Điện về Pả Lõm
(Baonghean.vn) - Bản giáp biên Pả Lõm (xã Tam Hợp) cách thị trấn Hòa Bình huyện Tương Dương xấp xỉ 30 km. Chỉ khoảng 30 km thôi nhưng đường vào rất khó khăn bởi dốc núi chập chùng đầy những ổ "trâu", ổ "voi" và đá cuội. Bởi vậy, những năm trước đây, giấc mơ có điện lưới quốc gia của đồng bào Mông nơi đây là quá xa vời...
Vậy nhưng từ tháng 6 năm nay, người Mông bản Pả Lõm đã có điện dùng. Hỏi có điện đồng bào có vui không? Già làng Xồng Vả Chùa cất tiếng cười vang và nói: Có điện lưới quốc gia về, dân bản ta vui lắm. Có điện, dân bản được xem cái ti vi để mở mang đầu óc. Có điện, dân bản chạy quạt máy cho bọn con nít được ngủ ngon, rồi thắp cái bóng điện sáng cho chúng nó được học hành tốt hơn. Nói chung, có điện làm cái gì cũng thuận lợi, từ làm thủy lợi, sinh hoạt văn hóa...
Già làng Xồng Vả Chùa giới thiệu đường điện của bản Pả Lõm.
Đường điện chập chùng trên lưng chừng núi dẫn vào Pả Lõm.
Pả Lõm có 96 hộ gia đình. 100% đều là đồng bào Mông. Theo già làng Xồng Vả Chùa, người Mông Pả Lõm với người Mông bản Hun Cha Lơn, huyện Viêng Thoong, tỉnh Po-Ly-Khăm-Xay (nước bạn Lào) là anh em cùng huyết thống, có chung phong tục tập quán, nhưng "người Mông Pả Lõm đã có điện dùng chứ người Mông Hun Cha Lơn chưa có...".
Vào thăm gia đình anh Sùng Chơ Chểnh, gia đình anh Chểnh đã có rất nhiều đồ dùng sinh hoạt sử dụng điện. Từ những cái bóng tiết kiệm điện thắp sáng, quạt, ti vi... cho đến chiếc nồi cơm điện. Anh Chểnh vừa bật ti vi cho mọi người xem vừa nói: Đồ dùng nhà mình đều đã sử dụng điện. Chỉ còn có nồi cơm điện vừa mới mua là chưa dùng được. Hỏi tại sao? Anh Chểnh cười: "Cái phích cắm của nồi cơm điện có 3 chân, nhưng các ổ cắm thì chỉ có lỗ cắm hai chân nên chưa dùng...".
Anh Sùng Chơ Chểnh bật "cái ti vi" để khoe với mọi người.
Cùng đi với chúng tôi có các cán bộ Chi nhánh điện huyện Tương Dương, các anh nói: "Chỉ cần lấy kìm bẻ gập một chân rồi nắn hai chân còn lại sẽ sử dụng được. Để chúng tôi sửa cho mà dùng...". Anh Chểnh xua tay: "Không đâu, vậy hỏng mất. Để tôi ra huyện mua ổ cắm khác dùng thôi. Nhà nấu cơm bằng bếp củi vẫn được mà...".
Hỏi đồng bào Pả Lõm trước khi chưa có điện thì ra sao, anh Chểnh cho biết trước đây người dân Pả Lõm thường làm thủy điện nhỏ theo dọc khe để lấy điện thắp sáng. "Khổ lắm và không an toàn đâu. Mùa hạn cũng khổ mà mùa mưa lũ lại càng khổ, khi hạn khe chẳng có nước để chạy máy, khi mưa lũ nước to thì trôi mất hết cả máy..." - anh Chểnh nói.
Xã Tam Hợp có 5 bản gồm: Xốp Nậm, Phồng, Huồi Sơn, Vang Môn và Pả Lõm. Đến nay, cả 5 bản đều đã có điện lưới với 6 trạm biến áp (một trạm đặt tại trạm kiểm soát đường biên của đồng biên phòng 551). Theo Chủ tịch MTTQ xã Lầu Nhia Chả, từ khi Tam Hợp được Nhà nước đưa điện lưới quốc gia về nhân dân đã bớt vất vả hơn rất nhiều. Anh Nhia hồ hởi: Người dân Tam Hợp bây giờ sắm đồ điện dùng trong gia đình nhiều lắm. Nhà nào cũng có quạt, ti vi, điện thắp sáng, nhiều nhà đã mua cả nồi cơm điện, tủ lạnh".
Bản Văng Môn (xã Tam Hợp) cũng đã có điện lưới quốc gia.
Các chiến sỹ đồn biên phòng 551 cũng chung niềm vui với người dân bản Tam Hợp. Thiếu tá Tạ Đình Chiến vui vẻ: "Điện về trung tâm xã Tam Hợp tháng 12/2012. Đến tháng 6/2013 thì phủ kín toàn xã. Trạm kiểm soát đường biên của bộ đội biên phòng cũng đã có điện. Phải nói đưa được điện về đây là một thành công rất lớn. Có điện về, thông tin liên lạc ở Tam Hợp nhanh nhạy hơn rất nhiều nên công tác an ninh quốc phòng được đảm bảo. Có điện, đồng bào Tam Hợp rất phấn khởi và càng thấy tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước đây, có bao giờ họ dám nghĩ sẽ có điện về...".
Đi trên những con dốc cao ở Tam Hợp mà ngắm những hàng cột điện thì thấy để đưa được điện về Pả Lõm thực sự là một cố gắng lớn của Chi nhánh điện lực huyện Tương Dương. Hỏi chuyện, Giám đốc Chi nhánh điện Tương Dương Trần Đình Tú nói: Để dựng cột, kéo dây trên lưng chừng núi rất khó khăn vất vả. Phải 3 năm ròng rã chúng tôi mới phủ kín lưới điện ở Tam Hợp. Mọi việc ở đây giờ đã xong, hiện nay chúng tôi đang quyết tâm phối hợp với UBND huyện để đưa điện về 3 xã Nhôn Mai, Mai Sơn và Hữu Khuông. Đây là những xã cuối cùng của Tương Dương chưa có điện lưới quốc gia...
Nhật Lân