Đình Võ Liệt –Văn miếu huyện Thanh Chương

27/08/2010 11:10

(Baonghean) - Về Thanh Chương theo quốc lộ 46 nối đường Hồ Chí Minh, qua cầu Rộ, rẽ phải 500 mét sẽ thấy Đình Võ Liệt nổi bật trên gò đất cao trên cánh đồng Rè. Vị trí gần như trung tâm với các gò cao dân cư của xã Võ Liệt.

Trước kia, đình gọi là Văn Quán, Quán Thánh Hàng Tổng, diện tích gần một mẫu Trung bộ.


Toàn cảnh Đình Võ Liêt- Văn miếu huyện.

Cách đây 24 năm (năm 1986), đình vinh dự được người con rể của quê hương - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng cán bộ tỉnh và huyện về thăm (phu nhân là Giáo sư Đặng Thị Hà, con gái Nhà văn-Nhà Văn hoá Đặng thai Mai). Khi tham quan, đọc văn bia của di tích, Đại tưởng rất vui nói: “Đây là Văn miếu của huyện”. Hai năm sau, năm 1988 đình Võ Liệt được Bộ Văn hoá-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ngày 26-1-2007, trong thư gửi Đảng bộ và nhân dân xã Võ Liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ở một xã, một huyện ít nơi có di tích lịch sử như ở đây. Tôi đã nói: Đây là văn miếu huyện rất đáng tự hào ở quê ta, các thế hệ con, cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học đó của ông cha ta”.


Một trong 2 dãy bia ghi danh người đỗ đạt.

Vì sao hai lần Đại tướng khẳng định đình Võ Liệt là “Văn miếu huyện”. Chúng ta cùng tìm hiểu sự ra đời của di tích văn hoá “độc nhất, vô nhị” ở Nghệ An. Theo gia phả của Họ Hoàng ghi: "Ông Hoàng Chính Trực, hiệu là Cổ Duy, sinh năm Canh Dần, niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830). Cha ông làm quan ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ và lúc đi học ông được cha dẫn ra Thăng long đến nhiều danh lam thăng cảnh, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám. Năm 28 tuổi ông Trực đậu Cử nhân và có ý tưởng xây một công trình theo kiểu như Văn miếu tại quê hương để đề cao sự học. Hội Văn huyện Thanh Chương chấp thuận ý định của ông và giao ông thiết kế, đốc công. Gia phả Họ Hoàng ghi: "Văn chỉ trùng diêm ở Võ Liệt theo quy thức kiến trúc thời Lý Thánh Tông ở Hà Nội”. Như vây, cách đây 151năm, năm 1859 Đình Võ Liệt được xây dựng tại xã Võ Liệt.

Từ ngoài vào, cổng đình có hai trụ cao, tả hữu là hai cổng phụ. Phía trước 2 bên sân đình xây dựng hai dãy nhà bia gồm 6 tấm đá lớn ghi lại họ, tên, địa chỉ của 455 vị đỗ đạt từ tú tài, cử nhân, tiến sĩ... của tổng Võ Liệt từ thời Lê đến triều Nguyễn. Đình kiến trúc kiểu chữ “khẩu”, qua sân đình là 4 dãy nhà liên thông và 54 cột nối nhau thẳng hàng ngang, dọc và khép kín bằng ván lim trong khung đố. Dãy nhà phiá trước năm gian chính hai gian phụ cao 5 mét nối liền với hai dãy nhà tả hữu, mỗi nhà ba gian, bốn cột cao 4,3m, giũa là sân trời, nối tiếp toà nhà trùng diêm phiá sau gồm năm gian chính, hai gian phụ, cao 7m.


Sân trời của đình.

Từ ngày có đình (Văn miếu huyện) trở thành nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn Thanh Chương vào tháng 8 âm lịch. Các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc, Hồ Sĩ Tạo từng đến đình đàm đạo. Trước khi lên đường ứng thí mấy tháng, các sĩ tử thường tập trung về đình ôn luyện văn bài và thường đem lại kết quả cao.

Khi Đảng ta ra đời năm 1930, ngày 1-6 cùng năm, đông đảo dân Tổng Võ Liệt cùng các Tổng Bích Hào, Xuân Lâm, Đại Đồng thường tập trung về đinh kéo lên huyện đường đấu tranh, yêu sách. Đặc biệt, ngày 1-9-1930. cuộc biểu tình thu hút hàng vạn nông dân tham gia tại huyện đường giành thắng lợi, đập tan bộ máy của chính quyền phong kiến thực dân. Mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh 1-9 trở thành ngày truyền thống của Thanh Chương và năm nay huyện tưng bừng tổ chức kỷ niệm 80 năm.


Đình kiến trúc dãy nhà sau theo kiểu chồng diêm nhìn từ phía Nam.

10 năm sau, năm 1940 đinh chứng kiến chi bộ Đảng Cộng sản Võ Liệt tổ chức lại. Võ Liệt còn là nơi làm việc một thời gian của chính quyền Việt minh huyện sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1947, Đảng bộ liên khu IV mở đại hội tại Văn miếu với sự có mặt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thiếu tướng Nguyễn Sơn, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu. Từ ngày văn hoá tâm linh được quan tâm, đình là nơi diễn ra hội làng.

Trải qua biến thiên của thời gian và lịch sử, đươc nhà nước quan tâm đầu tư gần chục tỷ đồng tôn tao, nâng cấp, “Văn miếu huyện”- đình Võ Liệt hoàn thành trong dịp kỷ niệm 80 năm truyền thống Thanh Chương. Cách thành phố Vinh 50 km, Võ Liệt bây giờ đã nâng tầm trở thành địa chỉ văn hoá, du lịch của du khách gần xa.


Phan Nguyễn

Mới nhất
x
Đình Võ Liệt –Văn miếu huyện Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO