Dinh dưỡng ngày Tết hợp lý cho người bệnh mãn tính và trẻ nhỏ
Trong ngày Tết Nguyên đán, mỗi gia đình người Việt đều có nhiều món ăn đặc trưng không thể thiếu như bánh chưng, dưa hành, mứt, thịt, rượu, bia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Việt Hà/Vietnam+) |
Các món ăn này tuy nhiều dinh dưỡng nhưng lại chưa phù hợp với những người mắc bệnh mạn tính như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Nhiều người đã tăng cân nhanh chóng sau thời gian nghỉ Tết. Chính vì vậy, việc ăn uống ngày Tết với người mắc các bệnh mạn tính cần được đặc biệt lưu ý để đảm bảo đủ dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, Tết cũng là thời gian sinh hoạt của các gia đình không điều độ như ngày thường nên cần quan tâm hơn đến chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt của trẻ nhỏ.
Tiến sỹ-bác sỹ Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng cho biết người tăng huyết áp cần chú ý chế độ ăn ít chất béo, hạn chế đồ ăn mặn (giảm muối), hạn chế rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau và quả chín, kiểm soát cân nặng.
Trong ngày Tết, việc thực hiện chế độ ăn khắt khe là tương đối khó, bữa ăn ngày Tết là mâm cơm chung với không khí vui tươi cùng con cháu, người bị bệnh tăng huyết áp cũng khó kiểm soát dẫn đến ăn nhiều hơn chất đường bột, món nhiều dầu mỡ, nhiều muối, lại quá chén với rượu, bia.
Trong mâm cỗ ngày Tết, “kẻ thù” đầu tiên của người tăng huyết áp là chất béo. Chất béo từ thịt cũng như chất béo có trong da các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần vào việc gây xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ.
Người bị tăng huyết áp nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản, hạn chế ăn bánh chưng, bánh mứt ngọt vì những thực phẩm này gây tăng cân.
Các món ăn mặn với nhiều muối cũng là vấn đề cần được người tăng huyết áp đặc biệt chú ý và hạn chế sử dụng.
Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, nấu ăn ít muối, dùng gia vị thay thế vị mặn của muối.
Người tăng huyết áp nên ăn nhiều rau xanh, củ và quả chín để cung cấp nhiều chất xơ, kali, magiê, vitamin C và vitamin A, đây là những chất dinh dưỡng có ảnh hưởng tốt tới huyết áp.
Tiến sỹ-bác sỹ Nghiêm Nguyệt Thu, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế (Viện Dinh dưỡng) khẳng định, người mắc đái tháo đường nên cố gắng đảm bảo ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa. Những người này cần chú ý giữ chế độ ăn (số lượng thực phẩm) không thay đổi nhiều so với ngày thường, tránh ăn nhiều quá hoặc ăn ít quá.
Các bữa ăn của người bị đái tháo đường luôn cần đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm bột đường, nhóm đạm, nhóm béo, rau và hoa quả.
Một số món ăn truyền thống trong ngày tết như xôi, bánh chưng có chứa nhiều chất bột đường vì vậy cần lưu ý chỉ ăn vừa đủ, giữ lượng chất bột đường ổn định trong các bữa ăn, không nên ăn nhiều. Các món ăn như măng, chả, giò xào, thịt đông có nhiều chất béo nên cũng chỉ với số lượng vừa phải.
Người bệnh đái tháo đường nên tăng cường ăn nhiều rau; không nên uống nước ép hoa quả có đường.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, với người có nguy cơ thừa cân và béo phì cần lưu ý mỗi miếng bánh chưng tạo ra khoảng 150-250 kilôcalo, chỉ cần ăn từ 2-3 miếng bánh chưng mỗi ngày thì năng lượng đã tăng lên đáng kể, chưa tính đến các loại khác như bánh kẹo và rượu bia.
Người thừa cân béo phì không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm; khuyến khích ăn cá và đậu phụ; nên sử dụng đủ rau, quả.
Bên cạnh khẩu phần ăn nhiều đạm động vật thì việc sử dụng quá nhiều bánh mứt kẹo, nước ngọt có gas, các loại nước ngọt khác cũng làm tăng năng lượng khẩu phần với người thừa cân và béo phì vì vậy không nên sử dụng hoặc hạn chế sử dụng các loại sản phẩm này.
Người thừa cân béo phì cần cân đối giữa nguồn chất béo động vật và thực vật, tránh dùng các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như thịt mỡ, bơ, pho mát, não, nội tạng động vật, các món xào rán...
Bên cạnh đó, người béo phì thừa cân cũng cần duy trì thói quen giảm ăn mặn, ăn uống điều độ đúng theo nhu cầu; không ăn bánh, kẹo và uống nước ngọt, không lạm dụng rượu, bia.
Với trẻ nhỏ, các bà mẹ cần cho trẻ ăn đủ nhu cầu cần thiết, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm; cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ; không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước... đề phòng bị tiêu chảy.
Các gia đình hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, uống các loại nước ngọt đặc biệt vào trước bữa ăn làm cho trẻ chán ăn; khi phải đi xa cần chuẩn bị quần áo đề phòng thời tết thay đổi làm trẻ dễ mắc bệnh./.
Theo Vietnamplus