Diễn Nam nuôi bò hàng hóa

24/06/2013 15:17

Xóm Diễn Nam (xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ), nằm phía Tây cầu Rỏi, nối liền đôi bờ sông Con, cách đường Hồ Chí Minh gần 4 km. Từ hàng chục năm nay, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây còn có nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Là nghề phụ, nuôi bò hàng hóa lại là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

(Baonghean) - Xóm Diễn Nam (xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ), nằm phía Tây cầu Rỏi, nối liền đôi bờ sông Con, cách đường Hồ Chí Minh gần 4 km. Từ hàng chục năm nay, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây còn có nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Là nghề phụ, nuôi bò hàng hóa lại là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

Đến xóm Diễn Nam khi bà con nông dân đang ra đồng cày cấy vụ hè thu. Trên các thửa ruộng, những con trâu, bò lai ì ạch kéo cày, kéo bừa, bùn đất lấm lem. Có lẽ, chỉ có vùng quê này bây giờ vẫn sử dụng sức kéo của trâu bò để làm đất cấy nhiều đến thế. Hỏi chuyện một số bà con, được nghe bộc bạch rằng: Ở xóm này từ trước đến nay nhà nào cũng chăn nuôi trâu, bò hàng hóa nên lúc nào cũng có sẵn trâu, bò to trong chuồng để làm sức kéo. Làm xong đất, con nào được giá là người ta bán, rồi tìm mua con khác. Nghề nuôi bò hàng hóa là vậy, cứ có lãi là bán, bất kể lúc nào. Do vậy, có những gia đình mỗi năm mua, bán đến 10 con bò.

Gặp ông Nguyễn Đức Mỹ (xóm phó), chúng tôi được biết, xóm Diễn Nam có từ năm 1969, phần lớn là người từ xã Nam Cường (Nam Đàn) lên lập nghiệp. Khi đó, vùng đất này phần đa là đất màu, đồng cỏ nhiều, cộng với có kinh nghiệm nuôi bò nên bà con tập trung chăn nuôi trâu, bò. Càng về sau, đàn bò trong xóm phát triển càng nhiều, xuất hiện nghề nuôi bò hàng hóa.

Đến nay, xóm Diễn Nam có 174 hộ, chỉ có 80 ha đất sản xuất. Từng ấy đất không thể nuôi sống gần 800 con người. Do vậy nuôi bò hàng hóa đã trở thành nghề phụ, nhưng là nguồn thu nhập chính. Cùng với ông Mỹ đi một vòng quanh xóm, chúng tôi ghi nhận được là nhà nào cũng có hệ thống chuồng trại chăn nuôi trâu, bò mái lợp ngói, khung gỗ chắc chắn, an toàn, thoáng về mùa hè, ấm vào mùa đông. Phía trên thiết kế gác dự trữ thức ăn khô, là rơm, thân lạc… Trong chuồng nhà nào cũng có ít nhất 1 con bò, nhiều có 4 – 5 con. Nhà nào cũng nuôi bò đực. Những con bò lai sind to cỡ 4 – 5 tạ trông rất dữ tợn, nhưng rất hiền lành, dễ gần.



Bò nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Nam.

Ông Mỹ cho biết, bê được người dân tìm mua từ nơi khác về, sau khi nuôi 25 tháng, thậm chí 1 năm thì người ta bán. Cũng có người mua được con bê, vừa dắt về đến nhà, nếu có khách đến hỏi mua thấy có lãi 3 – 4 triệu đồng là bán ngay. Một con bê 6 – 7 tháng tuổi, bà con mua khoảng 20 triệu đồng, nếu sau 1 năm nuôi, cũng bán được 40 triệu đồng. Những gia đình có điều kiện về nhân lực, như Nguyễn Văn Chiến, Lê Minh Hồng, Nguyễn Văn Nam, Phạm Văn Tùng… lúc nào trong chuồng cũng nuôi 3 – 4 con bò. Con nhiều bù con ít, mỗi năm thu lãi 50 – 60 triệu đồng là cái chắc. Nuôi trâu lãi không thua gì nuôi bò, trong xóm bây giờ đã có gần 40 hộ chuyển sang chăn nuôi trâu.

Đến nhà ông Nguyễn Văn Nam, chúng tôi thấy 2 con bò lai sind, vóc dáng to cao, lông óng mượt, đang cột ngoài gốc mít. Hỏi chuyện, ông Nam xởi lởi: Nhìn to như thế, nhưng chúng đang giai đoạn bê chứ chưa gọi là bò, vì đã thay răng nào đâu. Hiện mỗi con có trọng lượng khoảng gần 3 tạ, nuôi hết năm nay, chúng sẽ trưởng thành bò, lúc đó trọng lượng mỗi con 5 tạ. Nếu giá cả ổn định, lúc đó bán cũng được trên 40 triệu đồng/con. 2 con bê này cách đây 3 tháng ông Nam mua mỗi con 17 triệu đồng.

Làm nghề gì thì chăm chuốt nghề đó. Với nghề nuôi trâu bò hàng hóa, người chăn nuôi ở Diễn Nam phải dành đất để trồng cỏ, tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp, như: rơm, cây lạc, ngô phơi khô gác lên chuồng bò để làm thức ăn cho trâu bò. Bởi thế, quanh năm dù mưa bão, người chăn nuôi không phải lo thức ăn cho trâu bò. Và vì thế, trâu bò sau khi mua về đây nuôi rất nhanh lớn, béo, trọng lượng cao, thịt nhiều. Thị trường tiêu thụ trâu, bò của Diễn Nam là các lái buôn từ Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, đặc biệt là của xã Nam Nghĩa, Nam Cường (Nam Đàn) về mua nhiều nhất. Người ta mua về giết thịt bán ra thị trường, nên có bao nhiêu cũng bán hết...

Nhờ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, người dân xóm Diễn Nam có mức thu nhập khá. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người 24 triệu đồng/năm; trong xóm chỉ còn 8 hộ nghèo. Từ trước đến nay, giá trâu bò tương đối ổn định, nên người chăn nuôi dễ làm ăn, nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa ở Diễn Nam càng phát triển.


Xuân Hoàng

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Diễn Nam nuôi bò hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO