp 36 chiến đấu cơ Rafale với bản hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD. Tuy hai bên vẫn còn một số điều khoản sẽ được thảo luận tiếp trước khi ký chính thức bản hợp đồng, song Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ đến Ấn Độ để sớm hoàn tất thỏa thuận. Đây được coi là bước đột phá trong thương vụ mua bán máy bay Rafale mà hai nước đã từng khởi động cách đây 3 năm. Bởi cho đến nay, quá trình thương thảo bản hợp đồng trị giá 20 tỷ USD năm 2012 về việc Pháp bán 126 máy bay Rafale cho Ấn Độ vẫn chưa ngã ngũ. Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, khúc mắc chính là điều khoản chuyển giao công nghệ cho việc sản xuất 108 chiếc ở Ấn Độ. Tuy nhiên, thỏa thuận lần này khác với thỏa thuận lần trước. Dường như với bản hợp đồng lần này, Ấn Độ muốn sở hữu càng sớm càng tốt 36 máy bay chiến đấu Rafale hiện đại của Pháp.
Một máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: AFP |
Những năm gần đây, Pháp đã nổi lên là nhà cung cấp đáng tin cậy các loại máy bay chiến đấu và tàu ngầm cho Ấn Độ. Thông qua việc hợp tác với Pháp, Ấn Độ muốn hiện đại hóa lực lượng quân sự quốc gia, nhất là đối với lực lượng không quân hiện đang sở hữu các trang thiết bị được xem là đã lỗi thời. Hiện Ấn Độ được cho là đang cần thay mới khẩn cấp các máy bay chiến đấu từ năm 2017 để có thể tăng khả năng phòng vệ với các nước láng giềng, đặc biệt là Pakistan và Trung Quốc, hai nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ.
Trên thực tế, không quân Ấn Độ hiện nay vẫn chủ yếu được trang bị nhiều loại máy bay chiến đấu cũ như Mirage 2000, MiG 27, MiG 21... vốn gây ra các vụ tai nạn trong khi huấn luyện, tuần tra hàng năm chứ chưa nói đến việc chiếm ưu thế trên không trong trường hợp xảy ra xung đột. Trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc gần đây đã liên tục phát triển các loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của mình. Mặt khác, theo báo cáo của Mỹ về quy mô hiện đại hóa quân đội Trung Quốc năm 2014, không quân Trung Quốc hiện đang sở hữu hơn 2800 máy bay bao gồm cả máy bay không người lái, con số vượt trội so với không quân Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang thương thảo để mua máy bay hiện đại đời mới Su 35 của Nga. Không chỉ có vậy, quốc gia khác có tranh chấp biên giới với Ấn Độ là Pakistan thì đang có mối quan hệ được đánh giá là nồng ấm với Trung Quốc, điều này đã ít nhiều khiến Ấn Độ cảm thấy bất an.
Chiến lược tiếp cận công nghệ vũ khí của Pháp, trước hết là mua máy bay chiến đấu Rafale có thể xem là động thái “khôn ngoan” của Ấn Độ. Nếu sở hữu các loại vũ khí hiện đại của châu Âu, đặc biệt là từ Pháp, một đất nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển thì đây sẽ là khác biệt của Ấn Độ so với các nước láng giềng trong khu vực. Lý do là bởi, Trung Quốc và Ấn Độ cùng là những bạn hàng mua vũ khí của Nga, trong khi Trung Quốc hiện vẫn phải chịu lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu kéo dài hơn 20 năm qua. Cả Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc khó có khả năng được Mỹ bán cho các loại vũ khí hiện đại thì việc tìm đến các cường quốc vũ khí châu Âu như Pháp sẽ khiến Ấn Độ có ưu thế hơn. Do đó, dù hợp đồng ban đầu mua 126 chiếc Rafale chưa thể đi đến hồi kết, nhưng với việc Ấn Độ yêu cầu được mua ngay 36 chiếc máy bay Rafale của Pháp đã cho thấy những tính toán chiến lược của Ấn Độ. Đặc biệt, 36 máy bay Rafale mà Ấn Độ mua lần này là một hợp đồng riêng biệt chứ không phải việc rút bớt số lượng máy bay hay hủy bỏ hợp đồng năm 2012, rõ ràng Ấn Độ đang quyết tâm hiện đại hóa “khẩn cấp” lực lượng không quân của mình.
Nguyễn Cao Biền