Đình Long Thái

07/03/2015 08:33

(Baonghean) - Di tích lịch sử đình Long Thái (Đô Lương) đã đi vào sử sách như một bản hùng ca về truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm, trở thành niềm tự hào của người dân quê tôi. Và Lễ hội đình Long Thái được tổ chức hàng năm trở thành ngày hội lớn của quê hương…

Đình Long Thái ngày lễ hội
Đình Long Thái ngày lễ hội

Với người dân quê tôi, ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm đã trở thành ngày hội làng. Gái trai, già trẻ từ các ngả đường đổ về đình rất đông. Tiếng trống, chiêng vang lên rộn rã như giục bước chân người đi. Các bậc cao niên áo the nghiêm chỉnh cúng tế. Những người làm ăn xa quê cũng vội vã trở về, kính cẩn nghiêng mình trước mái đình gần gũi, thân quen. Nơi đây, tuổi thơ tôi thường trốn mẹ ra đình đánh ô ăn quan, chơi nhảy lò cò...Trải qua bao biến thiên của lịch sử, rêu phong phủ kín những rường kèo xà cột, màu ngói nâu sẫm như chất chứa trong mình bao ký ức lịch sử.

Với tôi, sự tích về mái đình Long Thái như một câu chuyện không bao giờ cũ, dù tôi đã được nghe kể rất nhiều lần. Mỗi lần nghe là một lần xúc động, tự hào và tha thiết với nơi mình sinh ra nhiều hơn. Mái đình làng tôi gắn liền với vua Lê Trang Tông, một vị vua anh minh. Chuyện kể lại, vào đầu thế kỷ XVI (khoảng năm 1512), Mạc Đăng Dung lộng quyền, sau đó lật đổ nhà Lê để tranh ngôi vua. Bà Bùi Thị Ngọc Thuỵ - vợ của vua Lê Chiêu Tông đang mang thai phải chạy loạn đến làng Vĩnh Long, thuộc tổng Bạch Hà (nay là xã Thái Sơn, huyện Đô Lương) trú ẩn. Trước khi đến đây, bà đã ngồi yên thai ở một tảng đá cách đình làng ngày nay khoảng 500m về phía Tây. Sau đó bà sinh hạ một người con trai đặt tên là Lê Ninh. Tương truyền, lúc bà sinh, xuất hiện ánh hào quang ngũ sắc, những người dân địa phương trông thấy và phân công nhau đưa hai mẹ con về thôn giúp đỡ nuôi dưỡng. Họ sống mai danh ẩn tích tại đây trong một thời gian dài. Lê Ninh lớn lên trong sự cưu mang của những người dân địa phương. Khi trưởng thành, Lê Ninh được Lê Cựu thần Hưng Quốc Công đón sang Ai Lao (Lào) với mưu đồ chiêu tập binh sỹ chấn hưng lại nhà Lê, từ đó Lê Ninh lấy tên là Trang Tông. Quân của Lê Trang Tông đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ, thanh thế ngày càng lớn mạnh, đánh đâu thắng đó. Khi nhà Mạc suy yếu, các đại thần trung thành với nhà Lê tìm cách lật đổ nhà Mạc, khôi phục lại nhà Lê, trong đó có Nguyễn Kim (một bề tôi cũ của nhà Lê) cho người liên hệ với Lê Trang Tông. Nhà Mạc sụp đổ, Nguyễn Kim đưa Lê Trang Tông về triều, lập nên ngôi báu lấy niên hiệu là Nguyên Hòa. Lê Trang Tông tại vị được 16 năm (1533 - 1548), đến ngày 19/1 năm Mậu Thân thì mất. Tưởng nhớ ông, dân làng lập miếu thờ ở phía Nam làng Vĩnh Long.

Đất nước an bình, tôi trung vua sáng, thần dân lo bề cày cấy làm ăn, xã hội ngày càng phát triển, mảnh đất làng Vĩnh Long ngày thêm thịnh. Làng đã dựng đình làm chốn hội hè, sinh hoạt văn hoá, gọi là đình Long Thái. Đình xưa có 3 gian gỗ lim, tọa lạc ở một vị trí thoáng mát, phía trước là ao cá, nối tới là cánh đồng làng. Sau đó do điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nên đình Vĩnh Long đã được trùng tu vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).

Đình Long Thái ngày nay gồm 5 gian, chất liệu hoàn toàn bằng gỗ mít, với 24 cột, chiều dài 23 mét, chiều rộng 11 mét. Đình được thiết kế theo kiểu cung-dục-oai bẩy-trông trụ với 20 chiếc bẩy được chạm trổ rất tinh vi. Bộ khung ngôi đình là một tác phẩm điêu khắc đồ sộ, độc đáo với các đề tài truyền thống phong phú đa dạng. Các linh vật trên bờ nóc mái, bờ dải, hồi van, hệ thống xô, con kìm được thể hiện rất sắc sảo, tạo cho đình những đường cong mềm mại uyển chuyển. Những nét hoa văn cầu kỳ công phu, cách thể hiện nét to nhỏ, nét dày mỏng theo chủ ý của người thợ tài hoa đã đem lại sức sống và sự cuốn hút cho ngôi đình. Thông qua các mảng chạm khắc người xưa muốn gửi gắm, chuyển tải đến thế hệ mai sau những một thông điệp về giá trị sống, giá trị nhân văn của con người.

Trước Cách mạng tháng Tám, đình Long Thái là nơi bàn bạc và tuyên truyền đường lối cách mạng. Cũng tại đây, những ngày khởi nghĩa, chức sắc địa phương đã nộp ấn tín cho chính quyền cách mạng, chấm dứt chế độ phong kiến cai trị. Sau cách mạng, đình trở thành nơi hội họp của chính quyền cách mạng, nơi truyền bá chữ quốc ngữ, nơi sinh hoạt của các tổ chức chính trị. Ngày 13/1/2006, đình Long Thái được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá.

Đình Long Thái là nơi diễn ra nhiều lễ hội mang giá trị văn hoá của địa phương. Hàng năm, vào trung tuần tháng Giêng có Lễ tế Xuân, vào tháng 6 Lễ tế Lục ngoạt kỳ phúc. Lúc tế, đồ tế được bày biện uy nghiêm lộng lẫy, nghi thức chu đáo bài bản, hành lễ theo thứ tự quy định. Đồ tế gồm: long đình, bài vị , kiệu bát cống, cờ ngũ hành, long đao, mã đao, chuỳ, ngựa, hạc,… Trước ngày lễ hội, các vị chức sắc trong làng, các vị cao niên, các tráng niên ăn mặc đẹp đẽ chỉnh tề mới tới đình làm các công việc chuẩn bị. Mỗi lần tế tự làng góp tiền mua một con trâu non béo tốt để làm thịt phục vụ việc tế tự, tế xong chia phần cho các đinh trong làng, kính biếu những người có công. Ngoài lễ nói trên, đình Long Thái còn là nơi diễn ra các lễ hội khác như: lễ mừng thọ, lễ tống thuyền, lễ chuẩn thí, hội vật cù… Ngày nay, nghi lễ tế Xuân hằng năm được tổ chức linh thiêng, trang trọng cả phần cổ lễ và tân lễ. Cùng với lễ tế là các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu... thắm thiết tình làng quê.

Nguyễn Lê

Mới nhất

x
Đình Long Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO