Điều bí ẩn ở trống đồng Nghệ An

22/09/2010 15:12

Lâu nay, nhắc đến trống đồng mọi người thường nói tới các tỉnh phía bắc như Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Cao Bằng... rất ít người biết đến trống đồng Nghệ An. Vì vậy, bộ sưu tập trống đồng hơn 40 chiếc tìm thấy ở Nghệ An trong nhiều năm qua thực sự là một điều bất ngờ.

(Baonghean) - Lâu nay, nhắc đến trống đồng mọi người thường nói tới các tỉnh phía bắc như Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Cao Bằng... rất ít người biết đến trống đồng Nghệ An. Vì vậy, bộ sưu tập trống đồng hơn 40 chiếc tìm thấy ở Nghệ An trong nhiều năm qua thực sự là một điều bất ngờ.


Trống đồng được bảo quản tại Bảo tàng Nghệ An.

Chiếc trống đầu tiên được phát hiện tại Nghệ An vào năm 1959 tại xã Châu Cường ( huyện Quỳ Hợp). Cũng trong năm đó, cách Quỳ Hợp không xa, một chiếc trống khác lại được phát hiện tại xã Đông Hiếu huyện Nghĩa Đàn. Sau sự kiện này, phải đến 11 năm sau (liên tục trong các năm từ 1971 đến 1973) Nghệ An mới tìm thêm được những chiếc đồng khác, đặc biệt chỉ riêng trong đợt khai quật tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã phát hiện được 9 chiếc trống đồng, trong đó có 5 chiếc trống đồng Đông Sơn dòng Minh Khí. Những lần tiếp theo trống được tìm thấy ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Diễn Châu, Thành phố Vinh. Chiếc phát hiện gần đây nhất là vào tháng 7/2008 tại xã Đồng Hợp huyện Quỳ Hợp, một chiếc trống được xếp vào loại 1 của thời kì Đông Sơn.


Trống chậu (để úp bên phải) tìm thấy được ở huyện Diễn Châu.

Điều đặc biệt qua 41 chiếc trống đồng đã tìm thấy trên địa bàn tỉnh trong suốt nửa thế kỉ qua là phần lớn đều tìm thấy ở các huyện miền núi. Ngoài 14 chiếc trống tìm thấy được ở di chỉ Làng Vạc, những chiếc trống còn lại tìm thấy ở các nơi khác đã thêm một lần nữa khẳng định Làng Vạc và khu vực dọc miền Tây Nghệ An trước kia chính là một trung tâm văn hóa lớn trong thời kì văn hóa Đông Sơn và góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu thời đại Hùng Vương dựng nước. Bên cạnh đó, 3 chiếc trống đồng duy nhất đến thời điểm này tìm được ở khu núi Quyết TP Vinh năm 1979 (mới được sưu tập về bảo tàng Nghệ An năm 1996) cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà nghiên cứu. Hiện trên các mặt trống còn lưu lại được hình mặt trời, hoa văn hình răng lược và hình những con chim lạc đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Chiếc trống được xem là lành lạnh nhất còn 1/3 thân trống thì tìm thấy một phần tang trống và một phần thân trống. Hoa văn trên thân trống được phân thành hai phần, phần trên có hai khung hình chữ nhật, phía trong có các đường chéo song song, phần dưới có các đường tròn đồng tâm có chấm giữa. Dựa vào những hình vẽ trên mặt trống và thân trống các nhà chuyên môn nhận định 3 chiếc trống này có niên đại cách đây khoảng 2000 - 2500. Tuy nhiên tại sao trên địa bàn thành phố Vinh chỉ duy nhất nơi này phát hiện ra trống đồng thì chưa giải thích nổi. Không ít nhà nghiên cứu nghi vấn những chiếc trồng này có liên quan đến triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ (đặc biệt là vấn đề có hay không khu mộ của vua Quang Trung chôn ở núi Dũng Quyết) vì theo phong tục trước kia người chết thường chôn theo những vật dụng quý hiếm.


Mặt trống đồng tìm được ở Núi Quyết (TP. Vinh).

Bộ sưu tập trống đồng hiện có tại bảo tàng Nghệ An cũng có nhiều chi tiết thú vị khác, đó là hai chiếc trống chậu tìm thấy được ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu. Khác với trống đồng, trống chậu có trọng lượng nhỏ và hình dáng trông giống như chiếc chậu thời nay. Theo phân tích của cán bộ bảo tàng thì rất có thể: Mặc dù từ thế kỉ I đến thế kỉ X là thời kì Bắc thuộc nhưng phong trào chống xâm lược phương Bắc của nhân dân ta vẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt là đấu tranh để bảo vệ và phát triển văn hóa. Sử sách kể lại thời Hậu Hán, Mã Viện đã vơ vét trống đồng để đúc ngựa, âm mưu hủy diệt nền văn hóa Việt Nam. Với hình thức đúc trống đồng hình chiếc chậu (giống chiếc chậu đồng Hán)... người dân Việt đã che mắt được bọn xâm lược đô hộ và tìm cách bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình thông qua những hoa văn được in trên trống theo hoa văn của trống đồng Đông Sơn.

41 chiếc trống hiện có tại bảo tàng Nghệ An thực sự là một kho tàng vô giá của quê hương xứ Nghệ cũng như của cả nước. Chỉ tiếc rằng qua thời gian, chiến tranh và do nhiều năm trống đồng lưu lạc tại các hộ dân nên hiện có khá nhiều trống không còn nguyên vẹn. Nếu bộ sưu tập được giới thiệu đến rộng rãi hơn với người dân thì chắc chắn đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách cả nước mỗi khi đến với xứ Nghệ và là một địa chỉ thú vị để nhà trường và các học sinh tìm hiểu về lịch sử, quê hương mình.


Mỹ Hà

Mới nhất
x
Điều bí ẩn ở trống đồng Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO