Điện Biên thành phố "hòn ngọc ngày mai"

30/04/2015 16:27

(Baonghean) - Tháng 5, hàng cây dọc các tuyến đường thành phố Điện Biên rực rỡ các sắc hoa tô điểm cho thành phố trẻ, nơi ghi dấu những trang sử vàng của dân tộc. Trong những ngày này, dòng người từ khắp nơi về thăm Điện Biên ngày một đông, để cảm nhận rõ những phát triển của vùng chiến trận từng được xem là “chảo lửa” của Đông Dương.

Tôi thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, không được tận mắt chứng kiến các trận đánh giáp lá cà giữa quân ta với địch tại mặt trận Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm “máu trộn bùn non”. Nhưng qua lời kể của các cụ cao niên và những trang tư liệu lịch sử, sách, báo chí thì sau ngày giải phóng (7/5/1954), Điện Biên Phủ là chiến trường hoang tàn, tang tóc. Ngày đó, cánh đồng “Nhất Thanh” không rộng, bằng phẳng như bây giờ và tre pheo, bụi rậm, dân cư cũng thưa thớt.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trước đây, từ Hà Nội lên Điện Biên, đi ô tô mất mấy ngày đường, nếu đi ngựa mất cả tuần lễ. Còn hiện nay, tuyến quốc lộ được mở rộng, xe ôtô chỉ đi chừng 10 - 11 tiếng. Dốc Pha Đin "chị gánh anh thồ" về phía địa giới tỉnh Điện Biên đã được làm đường mới, rút ngắn so với đường cũ gần chục kilômét, ít dốc cua và đỡ nguy hiểm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với khách du lịch, các nhóm phượt thì vẫn chọn hướng đi theo đường cũ để được ngắm con đèo dài và nguy hiểm nhất Việt Nam, với nhiều dốc dựng, ngoằn ngoèo, những khúc cua tay áo luôn thường trực thử tay các tài xế. Cùng đó, đường hàng không, với tần suất bay mỗi ngày 2 - 3 chuyến từ Hà Nội lên đã rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh với Điện Biên Phủ.

Nữ sinh Trường THPT Thanh Nưa (Điện Biên).
Nữ sinh Trường THPT Thanh Nưa (Điện Biên).

Để vững bước phát triển, tỉnh Điện Biên xác định kinh tế nông - lâm nghiệp vẫn là chủ đạo. Do vậy, tỉnh chú trọng mở rộng diện tích lúa nước, tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Tại những địa bàn thuận lợi như các xã lòng chảo huyện Điện Biên, vùng “Ba Luân”, huyện Điện Biên Đông, “Ba Quài”, huyện Tuần Giáo, Thị xã Mường Lay, nông dân tập trung sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng tạo sản phẩm hàng hoá giá trị cao. Hiện, trên cánh đồng Mường Thanh, với 2 vụ lúa mỗi năm, nông dân thu về trên 100 triệu đồng/ha. Lúa, gạo Điện Biên nổi tiếng với hương thơm, độ dẻo khác thường đã theo du khách thập phương và sang tận trời Tây.

Xác định sản xuất lúa, gạo là trọng điểm trong phát triển kinh tế nên tỉnh giao ngành NN&PTNT thường xuyên nghiên cứu khảo nghiệm, thử nghiệm các giống lúa mới, cho năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt đưa vào sản xuất đại trà. Cùng đó, các cây lương thực ngắn ngày: ngô, đậu tương, bông lai, dong riềng... cũng được đưa vào gieo trồng, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thầy giáo và học sinh lớp 12 một trường trung học ở Pari (Pháp) thăm đồi A1 - Chiến trường Điện Biên Phủ.
Thầy giáo và học sinh lớp 12 một trường trung học ở Paris (Pháp) thăm đồi A1 - Chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong chiến lược phát triển, tỉnh Điện Biên chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút, mời gọi đầu tư; ban hành cơ chế ưu đãi về thuế, cho thuê, mượn đất, đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào... cho doanh nghiệp. Nhà máy xi măng Điện Biên, các nhà máy gạch tuynel, công trình thuỷ điện, nhà máy chế biến kim loại màu, khai thác vàng... được xây dựng hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhưng điều ấn tượng nhất là Điện Biên sở hữu quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ vô giá. Sau nhiều năm trùng tu, tôn tạo, các điểm di tích lịch sử thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đó là điều kiện thuận lợi để tỉnh chú trọng công tác quảng bá du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm 45,99%. Doanh thu từ du lịch năm 2014 đạt 540 tỷ đồng.

 Đêm T.P Điện Biên
Đêm Thành phố Điện Biên

Đi lên từ chiến trường đổ nát, với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn, đến nay, Điện Biên đang từng ngày phát triển, trở thành “hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc” như mong muốn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đồng chí lên thăm lại “chiến trường xưa”… Hôm nay, đi trong lòng Thành phố Điện Biên, tôi cảm nhận rõ những nhịp bước phát triển mạnh mẽ của vùng đất anh hùng, vang trên hệ thống loa phóng thanh, bài hát “Giải phóng Điện Biên” như bản hùng ca “giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”…

Tùng Lĩnh

Ảnh: Duy Ngoãn - Phương Bình - PV

Mới nhất
x
Điện Biên thành phố "hòn ngọc ngày mai"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO