Đình Long Ân - nơi ghi dấu ấn lịch sử của Tổng bộ Hoàng Trường
Năm 1930, đình Long Ân là nơi chứng kiến những dấu ấn lịch sử của Tổng bộ Hoàng Trường từ lúc ra đời cho đến ngày nay. Cây gạo đầu đình là nơi đồng chí Chu Niên treo cờ Đảng kỷ niệm ngày 1/5/1930.
Theo hướng Bắc của Quốc lộ 1A đến Km52, đi về phía Đông 1.500m, du khách đến với Đình Long Ân - nơi phát hiệu lệnh và tập trung nhân dân vùng Bắc Diễn Châu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Đình Long Ân thuộc xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đình toạ lạc trên diện tích 1.500m2; được bao quanh bởi 5 làng mà mỗi tên làng đều thể hiện truyền thống văn vật của quê hương: Ngọc Bội, Cẩm Bào, Long Ân, Kỳ Ngãi, Tam Khôi.
Vào thế kỷ 19, các làng của xã Diễn Trường thuộc tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu. Giai đoạn đầu, huyện Đông Thành chia đôi, tổng Hoàng Trường thuộc huyện Yên thành. Đến năm Thành Thái lại chia địa giới huyện Yên Thành và phủ Diễn Châu. Nằm cách không xa trung tâm văn hoá, chính trị (phủ lỵ cũ của Diễn Châu đặt tại Thành Trài) và cũng gần sát với Yên Lý (huyện lỵ Yên Thành cũ), xã Diễn Trường từ lâu đã nổi tiếng là đất hiếu học, chuộng văn chương. Truyền thống “hiếu học, trọng đạo lý làm người” không chỉ thể hiện trong ý thức tư tưởng mà còn bỉểu hiện trong hành động thực tế. Hầu hết các làng xã đều có ruộng công điền và văn miếu.
Các tác giả “Ô Châu cần lục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Nam nhất thống chí” đều nhận xét: “Người Hoan Diễn thuần mà chăm học”. Làng Long Ân có nhiều khoa bảng hơn so với các làng khác trong xã Diễn Trường ngày nay. Về học vị: Hương cống dưới thời Lê có 39 vị. Ở một vùng văn hoá như vây, đến đài khí mạo cũng rất nguy nga, có đền Cao Sơn và Cao Các dựng ở Cồn Lộc, nhà thánh Khổng Tử chung cho cả tổng đặt ở Long Ân, thôn nào cũng có đình nhưng đình Long Ân là to hơn cả.
Cùng với truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước của nhân dân Diễn Châu nói chung và Diễn Trường nói riêng đã để lại bao dấu tích lịch sử trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Vào thế kỷ 15, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhân dân Diễn Trường đã phối hợp với quân Đinh Lễ từ núi Động Đình tiến về giải phóng thành Diễn Châu. Đất nước yên hàn, nhân dân làng Long Ân, Cẩm Bào, Ngọc Bội được Vua ban ba chữ: “Trung - Nghĩa - Dân” và cho ba làng đặt tên như vậy.
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều người con ưu tú của Diễn Trường đi theo tiếng gọi của phong trào Văn thân Cần vương chống Pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đây cũng là một trong những cơ sở phát triển phong trào cách mạng sớm của vùng Bắc Diễn Châu.
Đình Long Ân được xây dựng theo hướng Nam, kiểu chữ Nhị (=), bao gồm: Đình Thượng và Đình Hạ. Gỗ làm đình bằng lim được nhân dân khai thác ở miền núi phía Tây Nghệ An. Nguyên vật liệu xây xung quanh chủ yếu bằng sò khai thác vùng xã Diễn Thành. Ngói lợp đình do nhân dân tự sản xuất.
Đình Thượng gồm ba gian hai hồi, lợp ngói âm dương, khắc dòng chữ Hán ghi rõ thời gian xây dựng: “Tự Đức Bính Tý niên chính nguyệt tu tạo, Xuân quý lạc thành”, nghĩa là: Khởi công xây dựng tháng Giêng đến cuối Xuân thì hoàn thành vào năm Tự Đức (1876). Đình có kiến trúc tứ trụ, hoa văn đơn giản, cột cao nhất là 2.4 m, đường kính 0,30 m, đá xanh kê cột: 0,4 m x 0,4 m; có 18 cột. Trên nói đình có “Lưỡng Long chầu nguyệt”, hai đầu có hai con nghê ngồi chầu trên hai trụ vuông.
Đình Hạ gồm 5 gian hai hồi, xây dựng vào năm 1885 (Hàm Nghi nguyên niên). Về việc xây Đình Hạ, các cụ kể lại rằng do hai hiệp thợ cùng thi tài xem ai đẹp hơn và nhanh hơn. Hiệp thợ Phó Nhự và Phó Tời cùng thi, cuối cùng hiệp thợ Phó Nhự thắng cuộc. Các vì kèo kiểu “Chiêng đấu oai bẫy” ở ngoài chạm hình rồng cũng khác nhau. “Bẫy” phía Bắc chạm một con rồng đang bay lên, một con đang bay xuống. “Bẫy” phía Nam chạm một con đại bàng đang ngậm lá sen. Kèo kiểu tứ trụ, các đưòng văng chạm hình con nghê. Đình có 24 cột.
Từ Đình Thượng sang Đình Hạ có một sân nhỏ diện tích 25m2, có hai dãy nhà cầu nối đình Thượng và đình Hạ, dùng đi rót rượu lúc tế lễ. Trên đỉnh hình này có xây hình hoa sen. Phía trước là sân đình. Phía Nam có hai gian nhà nhỏ gọi là “nhà Trù” dùng nấu nướng phục vụ tế lễ. Phía Bắc có hai gian “nhà kiệu” dùng để kiệu, đồ thờ cúng. Trước cổng Tam quan là giếng nước và cây gạo cổ thụ. Ngày nay, giếng nước, cây gạo, Tam quan, nhà Trù, nhà Kiệu không còn nữa.
Đình Long Ân thờ Hồ Hán Thương và công chúa Hy Ninh (con gái Trần Minh Tông). Năm 1406, nhà Minh lấy cớ giúp khôi phục nhà Trần đem hơn 20 vạn quân sang đánh nhà Hồ. Hồ Quý Ly thất bại bị bắt ở núi Thiên Cầm(Hà Tĩnh), Hồ Hán Thương bị bắt ở núi Cao Vọng. Hồ Hán Thương được nhân dân thờ cúng ở đây. Phải chăng là những người mang họ Hồ ở Long Ân và các làng lân cận là con cháu của ông đã theo ông từ Đông Đô vào và định cư tại đây?
Năm 1930, đình Long Ân là nơi chứng kiến những dấu ấn lịch sử của Tổng bộ Hoàng Trường từ lúc ra đời cho đến ngày nay. Cây gạo đầu đình là nơi đồng chí Chu Niên treo cờ Đảng kỷ niệm ngày 1/5/1930. Đình là nơi đánh trống hiệu lệnh và nơi tập trung nhân dân vùng Bắc Diễn Châu đi biểu tình ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga. Cuộc đấu tranh thể hiện tinh thần quốc tế sâu sắc. Phong trào đấu tranh ở Hoàng Trường lên cao, bọn lý trưởng hoảng sợ bỏ trốn, lý trưởng làng Long Ân từ chức. Tổng bộ Đảng đã họp tại Đình long Ân để xây dựng các tổ chức quần chúng như: nông hội, tự vệ, thanh niên, phụ nữ và dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân. Chính quyền Xô Viết đã lấy đình làm nơi hội họp và tập trung thóc của nhà giàu chia cho dân nghèo.
Cuối năm 1931, khi phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, Đình Long Ân trở thành nơi đóng đồn. Kẻ địch đã đưa 12 cán bộ cách mạng về xử bắn tại đây. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đình Long Ân trở thành trụ sở của UBND xã Diễn Trường làm việc. Năm 1948, đình là nơi sản xuất vũ khí bảo vệ vùng biển lúc thực dân Pháp đánh vào Quỳnh Lưu. Từ năm 1952, đình là nơi làm việc của Đảng uỷ, UBND xã và là trung tâm văn hoá của địa phương.
Ngoài dấu ấn lịch sử như vậy, đình Long Ân còn là nơi tổ chức các lễ hội của làng. Ngày hội lớn nhất được tổ chức tại đình là lễ Kỳ Phúc (lễ cầu mong làm ăn gặp nhiều may mắn). Vào rằm tháng Hai âm lịch hàng năm, lễ Kỳ Phúc được tổ chức trong hai ngày. Thành phần tham gia lễ hội gồm các chức sắc trong làng và các bô lão từ 60 tuổi trở lên. Đến tháng Sáu, sau khi gặt hái xong thì có lễ Thần Nông, nhân dân trong vùng mong mùa màng bội thu.
Xét thấy đình Long Ân là một nhân chứng trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc cũng như giá trị văn hoá nghệ thuật; ngày 11/3/1992, Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao đã ra Quyết định số 599/QĐ công nhận Đình Long Ân là Di tích lịch sử văn hoá để bảo tồn và phát huy tác dụng.