Điều ước của bản Thỉn

26/10/2014 14:40

(Baonghean) - Dù đã cư trú trên địa bàn này ngót 25 năm, nhưng cuộc sống của 34 hộ dân hầu hết là người Đan Lai tại bản Thỉn, xã Lục Dạ (Con Cuông) vẫn chưa có nhiều thay đổi. Trong đó có “điều ước cũ” về một cây cầu kiên cố, một con đường nối với bản chính.

Đội sản xuất bản Thỉn vốn là một phần của bản Khe Mọi (xã Lục Dạ). Cách đây khoảng 25 năm, một vài hộ người Đan Lai ở bản Khe Mọi chọn đất này để phát rẫy rồi ở lại thành một nhóm cư dân. Sau này, khi đã trở nên đông đúc hơn, những hộ dân ở bản Thỉn được sinh hoạt chung với bản Khe Mọi. Tuy sinh hoạt chung, nhưng bản Thỉn cách bản chính hơn 3km đường rừng, nên khó khăn trong việc quản lý cũng như thông tin liên lạc. Cũng chính sự cách trở như vậy, nên đời sống kinh tế của dân bản cũng gặp nhiều khó khăn. Cả 34 hộ trong bản chỉ có 1,7ha ruộng nước, năng suất lại thấp, nên nhiều nhà phải chạy gạo từ vài tháng đến nửa năm. Đợt lũ lụt năm 2013 cũng cuốn trôi một phần đáng kể diện tích ruộng nước, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đội phó sản xuất bản Thỉn - Viềng Văn Hồng cho biết: “Ở đây, từ cán bộ bản đến người dân đều phải lên rừng thu hái sản phẩm mới có tiền trang trải chi tiêu hàng ngày”. Quả vậy, đã về trưa, nhưng bản khá vắng người. Chỉ có tiếng trẻ đọc bài trong điểm trường tiểu học vọng lại. Mái trường mới xây khá khang trang. Ông Hồng cho biết: Bây giờ dân bản đã biết đến kế hoạch hóa gia đình, nên học sinh nhỏ tuổi đã ít hơn, chất lượng dạy và học cũng đã được cải thiện. Bản có gần chục em học sinh vào cấp 2, năm học này có 1 học sinh đầu tiên của bản vào lớp 10. Đây là cố gắng đáng ghi nhận, vì chỉ dăm năm trước thôi, người học cao nhất trong bản cũng chỉ đến lớp 5.

Đường vào bản Thỉn.
Đường vào bản Thỉn.

Cuộc sống khó khăn nên hiện trong bản có trên 30 thanh, thiếu niên đang phải đi lao động xa quê, chủ yếu là bốc vác, thu hoạch keo tại tỉnh Quảng Ninh, với mức lương 100.000 đồng/ngày. Khó khăn nữa của bản là hạ tầng giao thông. Hiện tại, bản vẫn chưa có được mét đường giao thông nông thôn mới nào. Bên cạnh đó, từ khi có con đường nhựa nối trung tâm Thị trấn Con cuông vào thác Khe Kèm đi ngang qua phía ngoài bản, mặc dù giao thông đi lại có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, lối mòn dẫn từ đường cái vào bản vẫn gồ ghề đá lớn, đá nhỏ, lại phải vượt qua một khúc suối khá rộng. Bình thường, người dân vẫn qua lại trên một chiếc cầu gỗ có trụ bằng rọ tre do người dân góp công, chung sức dựng nên. Nhưng cơn lũ tiểu mãn hồi tháng Tư năm nay đã cuốn trôi mất cầu, thế là hơn một trăm con người trong bản và các thầy, cô giáo tại điểm trường tiểu học nơi đây phải băng qua suối để vào bản.

Ông Hồng cho biết, trừ một số hộ chuyển đến sau, hầu hết các nhà đều được chia đất rừng sản xuất. Nhưng hiện tại người dân bản Thỉn vẫn chưa biết nên trồng cây gì. Không có đường, các cây nguyên liệu như tre, keo nếu trồng ra cũng khó vận chuyển. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh La Văn Lý người dân bản chia sẻ: Mong sao có cây cầu kiên cố qua suối trên đường vào bản để dễ bề hơn trong việc đi lại. Chắc chắn lúc đó bộ mặt của bản nhỏ này sẽ thay đổi. Ánh mắt của đôi vợ chồng chí thú làm ăn này như sáng hơn khi đội phó Viềng Văn Hồng cho biết: “Đã thấy cán bộ về đo đạc rồi. Có lẽ nay mai bản có cầu thôi”. Một cây cầu vào bản và con đường bê tông là ước mơ rất thực của người dân đội sản xuất bản Thỉn. Nhưng có lẽ, với cộng đồng này, vẫn cần một điều khác nữa, đó là phải đánh thức ý chí vươn lên ở mỗi cá nhân trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: Hữu Vi

Mới nhất

x
Điều ước của bản Thỉn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO