Đổ cả tỉ "đô" vào ôtô nhập
Trong 17 tháng liên tục, lượng ôtô bán ra của các thành viên Hiệp hội Sản xuất ôtô VN (VAMA) tăng vọt, tháng sau hơn tháng trước.
Các dòng xe sản xuất trong nước giá đắt hơn xe cùng loại sản xuất ở các nước ASEAN. Trong ảnh: dòng xe City do Honda VN sản xuất |
Trong khi tăng trưởng xe do thành viên VAMA sản xuất, lắp ráp chỉ tăng hơn 20%/tháng, ôtô nhập khẩu có mức tăng hơn 60%, cá biệt có tháng tăng hơn 75%.
VAMA chưa công bố thống kê của các thành viên trong tháng 9-2014 nhưng khảo sát từ các thành viên cho thấy lượng xe bán ra tiếp tục tăng hơn tháng 8-2014. Câu chuyện các doanh nghiệp ôtô VN mở rộng đầu tư để phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ khó có khả năng thành hiện thực khi năm 2018 thuế nhập khẩu ôtô sẽ giảm bằng 0%.
Xe nhập tăng trưởng 2-3 lần xe sản xuất trong nước
Tổng cục Thống kê cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô cộng dồn chín tháng năm 2014 ước đạt 44.000 chiếc và 938 triệu USD, tăng 74% về lượng và tăng 90,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lộ trình cam kết của khu vực mậu dịch tự do, năm 2014 các mẫu ôtô chở khách dưới 24 chỗ khi nhập khẩu vào VN thuế suất còn 50% (phải có tỉ lệ nội địa hóa 40% tại nước trong ASEAN sản xuất). Xe bán tải (pick-up) có thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN là 5% sẽ giảm xuống mức 0-5% trong hai năm 2016-2017 và còn 0% năm 2018.
Trong doanh số bán ra của các thành viên VAMA đều có một tỉ lệ đáng kể các dòng xe nhập khẩu tăng trưởng liên tục trong thời gian qua. Thống kê của VAMA cho thấy tính đến hết tháng 8-2014, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 27% nhưng xe nhập khẩu tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỉ lệ này liên tục giữ khoảng cách lớn hơn nhiều trong suốt nhiều tháng. Chẳng hạn tháng 7-2014, tỉ lệ này lần lượt là 24% và 62%, tháng 6-2014 là 24% và 60%, đặc biệt tháng 5-2014 lượng xe trong nước sản xuất chỉ tăng 23% trong khi xe nhập khẩu tăng 75%.
Danh mục xe bán ra hằng tháng của các thành viên VAMA đều có những dòng xe nhập khẩu trực tiếp từ các nước ASEAN do có ưu đãi thuế nhập khẩu, trong đó các dòng xe có từ 40% linh kiện xuất xứ từ ASEAN sẽ được tính thuế nhập khẩu 50%.
Chẳng hạn, Ford VN có 394 xe nhập khẩu từ Thái Lan bán được trong tổng số 1.287 xe bán ra trong tháng 8-2014, trong tổng số 3.615 xe Toyota VN bán ra có 423 xe nhập khẩu từ Thái Lan. Riêng dòng xe bán tải mà các doanh nghiệp thành viên VAMA đang kinh doanh đều nhập khẩu toàn bộ từ Thái Lan do thuế nhập khẩu chỉ còn 5%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong tám tháng đầu năm 2014, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan đã đạt hơn 7.400 xe, tăng 64,3%, Ấn Độ là 5.800 xe trong khi cùng kỳ chỉ có 745 chiếc...
Một số nhà sản xuất ôtô VN thừa nhận ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chỉ tập trung từ Thái Lan và Indonesia. Nguyên nhân chủ yếu là do hai quốc gia này có ngành công nghiệp ôtô phát triển với tốc độ mạnh mẽ, sản lượng bán ra trong một tháng có thể bằng hoặc cao hơn doanh số cả thị trường ôtô VN trong một năm và hệ thống các nhà đầu tư, sản xuất linh phụ kiện cho ngành công nghiệp ôtô phát triển rất mạnh.
Nhập khẩu lợi hơn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kazuhiro Yamana, tổng giám đốc Công ty Vinastar, cho biết trong bốn dòng xe mà công ty này đang phân phối ra thị trường VN, chỉ một dòng xe được nhập khẩu linh kiện CKD về lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương, còn lại là nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Nhật Bản.
Hai dòng xe dự kiến sẽ được công ty giới thiệu tại thị trường VN trong năm 2014 là Attrage và Outlander Sport cũng sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan và Nhật Bản vì sản xuất tại VN sẽ chưa lợi bằng nhập khẩu.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch giới thiệu các dòng xe mới cho thị trường VN nhưng sẽ theo dõi sát sao mọi diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp là gia tăng sản xuất hay nhập khẩu” - ông Yamana cho biết khi đề cập khả năng thuế nhập khẩu ôtô sẽ hạ xuống mức 0% vào năm 2018.
Ôtô sản xuất ở VN đắt hơn dòng xe tương tự sản xuất tại Thái Lan rất nhiều vì sản lượng thấp, linh kiện phần lớn phải nhập khẩu. Do đó, theo ông Tomohiro Maruno - giám đốc khối bán hàng ôtô Công ty Honda VN, thay vì sản xuất, các doanh nghiệp cứ nhập khẩu về bán.
Với tình trạng này, theo ông Tomohiro Maruno, nếu muốn các doanh nghiệp sản xuất ôtô ở VN duy trì sản xuất, VN cần có chương trình cụ thể để hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô trong nước, bởi “riêng doanh nghiệp không thể tự giải quyết được sự chênh lệch về giá giữa VN và các nước ASEAN được”.
Ông Tomohiro Maruno cũng cho biết các nhà sản xuất ôtô VN đang nỗ lực làm việc với các bên liên quan của Chính phủ VN để cụ thể hóa kế hoạch hành động đề ra trong chiến lược phát triển công nghiệp ôtô VN dự kiến sẽ chính thức công bố vào tháng 11-2014.
“Nếu không làm nhanh trước quý 3-2014 chắc không kịp, khi đó chẳng doanh nghiệp nào còn cơ hội để gia tăng đầu tư, sản xuất mà chỉ cần nhập xe từ các đại bản doanh trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia về bán cho khỏe”. Vẫn theo ông Maruno, việc công bố cách tính tỉ lệ nội địa hóa trong bản phát triển chiến lược công nghiệp ôtô đến giờ vẫn chưa có và cũng chưa có kế hoạch cụ thể nào để tính toán khoa học tỉ lệ này.
VnEconomy