Diễn Châu: Bất hợp lý trong quy hoạch chợ

05/10/2011 15:22

Chợ Tân Minh (xã Diễn Phúc huyện Diễn Châu) hoàn thành và đưa và sử dụng và cuối năm 2007, rầm rộ, tấp nập được khoảng 10 ngày thì tan dần rồi vắng ngắt. Năm 2010, thêm một lần đầu tư, nâng cấp nhưng chợ chỉ họp được một tuần rồi lại như cũ. Cách đó không xa, chợ Sò - chợ chính của huyện Diễn Châu lại phải dựng tạm trên một khuôn viên, chật hẹp, ô nhiễm... Sự bất hợp lý này đang tồn tại ở huyện Diễn Châu trong vài năm nay.

(Baonghean) - Chợ Tân Minh (xã Diễn Phúc huyện Diễn Châu) hoàn thành và đưa và sử dụng và cuối năm 2007, rầm rộ, tấp nập được khoảng 10 ngày thì tan dần rồi vắng ngắt. Năm 2010, thêm một lần đầu tư, nâng cấp nhưng chợ chỉ họp được một tuần rồi lại như cũ. Cách đó không xa, chợ Sò - chợ chính của huyện Diễn Châu lại phải dựng tạm trên một khuôn viên, chật hẹp, ô nhiễm... Sự bất hợp lý này đang tồn tại ở huyện Diễn Châu trong vài năm nay.

Thực hiện chủ trương mở rộng quy hoạch thị tứ của huyện, mỗi xã có một chợ "cóc" phục vụ dân sinh, xã Diễn Phúc tiến hành chọn địa điểm, mặt bằng tại xóm Tân Minh để xây chợ. Kinh phí được huyện hỗ trợ 30 triệu đồng, 11 hộ đóng góp mỗi hộ 3 triệu đồng, số còn lại do ngân sách của xã. Tổng quyết toán công trình gần 300 triệu. Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2007, tuy nhiên, chợ chỉ hoạt động được khoảng 10 ngày rồi thưa thớt dần. Một thời gian sau, chợ mở lần 2 nhưng vẫn phải đóng cửa vì không có người bán, người mua...

Nhìn những gian hàng ở chợ Tân Minh được xây dựng khang trang bỏ không dưới mưa, dưới nắng, hàng trăm tiểu thương đang buôn bán ở chợ Sò gần đó 200 m, không khỏi tiếc nuối. Họ trước đây vốn là các hộ kinh doanh ở chợ Phủ Diễn, sau đó để phục vụ cho dự án xây dựng khu trung tâm thương mại Phủ Diễn và khách sạn Mường Thanh nên các hộ kinh doanh đồng ý chuyển về chợ tạm là chợ Sò hiện nay. Theo kế hoạch ban đầu, chợ Sò chỉ hoạt động 1 năm sau đó sẽ được chuyển về chợ mới trong quy hoạch cũ ở trung tâm Thương mại Phủ Diễn. Tuy nhiên, đã hơn ba năm trôi qua, khu trung tâm thương mại đã khánh thành và đi vào hoạt động nhưng các hộ tiểu thương vẫn phải buôn bán nơi khu chợ tạm cũ nát, ô nhiễm. Việc buôn bán ở đây cũng chẳng dễ dàng vì chợ mới vừa xa khu vực trung tâm lại vừa trái đường nên lượng người mua bán giảm đi khá nhiều. Chị Minh - kinh doanh hàng cá, cho biết: Về đây thu nhập của bọn tôi giảm đi gần 1/3, điều kiện kinh doanh hết sức tồi tàn, trời mưa cũng như trời nắng, chợ khi nào cũng lầy lội bẩn thỉu.



Cảnh nhếch nhác ở chợ tạm - chợ Sò.



Chợ Xanh sau Khu trung tâm thương mại Phủ Diễn bỏ trống.

Chẳng riêng gì các hộ đang kinh doanh trong chợ phải chịu cảnh ô nhiễm mà các gia đình gần đó cũng bức xúc vì rác thải, nước thải trong chợ theo đường mương chạy thẳng ra các hộ dân. Nhiều đơn kiến nghị của dân đã gửi lên các cấp, ngành nhưng chính quyền cũng bất lực vì không tìm được phương pháp tối ưu, lâu dài cho "chợ tạm". Bà con tiểu thương cũng hết sức lo lắng vì theo hợp đồng ban đầu chợ Sò chỉ hoạt động 1 năm, nay thời hạn trên đã quá 2 năm mà chính quyền huyện vẫn chưa đưa ra phương án nào để thay thế. Hỏi các chị tại sao lại không về khu chợ Xanh được xây dựng sau trung tâm Thương mại Phủ Diễn để bán, chị Ngọc - một tiểu thương, trầm ngâm: Chúng tôi bán hàng cá, hàng tôm tanh tưởi như thế này vào ngồi sau một khách sạn lớn bán xem sao được. Hơn nữa cả khu chợ này, ngày thường cũng phải có từ 300 - 400 người buôn bán nếu vào chợ mới hẹp như thế thì không thể ngồi đủ được.

Tình trạng chợ "nơi thừa thì vẫn thừa và nơi thiếu thì vẫn thiếu" như hiện nay là một bất cập trong việc quy hoạch và quản lý chợ ở huyện Diễn Châu. Ngoài ra, việc cùng một lúc duy trì nhiều chợ nhỏ trên một phạm vi không quá rộng như ở thị trấn Diễn Châu cũng có thể xem là một sự đầu tư manh mún, không phù hợp với một trung tâm đang trên đà xây dựng hiện đại. Trước thực tế này, để theo kịp quy hoạch của huyện về một thị tứ loại 4 trong tương lai, huyện Diễn Châu đang tiến hành triển khai xây dựng chợ trung tâm ở xã Diễn Thành, cách chợ Phủ Diễn khoảng 1 km về phía biển.

Theo dự kiến, chợ Diễn Thành sẽ được đầu tư với tổng số vốn khoảng 74 tỷ đồng và sau khi xây dựng xong sẽ đáp ứng được nhu cầu buôn bán của khoảng 800 hộ dân. Với lợi thế về du lịch biển, huyện cũng sẽ xác định trong tương lai chợ Diễn Thành sẽ là điểm đến mua sắm về đặc sản biển cho khách du lịch. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đã hoàn thành. Xã Diễn Thành - chủ đầu tư dự án đang triển khai thủ tục mời thầu. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn, bởi hiện nay ngoài hỗ trợ 25% của tỉnh, số vốn còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nội lực của xã và thu phí của các hộ kinh doanh - ông Phan Nhật Thành - Chủ tịch UBND xã cho biết.

Mặc dù đang trong tiến hành quy hoạch, nhưng rút kinh nghiệm từ các chợ đã triển khai, ông Đậu Ngọc Long- Phó phòng Công thương huyện cho ý kiến: Việc xây dựng chợ trung tâm quy mô lớn là một điều hết sức cần thiết hiện nay của huyện Diễn Châu và sẽ giải quyết được toàn bộ vấn đề bế tắc đang tồn tại. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cũng cần cân nhắc vì nếu không lại rơi vào tình trạng chợ xây quá lớn.


Đạm Phương - Mỹ Hà

Mới nhất
x
Diễn Châu: Bất hợp lý trong quy hoạch chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO