Điều tiết nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất

18/05/2015 17:21

(Baonghean) - Trong các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, vấn đề được cử tri ở nhiều địa phương quan tâm đề xuất, kiến nghị, đó là nâng tỷ lệ điều tiết nguồn đấu giá quyền sử dụng đất cho cấp xã nhằm tăng cường thêm nguồn lực để địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Kiến nghị từ cơ sở

Xã Đồng Văn (Thanh Chương), khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của nhân dân, từ đó phát huy tốt nội lực gắn với thu hút ngoại lực để thực hiện. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM từ trước đến nay đạt 29,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 7,1 tỷ đồng, chiếm 24,15%, số lớn còn lại là nguồn ngân sách các cấp. Từ 7 tiêu chí đạt trước khi xây dựng NTM, đến nay xã đạt thêm 7 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt được là 14/19 tiêu chí.

Trong 5 tiêu chí chưa đạt, gồm: đường giao thông; cơ sở vật chất văn hóa (trụ sở làm việc); môi trường; tỷ lệ làng văn hóa; chợ. Đặc biệt, hệ thống giao thông, mặc dù tỷ lệ nhựa và bê tông đạt 70% (chỉ còn khoảng 6 km đường đất) nhưng phần lớn chưa đạt chuẩn về kết cấu, chưa đảm bảo về chiều rộng của nền đường và mặt đường, độ dày của bê tông và nhựa. Trụ sở xã chưa được xây dựng mới theo lộ trình xây dưng NTM và bãi rác tập trung chưa tìm được phương án tối ưu để xây dựng.

Theo ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, để hoàn thành các tiêu chí NTM, xã đang cần một nguồn lực lớn. Mặc dù nằm gần Thị trấn Dùng nhưng do vị trí địa lý không có đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã chạy qua; không có chợ, cho nên việc phát triển mảng kinh tế dịch vụ, thương mại hạn chế. Hàng năm, nguồn thu ngân sách của xã chỉ có khoảng 230 – 280 triệu đồng, bao gồm các loại quỹ, thuế đất 5%, các nguồn phí và lệ phí để lại cho địa phương. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện đó, để xây dựng NTM, xã rất cần những cơ chế hỗ trợ từ các cấp như chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh (hiện tại địa phương chưa được hưởng chính sách này). Ông Chương kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị tỉnh nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ để lại cho địa phương từ nguồn đấu giá cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn xã nhằm tạo thêm nguồn lực xây dựng NTM”.

Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn tại xã Kim Liên (Nam Đàn).
Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn tại xã Kim Liên (Nam Đàn).

Đối với xã Nam Lộc (Nam Đàn), xây dựng NTM được cấp ủy, chính quyền xác định là một trong nhiệm vụ trọng tâm và huy động được cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân vào cuộc tích cực. Cùng với phát huy nội lực, địa phương cũng đã chú trọng huy động nguồn ngoại lực để tập trung cho NTM. Tổng nguồn lực huy động để xây dựng NTM trên địa bàn xã đạt hơn 31 tỷ đồng, trong đó nguồn nhân dân đóng góp 15%.

Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Theo ông Hoàng Nghĩa Hùng, Chủ tịch UBND xã, 7 tiêu chí còn lại, ngoại trừ tiêu chí văn hóa và hệ thống chính trị thì 5 tiêu chí đang cần rất nhiều nguồn lực, nhất là tiêu chí giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Ông Hùng cũng cho biết thêm, với địa bàn khó khăn như Nam Lộc, nguồn từ cấp quyền sử dụng đất không nhiều, trong 5 năm (2010 – 2014), xã chỉ tiến hành 2 đợt đấu giá cấp quyền sử dụng với phần trích lại khoảng trên 700 triệu đồng, vì vậy, tỉnh cần để lại thêm tiền cấp quyền sử dụng đất để các địa phương có thêm kinh phí xây dựng NTM.

Qua tiếp xúc với nhiều xã ở các huyện khác, cấp ủy, chính quyền cũng có những kiến nghị, đề xuất tỉnh điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết tiền đấu giá sử dụng đất hàng năm cho xã, tạo đà cho các đơn vị về đích NTM.

Cơ chế điều tiết đang phát huy hiệu quả.

Hiện nay, việc thực hiện điều tiết tỷ lệ nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đang được áp dụng theo Nghị quyết số 145/2014 của HĐND tỉnh và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 94/2014 của UBND tỉnh. Theo đó tỷ lệ chung được thực hiện: ngân sách tỉnh (NST) 40%; ngân sách huyện (NSH) hưởng 30%; ngân sách xã (NSX) hưởng 30%. Riêng Thị xã Hoàng Mai, tỷ lệ điều tiết với 70% (NSTX) và NS xã 30% còn lại. Đối với huyện Nam Đàn và Thị xã Thái Hòa, tỷ lệ điều tiết vào NST giảm 10% so với các địa phương, cụ thể là 30% NST, NSH 40%; NSX 30%. Còn đối với đất ở khu vực đô thị, tỷ lệ điều tiết được ưu tiên cho NST để có vốn thực hiện các công trình, dự án trong điểm của tỉnh: NST 70%; NSH hưởng 20%; NSX 10%.

Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Phó trưởng phòng Ngân sách, Sở Tài chính, việc thực hiện điều tiết tỷ lệ nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất theo kiến nghị của các địa phương tăng phần hưởng cho cấp xã và cấp huyện, giảm ở cấp tỉnh ở thời điểm hiện nay là khó thực hiện. Bởi trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011 – 2015, tỷ lệ điều tiết các khoản thu được giữ ổn định giữa các cấp ngân sách. Mặt khác, nguồn thu tiền sử dụng đất phần ngân sách hưởng đã được HĐND tỉnh quyết nghị và UBND tỉnh quyết định bố trí chi đầu tư xây dựng các chương trình, dự án, công trình của tỉnh (bao gồm cả chi xây dựng trụ sở xã và trạm y tế); chi hỗ trợ các xã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM; chi mua xi măng hỗ trợ các địa phương làm đường GTNT... Ngoài ra, thời gian qua tỉnh cũng đã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu NTM như xây dựng trụ sở xã, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, thiết chế văn hóa...

Từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, nhiều địa phương đã hoàn ... ông theo tiêu chí NTM (làm đường GTNT tại xã Kim Liên)
Từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêu chí NTM (làm đường GTNT tại xã Kim Liên)

Quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, các địa phương thực sự đã được hưởng đầu tư nhiều công trình từ nguồn ngân sách tỉnh và các chương trình lồng ghép. Đơn cử như ở xã Thanh Tiên, trong 5 năm (2010 – 2015), địa phương đã thu hút được 24 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ nguồn ngân sách cấp trên và các chương trình lồng ghép. Lớn nhất là chương trình hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, bao gồm nâng cấp 10 km kênh mương và xây dựng mới 2 trạm bơm, với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Ông Trần Hưng Đạo, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã cho biết: Trước khi có dự án, hệ thống kênh mương của xã có nhiều bất cập.

Ở một số vùng, mương tưới cao hơn chân ruộng, dẫn đến có nhiều thửa ruộng nước không thể tưới đến, người dân phải tát thủ công như ở vùng Hoàng Sơn, vùng Gia Hội. Bây giờ, hệ thống kênh mương và trạm bơm đã cơ bản hoàn chỉnh, không chỉ phục vụ kịp thời, đầy đủ nước tưới để sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lúa mà còn phục vụ rất tốt nhiệm vụ tiêu úng trên địa bàn. Trên địa bàn xã còn có dự án nâng cấp hệ thống đường điện và xây dựng mới thêm 3 trạm biện áp 320 KVA, nâng cao chất lượng điện sinh hoạt cho nhân dân. Các chương trình kiên cố hóa trường học, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cũng được đầu tư vào địa bàn, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất các trường học và trạm y tế xã khang trang....

Đối với các xã thuộc địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn thu từ cấp quyền sử dụng để lại cho địa phương “bằng không”, vì thế, nguồn đầu tư của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông Vi Văn Tỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám, ngoài các chương trình đầu tư lớn của Trung ương như Chương trình 135, Chương trình 30a, xã đã được thụ hưởng khá nhiều chương trình lồng ghép. Đặc biệt từ nguồn đầu tư của tỉnh để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn xã xây dựng 2 mô hình sản xuất trồng rau sạch và trồng chuối tiêu hồng đem lại hiệu quả rất lớn. 32 hộ trồng rau an toàn ở bản Nhẵn, có thu nhập 5-6 triệu đồng hộ/vụ.

Mô hình trồng chuối tiêu hồng tại bản Chắn cũng đem lại nguồn thu, cải thiện đời sống cho hàng chục gia đình. Điều quan trọng hơn, thông qua 2 mô hình này đã thay đổi nhận thức trong đồng bào về cung cách sản xuất, xóa đói, giảm nghèo với tinh thần tự lực, tự cường và chính mình vươn lên. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn của tỉnh đã thực sự cải thiện hệ thống giao thông thôn bản, từ lầy lội nay đã có 5/9 bản hoàn thành hệ thống đường bằng bê tông; 4 bản còn lại cũng đã bê tông được 70% tổng số tuyến đường. Ngoài ra, thông qua các chương trình lồng ghép, địa phương cũng đã xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Trường học tiểu học được đầu tư đạt chuẩn mức độ I và đang trong lộ trình xây dựng, phấu đấu đến năm 2017 đạt chuẩn mức độ II. Riêng trường mầm non cũng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn và chờ thẩm định để công nhận đạt chuẩn mức độ I...

Cùng với ngân sách của tỉnh, các địa phương còn được đầu tư các công trình, dự án bằng nguồn vốn Trung ương và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp… Trao đổi về kiến nghị, đề xuất của các địa phương, ông Nguyễn Việt Hưng cho rằng, nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho cấp xã và huyện từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất thì nguồn ngân sách tỉnh sẽ giảm đi, đồng nghĩa với nguồn đầu tư hỗ trợ cho các địa phương cũng bị cắt giảm, nhất là đối với các địa bàn khó khăn không thu được tiền đấu giá đất, như thế việc điều tiết cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, các xã cần tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn xã hội hóa khi huy động nguồn lực khi xây dựng NTM, đồng thời tránh chạy theo thành tích để rồi nợ ngân sách, nợ xây dựng cơ bản, cùng đó, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân và nguồn thu tái đầu tư xây dựng địa phương.

Mai Hoa

Mới nhất

x
Điều tiết nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO