Điều trần tại The Hague: Không chỉ là cuộc chiến Trung Quốc - Phillipines

14/07/2015 09:01

(Baonghean) - Khi bình minh ló dạng trên khắp làng chài El Nido trên đảo nhiệt đới Palawan, thuộc Phillipines, thật khó để tin rằng ngay ngoài khơi kia một tranh chấp có tầm quan trọng về địa chính trị toàn cầu đang sôi sục. 7h30 sáng, cả ngôi làng như một bức tranh thanh bình, yên ả: những con thuyền gỗ khẽ dập dềnh trên mặt biển xanh ngắt, một cô bé đang tranh thủ tắm táp trong chiếc xô phía ngoài nhà và tiếng đàn gà trong chuồng kêu quang quác. Dấu hiệu duy nhất về sự náo động nơi đây hiển hiện trên sân bóng rổ của ngôi làng, nơi những thiếu niên đang tranh giành trong trận đấu dưới ánh dương đang lên.

Tuy nhiên, những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông đã xuất hiện với tần suất cao trong tin tức những ngày gần đây, và người dân tại El Nido tỏ ra hết sức giận dữ. Jozar De Los Santos, một người địa phương chia sẻ với tờ Daily Telegraph: “Trung Quốc đang sử dụng sai trái sức mạnh của nước này”.

Vấn đề nước nào có quyền kiểm soát đối với Quần đảo Trường Sa và phần lớn khu vực còn lại trên Biển Đông hiện đang được đệ trình lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan). Trong phiên điều trần đặc biệt bắt đầu từ hôm 7/7 và kết thúc hôm 13/7, Phillipines thách thức Trung Quốc về yêu sách “đường chín đoạn” của nước này đối với các vùng lãnh thổ trên biển giàu tài nguyên và có vai trò chiến lược, bao gồm cả những đảo đá nhỏ và bãi đá ngầm.

Những ngày điều trần tại PCA, The Hague có ý nghĩa quyết định đối với trận chiến pháp lý của Phillipines nhằm khẳng định chủ quyền của nước này với một phần Biển Đông. Ảnh: gov.ph.
Những ngày điều trần tại PCA, The Hague có ý nghĩa quyết định đối với trận chiến pháp lý của Phillipines nhằm khẳng định chủ quyền của nước này với một phần Biển Đông. Ảnh: gov.ph.

Phillipines muốn tòa án phán quyết rằng theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc chỉ có thể tuyên bố chủ quyền và các quyền đối với các tài nguyên thuộc các khoảng cách nhất định tính từ lục địa nước này. Nếu tòa án chấp thuận, điều đó sẽ thu hẹp đáng kể yêu sách phi lý “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra - một hình vẽ có dạng chữ U dựa trên những lập luận lịch sử không xác đáng đòi tuyên bố quyền với 85% diện tích Biển Đông. Dù Trung Quốc đã phê chuẩn và thông qua UNCLOS vào năm 2006, nước này đã từ chối tham gia vào thủ tục tố tụng tại The Hague, thay vì đệ trình một “bản tuyên bố lập trường” thách thức thẩm quyền phán quyết về vụ việc này của tòa án. Hồi tháng 4 vừa qua, tòa án đã quyết định phân thành 2 luồng kết luận trong phán quyết đầu tiên về việc liệu họ có thẩm quyền hay không - đây là vấn đề mà các thẩm phán hiện đang cân nhắc và sẽ ra phán quyết cụ thể trong những tháng tới.

Ian Storey, một thành viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định: Đây là lần đầu tiên có một bên tuyên bố chủ quyền thách thức yêu sách của Trung Quốc tại một tòa án quốc tế”. Ông nói thêm rằng, nếu tòa án ra phán quyết đường tưởng tượng được gọi là “đường chín đoạn” không phù hợp với UNCLOS, “điều đó sẽ đại diện cho một chiến thắng lớn về pháp lý và đạo đức đối với Phillipines và là một thất bại đối với Trung Quốc”.

Về phần Phillipines, phiên tòa quốc tế này tượng trưng cho cơ hội về một trận chiến công bằng hơn. Nhưng trong 2 năm kể từ khi Phillipines lần đầu nộp đơn kiện nhằm tìm cách thực thi quyền của nước này để khai thác các vùng biển trong “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) 200 hải lý theo định nghĩa của UNCLOS, cụm từ “trận chiến” vì Biển Đông đã thay đổi.

Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã bận rộn nạo vét cát và đổ bê tông hòng đòi tuyên bố chủ quyền với 7 đảo đá san hô, hay hơn 8 km2 đất thuộc Quần đảo Trường Sa, bao gồm một phần lãnh thổ mà Phillipines tuyên bố thuộc EEZ của nước này. Các bức ảnh vệ tinh chụp “bức trường thành bằng cát” của Trung Quốc - như một đô đốc Mỹ đã miêu tả - dường như mô tả các căn cứ quân sự hóa với các cơ sở hạ tầng cảng và các đường băng trong giai đoạn phát triển cao. Hiện giờ, hầu như không nghi ngờ gì rằng những căn cứ này sẽ hỗ trợ cho những người Trung Quốc trên đảo: các bức ảnh được đăng tải trên một trang tin của Trung Quốc về Đá Chữ Thập cho thấy cảnh các sỹ quan quân đội tưới tiêu cho những luống cà tím và cà chua và đàn lợn trong chuồng.

Những bên tuyên bố chủ quyền khác đối với quần đảo Trường Sa đã tiến hành xây dựng trên các đảo của họ, nhưng không phải với quy mô và tốc độ như Trung Quốc đã làm. Trung Quốc lập luận rằng nước này đang xây dựng để phục vụ lợi ích chung của toàn cầu, và rằng những đồn đóng mới sẽ được sử dụng cho các mục đích dân sự và bảo tồn. Storey khẳng định: “Điều đó thật lố bịch. Những cơ sở này sẽ cho phép Trung Quốc tiến hành các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, nhưng về cơ bản mục đích này mang tính chiến lược”.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013 với “giấc mộng về một quốc gia hùng mạnh” của mình, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn. Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới, ước tính 6.700 tỷ USD thương mại lưu thông qua vùng biển này hàng năm. Mối quan ngại ở đây là Trung Quốc sẽ yêu sách đòi chiếm chủ quyền lớn hơn, đe dọa tự do hàng hải và buộc các bên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chẳng hạn như Phillipines phải đàm phán theo các điều khoản của họ.

Trong những tháng gần đây, Manila đã tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này tại Palawan, một khu vực mà Tổng thống Benigno Aquino đã gọi là “tiền tuyến của các chiến dịch phòng thủ lãnh thổ của chúng tôi”. Vào tháng 6, nước này đã mời các máy bay do thám của Nhật Bản và Mỹ tiến hành các hoạt động huấn luyện chung với Hải quân Phillipines. Trong khi đó, tất cả các bên đã ở thế tấn công về giọng điệu.

Tại Phillipines, hành vi xâm nhập của Trung Quốc thường được miêu tả trong giới truyền thông và các cuộc trò chuyện thường ngày bằng cụm từ “chiến tranh”. Trong 2 cuộc phản kháng hồi tháng 5 và tháng 6, Mạng lưới Nhân dân Kalikasan vì Môi trường (KPNE), một nhóm vận động, đã biểu tình tại lãnh sự Trung Quốc ở Manila. Một khảo sát của Viện nghiên cứu Social Weather Stations chỉ ra rằng 84% người Phillipines lo lắng tranh chấp này có thể dẫn tới “xung đột vũ trang”.

Trong khi đó, bàn về phiên điều trần thứ 2 của Phillipines trong vụ kiện Trung Quốc tại PCA ở The

Hague, nhà phân tích địa chính trị Richard Heydarian nhận định hệ thống pháp lý quốc tế có thể giúp chế ngự phần nào “sự hung hăng về lãnh thổ” mà Trung Quốc đang bày ra.

CNN dẫn lời nhà phân tích này cho biết: “Chúng ta cần phải thực tế. Vòng quay pháp lý rất chậm chạp, có thể mất từ 1 đến 3 tháng trước khi chúng ta biết rõ về vấn đề thẩm quyền. Phillipines đã mất hơn 2 năm theo đuổi quá trình này và hiện chỉ đang bàn thảo về vấn đề thẩm quyền”.

Ông cũng nói thêm: “Đây không phải chỉ là cuộc chiến giữa Phillipines và Trung Quốc. Đây là lý do giải thích tại sao Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia đã cử các đại diện tới The Hague, đó là vì họ cũng có lợi ích liên quan và để chắc chắn rằng trước hết, về mặt pháp lý chúng tôi làm vô hiệu tuyên bố phi lý của Trung Quốc rằng họ có các quyền về mặt lịch sử đối với Biển Đông”.

Thu Giang

(Theo Telegraph, CNN)

Mới nhất
x
Điều trần tại The Hague: Không chỉ là cuộc chiến Trung Quốc - Phillipines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO