Điều tra, làm rõ vụ chặt phá 150m3 gỗ quý ở Tam Hợp (Tương Dương)

26/08/2014 09:37

(Baonghean) - Vừa qua, tại xã Tam Quang (Tương Dương) vùng rừng tại khu vực giáp với biên giới Việt - Lào đã bị các đối tượng xấu chặt phá nghiêm trọng. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, số lượng gỗ bị chặt phá khoảng trên 150 m3 gỗ pơ mu quý hiếm, hiện tại vùng rừng bị chặt trên vẫn đang được cơ quan điều tra giữ nguyên hiện trạng. 

(Baonghean) - Vừa qua, tại xã Tam Quang (Tương Dương) vùng rừng tại khu vực giáp với biên giới Việt - Lào đã bị các đối tượng xấu chặt phá nghiêm trọng. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, số lượng gỗ bị chặt phá khoảng trên 150 m3 gỗ pơ mu quý hiếm, hiện tại vùng rừng bị chặt trên vẫn đang được cơ quan điều tra giữ nguyên hiện trạng.

Cuối tháng 7/2014, Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng xã Tam Hợp và lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ tiến hành tuần tra kiểm tra rừng khu vực biên giới và phát hiện 1 vụ khai thác rừng trái phép. Sau khi nghe Hạt Kiểm lâm báo cáo tình hình, UBND huyện Tương Dương đã ban hành Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Thành phần đoàn gồm lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Tương Dương, lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Tương Dương, Tổ Kiểm lâm địa bàn Tam Hợp, cán bộ Trạm Bảo vệ rừng phòng hộ Tương Dương, cán bộ UBND xã Tam Hợp, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp. Đoàn có nhiệm vụ phối hợp tiến hành kiểm tra làm rõ tình hình vụ việc khai thác lâm sản trái phép nói trên.

Quá trình kiểm ta, đoàn đã phát hiện vị trí vùng rừng bị khai thác, tập trung tại 5 chỏm núi liền kề nhau thuộc các lô rừng: Lô 3, Khoảnh 6 và Lô 3, Khoảnh 10, Tiểu khu 704, Lô 1, Khoảnh 10, Tiểu khu 700; khu vực bị khai thác rừng trái phép có độ cao khoảng 1.300 đến 1.500 m so với mặt nước biển, khoảng cách từ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Tam Hợp đến đầu vị trí vùng rừng bị chặt phá khoảng 3,6 km. Số lâm sản bị chặt hạ đa phần là gỗ pơ mu nhóm IIA và 1 cây gỗ dổi nhóm III, phần lớn là gỗ tròn, chỉ một số ít đã xẻ thành ván, bao gồm 50 gốc bị chặt và cưa thành 60 khúc gỗ tròn pơ mu, dổi và 46 tấm gỗ xẻ pơ mu. Quan sát thấy dấu chặt còn mới, lá cây héo chưa khô hẳn. Tổng khối lượng lâm sản là: 156,768 m3 gỗ tròn và xẻ. Trong đó: Gỗ tròn pơ mu nhóm IIA: 59 khúc = 150,534m3. Gỗ tròn dổi: 1 khúc = 0,800m3. Gỗ xẻ pơ mu: 46 tấm = 5,434 m3. Vùng rừng bị khai thác là loại rừng phòng hộ vùng biên giới Việt - Lào thuộc xã Tam Hợp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương quản lý, bảo vệ. Theo dư luận của nhân dân địa phương, có 4 nhóm người liên quan đến việc khai thác rừng trái phép nói trên, thuộc 2 bản Phà Lõm và bản Văng Môn, xã Tam Hợp. UBND xã đã triệu tập các đối tượng có dấu hiệu khả nghi ra Văn phòng UBND xã Tam Hợp để làm việc, tuy nhiên chỉ có 3 đối tượng chấp hành và tự viết bản tường trình. Theo nội dung bản tường trình, đã có 2 người tự khai nhận ở cùng 1 nhóm và chặt hạ 27 cây pơ mu.

UBND huyện Tương Dương xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, cần được xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Địa bàn xảy ra vụ việc ở vùng biên giới giáp với nước Lào, đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân tộc Mông, nằm sát biên giới và có thể do một số đối tượng khác tiếp tay. Bởi vậy, để quá trình điều tra xử lý vụ việc thuận lợi, UBND huyện tiếp tục giao cho Công an huyện Tương Dương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện và UBND xã Tam Hợp kiên quyết điều tra làm rõ những cá nhân và tổ chức liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Hợp thường xuyên bố trí lực lượng tăng cường tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng khu vực biên giới, bảo vệ nguyên trạng hiện trường và số lâm sản bị khai thác trái phép, tuyệt đối không để tẩu tán tang vật vụ việc trên. Sau khi cơ quan Công an tổ chức khám nghiệm hiện trường, giao cho Hạt Kiểm lâm chủ trì tham mưu phương án đưa số lâm sản nói trên ra khỏi rừng và quản lý số lâm sản đó để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Văn Trường

Mới nhất

x
Điều tra, làm rõ vụ chặt phá 150m3 gỗ quý ở Tam Hợp (Tương Dương)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO