Điểm tựa thoát nghèo bền vững

06/10/2014 17:37

(Baonghean) - Nhờ sự hỗ trợ từ Dự án “Ngân hàng bò” của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, nhiều đồng bào nghèo ở huyện miền núi Kỳ Sơn đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện đời sống...

Chăn nuôi bò nhốt ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn  (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên
Chăn nuôi bò nhốt ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên

Với số tiền 700 triệu đồng được hỗ trợ từ năm 2010, 100 hộ nghèo của 2 xã Hữu Lập và Bảo Nam, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bê cái sinh sản, trị giá 7 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận chủ trương của cấp trên, Hội Chữ thập đỏ huyện đã giao cho hội cơ sở phối hợp với chính quyền trực tiếp mua con giống bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết nơi đây, dễ chăm sóc, sinh trưởng. Đồng thời, Huyện hội đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về chăn nuôi, chăm sóc con giống, kỹ thuật làm chuồng, cách phát hiện và điều trị những bệnh thường gặp... Sau khi bàn giao bê giống, chính quyền xã hướng dẫn bà con ký vào bản cam kết với Ban Quản lý bản để người dân có trách nhiệm chăm sóc, thực hiện đúng mục tiêu của dự án đề ra là khi bò giống đẻ lứa đầu, hộ hưởng lợi nuôi từ 6 đến 12 tháng tuổi thì bàn giao lại cho Hội Chữ thập đỏ để chuyển cho hộ nghèo khác, sau đó được sở hữu hoàn toàn bò giống, tiếp tục chăm sóc, nhân đàn.

Việc chọn đối tượng được hỗ trợ bò được bàn bạc, bình xét công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Những hộ được nhận bò giống phấn khởi và có trách nhiệm trong việc chăm sóc. Với tính chịu thương, chịu khó, cần cù lao động của các hộ nghèo được hỗ trợ bò, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cùng với sự quan tâm của các cấp hội, sau 4 năm, từ 100 con giống ban đầu đã sinh sản thêm được 80 con và chuyển giao cho 80 hộ nghèo khác được hưởng lợi, trong đó xã Hữu Lập 39 con, Bảo Nam 41 con, số bò ban đầu của dự án cấp đang được các hộ chăm sóc tốt. Tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống được tăng lên, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lợi.

Ông Chích Phò Vân, dân tộc Khơ mú, là 1 trong 12 người của xã năm 2014 được nhận bò giống, chia sẻ: Gia đình tôi rất khó khăn. Nhà có 6 khẩu, vợ lại ốm đau thường xuyên, năm ngoái, phải bán đi con bò để lấy tiền đưa vợ đi viện tỉnh chữa trị. Chi tiêu của cả nhà nhìn vào việc phát nương làm rẫy, mà chỉ sản xuất được 1 vụ trong năm thôi, năng suất lại thấp, năm nào cũng thiếu đói phải nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước, thấy áy náy lắm. Năm nay, nhận được bò hỗ trợ của dự án, gia đình có bò đẻ nuôi. Quê mình đất rộng, cỏ nhiều, thuận lợi cho chăn nuôi gia súc. Tôi dành đất trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc bò thật tốt, khi bò đẻ sẽ chuyển bê con cho hộ nghèo khác”. Chia tay ông Vân với cái bắt tay rất chặt, trong nụ cười, ánh mắt của ông ánh lên niềm tin, niềm hy vọng.

Ông Hoa Phò Nhưn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kỳ Sơn cho biết: Hình thức hỗ trợ của Dự án “Ngân hàng bò” rất thiết thực. Ngoài cung cấp con giống, cung cấp cho người dân “cần câu”, còn dạy cho dân biết cách câu (hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi) nên phát huy được trách nhiệm của bà con đối với nguồn vốn hỗ trợ. Đặc biệt, qua dự án, giúp cho nhiều gia đình nhận ra cách chăn nuôi truyền thống khiến gia súc chậm lớn, gặp nhiều dịch bệnh; chuyển sang hình thức nuôi kết hợp chăn thả với trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc, biết làm chuồng trại cho gia súc ở, biết phòng chống dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; môi trường làng bản được sạch sẽ hơn, cây cối hoa màu được bảo vệ tốt hơn... Và điều quan trọng là bà con đã thay đổi dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực khai thác tiềm năng về đất đai, lao động để phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo...

Trần Văn Đức

VP Huyện ủy Kỳ Sơn

Mới nhất
x
Điểm tựa thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO